Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn thảo một số nội dung quan trọng liên quan tới Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật cảnh vệ...
Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Luật Công đoàn (sửa đổi)... (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (3/6), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 12 với nhiều nội dung quan trọng.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Sau đó, Quốc hội tiếp tục với phần thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên làm việc buổi chiều bắt đầu với phần trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chương trình làm việc tiếp tục với phần thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đại biểu Quốc hội thảo luận trên nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
Trước đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được xác định là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.
Chương trình nhằm tập trung một số nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa.
Với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc: Về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nội dung trên nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều, trong đó: Chương I quy định chung (17 điều); Chương II quy định về quản lý, sử dụng vũ khí (15 điều); Chương III quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (11 điều); Chương IV quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (6 điều); Chương V quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ (11 điều); Chương VI quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (09 điều); Chương VII quy định về quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (03 điều); Chương VIII quy định về điều khoản thi hành (2 điều)./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn