Tài nguyên nước là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của các địa phương. Với hệ thống sông ngòi phong phú, quản lý và sử dụng tài nguyên nước sao cho hiệu quả, bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Tuy nhiên, trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại Hưng Yên đang gặp phải nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Quan trắc nước ngầm tại thành phố Hưng Yên
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác và sử dụng nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều vấn đề, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là ô nhiễm nguồn nước. Các khu công nghiệp, làng nghề, hộ dân và các cơ sở sản xuất vẫn còn tình trạng xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường. Điều này đã làm cho nhiều dòng sông, kênh mương bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở nhiều khu vực cũng đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái nguồn nước ngầm, khiến mực nước ngầm ngày càng hạ thấp. Mặt khác, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi lượng mưa và dòng chảy của các sông ngòi, gây ra tình trạng khô hạn ở nhiều nơi.
Trong khai thác nguồn nước mặt, các nhà máy xử lý nguồn nước mặt thành nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều đang sử dụng nước thô từ sông Hồng, sông Luộc. Công ty cổ phần nước sạch Phù Tiên (Tiên Lữ) đang quản lý trên 30 km đường ống dẫn truyền tải nước, phục vụ người dùng nước sinh hoạt tại các huyện Tiên Lữ và Phù Cừ. Ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc công ty cho biết: Công ty đang khai thác 5 nghìn mét khối nước mặt sông Luộc/ngày đêm để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nguồn nước thô sau khi thu về các bể lắng, bể lọc… sử dụng công nghệ của Nhật Bản, bảo đảm sản phẩm nước sinh hoạt đạt quy chuẩn cấp cho người sử dụng. Mặc dù về cơ bản nguồn nước thô từ sông Luộc vẫn đáp ứng khai thác phục vụ cấp nước, tuy nhiên nhiều thời điểm trong năm, mực nước xuống thấp, hoặc có hiện tượng ô nhiễm, chúng tôi phải bám sát để lựa chọn thời điểm khai thác phù hợp. Công ty thực hiện việc xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt theo quy định, lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát nước đầu vào.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm trong tỉnh cũng được sử dụng nhiều cho sản xuất và dân sinh như: Khai thác phục vụ sản xuất nước uống, phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… Tuy nhiên, những năm gần đây, tài nguyên nước ngầm, nước mặt ở một số khu vực trong tỉnh đang bị ô nhiễm, giảm trữ lượng.
Để quản lý tài nguyên nước, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, phục vụ quản lý khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Năm 2023, tỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Trong tỉnh đang duy trì 26 điểm quan trắc tài nguyên nước, gồm 23 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất và 3 điểm quan trắc nước mặt đặt tại các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu…, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì quan trắc nước ngầm, nước mặt 1 lần/năm tại các điểm quan trắc tài nguyên nước, đồng thời định kỳ lấy mẫu quan trắc chất lượng nước mặt, nước dưới đất trong toàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo các thông số về môi trường nước trên địa bàn. Trong tỉnh hiện nay, đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước chịu sự giám sát của ngành chức năng khi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo 2 hình thức: Giám sát định kỳ và giám sát tự động trực tuyến tùy theo lưu lượng được cấp phép.
Trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh có 45 công trình khai thác, sử dụng nước được UBND tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhằm bảo đảm ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước.
Theo Quyết định số 2399/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước mặt tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phân bổ nguồn nước mặt giai đoạn quy hoạch đến năm 2025 là 615,87 triệu mét khối/năm. Trong đó, chủ yếu phục vụ nông nghiệp khoảng hơn 400 triệu mét khối/năm, phục vụ công nghiệp gần 64 triệu mét khối/năm, phục vụ sinh hoạt gần 4,5 triệu mét khối/năm, còn lại là các ngành khác. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Nguồn: https://baohungyen.vn