KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 04/10/2016 - Lượt xem: 948
Quan điểm, mục tiêu và giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

1. Quan điểm

1.1. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm của Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng bộ với nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013; bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

1.2. Đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế, phù hợp với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

1.3. Về tổ chức bộ máy, không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, địa phương có thể lập (hoặc không lập) tổ chức sau khi được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền. Đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.

1.4. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cần thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa đủ rõ thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi ngay.

2. Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh".

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và có tiền lương, thu nhập bảo đảm cuộc sống.

3. Nhiệm vụ, giải pháp

Văn kiện Đại hội XII đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) với các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

3.1- Đối với tổ chức đảng

- Cơ quan lãnh đạo của Đảng: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng đoàn, ban cán sự đảng và cấp uỷ đảng các cấp theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm, mở rộng dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và cấp uỷ các cấp có chất lượng. Bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy định về quy trình công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, về quan hệ lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết của Đảng.

Tiếp tục nghiên cứu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đảng uỷ khối ở Trung ương, địa phương, Đảng uỷ Ngoài nước; mô hình tổ chức đảng ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng ở Trung ương cơ bản giữ ổn định về tổ chức. Thực hiện chủ trương không nhất thiết ở Trung ương có ban đảng, đảng bộ nào thì ở địa phương cũng phải có ban đảng, đảng bộ đó; căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, cấp uỷ địa phương có thể lập (hoặc không lập) tổ chức sau khi được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên có thẩm quyền. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện. Xem xét việc thành lập ban kinh tế ở một số tỉnh uỷ, thành uỷ.

3.2. Đối với Nhà nước

- Quốc hội:

Kiện toàn bộ máy giúp việc của Văn phòng Quốc hội theo các khối công việc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gắn với hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội. Xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi bầu cử. Tiếp tục đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

- Chủ tịch nước

Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp và pháp luật nhằm xác định rõ và cụ thể hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nghiên cứu làm rõ quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Chủ tịch nước.

Kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng Chủ tịch nước đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong tình hình mới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Chính phủ

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng buông lỏng trên một số lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức.

Trước mắt, giữ cơ bản ổn định tổ chức của Chính phủ, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành tập trung vào quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương. Chuyển những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho các tổ chức xã hội đảm nhận.

Xem xét, điều chỉnh một số tổ chức không cần thiết, chưa phù hợp bên trong một số bộ, việc thành lập một số tổng cục; khắc phục những hạn chế khi tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu việc thành lập tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu, quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về năng lượng và tài nguyên nước phù hợp với trình độ, năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công để cung ứng tốt hơn các dịch vụ cơ bản thiết yếu cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo. Nhà nước tăng cường đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước trên cơ sở các định mức, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật và sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân.

- Chính quyền địa phương

Sớm hoàn thành quy hoạch để bảo đảm cơ bản giữ ổn định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ điều kiện cụ thể tiêu chí và quy định khung của Chính phủ, địa phương có thể lập (hoặc không lập) cơ quan, tổ chức đặc thù sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Rà soát, điều chỉnh, khắc phục những chồng chéo, không rõ về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, giữa uỷ ban nhân dân cấp huyện với các sở, ngành cấp tỉnh. Nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương (có phân biệt tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn), giao Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Hướng dẫn tổ chức đảng và chính quyền phù hợp với các địa phương có tính đặc thù, như đặc khu kinh tế, hải đảo...

Tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương.

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới. Quy định dưới xã, phường, thị trấn là thôn, tổ dân phố và tương đương (có quy mô phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi), chủ yếu hoạt động theo hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, hạn chế tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách. Thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và tương đương bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, giải quyết tranh chấp về đất đai; đổi mới cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm. Tổ chức hệ thống viện kiểm sát nhân dân phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án nhân dân. Bảo đảm các điều kiện để viện kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; đổi mới và kiện toàn các tổ chức bổ trợ tư pháp.

3.3 Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế tài chính, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng thêm tính tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động; không “hành chính hóa” để gần dân, sát dân hơn; thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, quy định về giám sát, phản biện xã hội; cơ chế để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Quy định chặt chẽ về tổ chức và hoạt động của các hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định của Nhà nước về quản lý tổ chức và hoạt động hội phù hợp với tình hình mới.

4. Về biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế

Quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để giao và quản lý biên chế cán bộ, công chức, xác định số lượng viên chức.

Nghiên cứu cơ chế quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị. Định kỳ hằng năm Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về quản lý biên chế và định hướng bố trí biên chế của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế giao, quản lý và sử dụng biên chế. Thực hiện chế độ kiêm nhiệm các chức danh phù hợp và tiếp tục thí điểm khoán kinh phí hành chính để khuyến khích giảm biên chế. Thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, đến hết năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới). Cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, có chính sách và biện pháp đồng bộ để thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu. Trường hợp có yêu cầu tăng thêm biên chế phải có đề án được các cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ công, từng bước giảm chi lương viên chức từ ngân sách nhà nước; thống nhất quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, tăng cường kiêm nhiệm công việc, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã. Mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; tăng cường quyền làm chủ của nhân dân gắn với đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản và xã hội hóa ở cộng đồng dân cư.

- Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác; kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển để rèn luyện trong thực tiễn. Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu cấp chiến lược ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Gắn chính sách tinh giản biên chế với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có chính sách phù hợp với đội ngũ chuyên gia, chính sách thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan của hệ thống chính trị; thu hút cán bộ trẻ, có trình độ đại học về công tác ở cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên ưu tú ở địa phương bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Triển khai tổ chức việc thi tuyển các chức danh quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh; quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn bằng cấp đối với cán bộ, công chức theo hướng thiết thực, tránh hình thức và phù hợp với thực tế.

Theo Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch lên chuyên viên chính khối Đảng, đoàn thể năm 2016

 

 

Tin liên quan