Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Quy định gồm 5 chương và 32 điều, trong đó, tại chương I – “Những quy định chung” đã giải thích rõ: "Di tích lịch sử - văn hoá" là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. "Chủ sở hữu di tích" là tổ chức, cá nhân có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với di tích theo quy định của pháp luật. "Di vật" là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. "Cổ vật" là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. "Bảo vật quốc gia" là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.
Tại chương II – “Quản lý di tích”, gồm 3 mục: phân loại, kiểm kê, xếp hạng di tích; quản lý và sử dụng di tích; bảo quản, tu bổ và phục hồi. Trong đó xác định có 4 loại di tích là di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân); di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ; danh lam thắng cảnh. UBND tỉnh tổ chức lễ trao nhận quyết định và bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. UBND cấp huyện có di tích được xếp hạng di tích quốc gia xây dựng kế hoạch và tổ chức lễ trao nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia. UBND cấp xã có di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình lễ trao nhận quyết định và bằng xếp hạng di tích, báo cáo UBND cấp huyện và tổ chức thực hiện.
Căn cứ điều kiện và giá trị di tích trên địa bàn, UBND tỉnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, quản lý và khai thác di tích trên địa bàn theo quy định của pháp luật, cụ thể: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý trực tiếp Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến và các di tích quốc gia đặc biệt có quy mô lớn, phức tạp, địa bàn liên quan đến nhiều địa phương. UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; căn cứ vào các quy định của pháp luật, điều kiện thực tế và giá trị của từng di tích, cụm di tích trên địa bàn xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu (trừ những di tích quy định tại Khoản 1 Điều này) để quản lý, bảo vệ và khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di tích. UBND cấp xã là cấp quản lý trực tiếp di tích, căn cứ vào giá trị của từng di tích trên địa bàn có trách nhiệm thành lập và quy định nội quy, quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích cấp xã, Tổ quản lý, phát huy giá trị của di tích tại địa phương.
Việc tổ chức lễ hội tại di tích thực hiện theo Điều 22 Luật Di sản văn hóa; Khoản 7, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội và các quy định của pháp luật có liên quan; phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung hoạt động lễ hội và các dịch vụ có liên quan phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Việc tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự mới vào di tích phải đảm bảo quy trình, nguyên tắc sau: Tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý và sử dụng di tích phải có văn bản đề nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ được tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự được bổ sung phải có giá trị thẩm mỹ, phù hợp với với thuần phong mỹ tục Việt Nam; kích thước, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với không gian kiến trúc và nội thất của di tích.
Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí thu từ di tích: Các nguồn kinh phí thu từ di tích, tiền thu qua công đức (gồm: Khoản tài trợ, hòm công đức, ghi phiếu công đức), tiền đặt trên các ban thờ… do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý di tích kiểm soát, báo cáo tài chính để sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dâp cấp xã và Trưởng Ban quản lý di tích cơ sở chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND cấp huyện về các hoạt động thu, chi tài chính đối với những di tích do Ủy ban nhân cấp xã trực tiếp quản lý. Việc quản lý, sử dụng các nguồn thu từ di tích phải được công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu đúng mục đích và được sự giám sát, kiểm tra của cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các quy định khác có liên quan về tài chính.
Đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở di tích: Tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm kê theo định kỳ hằng quý, hằng năm; báo cáo UBND cấp trên trực tiếp về thực trạng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích và có trách nhiệm bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia an toàn tuyệt đối. Trong trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của di tích bị mất, bị hủy hoại thì phải báo ngay cho các cơ quan chính quyền gần nhất để kịp thời xử lý, giải quyết.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 05/12/2016. Bãi bỏ Quyết định số 2142/QĐ-UB ngày 31/8/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quy chế xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.