Chúng ta đã không ít lần tự hào nói với nhau về truyền thống nhân ái, nhân văn cao đẹp "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, nhất là vào những thời điểm đất nước ta phải đối mặt với khó khăn bất thường như thiên tai, địch họa.
Truyền thống ấy đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành biểu tượng đoàn kết cộng đồng, sẻ chia trách nhiệm; thể hiện ở tinh thần tương thân, tương ái đùm bọc lẫn nhau, là nét văn hóa nổi bật riêng có của người Việt Nam. Phẩm chất ấy đã kết tinh thành lòng yêu nước, giúp đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, để dân tộc ta mãi trường tồn. Ðiều này một lần nữa lại được thể hiện trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19", nơi những giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân.
Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 (Quỹ vaccine) vào ngày 26-5 và chứng kiến lễ ra mắt Quỹ đêm 5-6 tại Hà Nội, nhiều người đã gọi đây là Quỹ của lòng dân, của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim. Ðó là sự đồng lòng của người dân, của người già và người trẻ, người giàu và người nghèo, người trong nước và người ở nước ngoài; của những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, những người thuộc các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, vị trí địa lý khác nhau nhưng cùng chung nghĩa đồng bào để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Những khía cạnh đẹp đẽ ấy trong văn hóa dân tộc Việt Nam một lần nữa lại hiển lộ.
Ðiều đó một lần nữa chứng tỏ tầm nhìn xa chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhận ra sự nguy hiểm khôn lường của vius SARS-CoV-2, Ðảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo quyết liệt "chống dịch như chống giặc", xác định đó là kẻ thù trực tiếp đe dọa sự an toàn tính mạng của người dân và sự phát triển của đất nước. Cho dù nền kinh tế bị tổn thương nặng nề do đại dịch, Ðảng và Nhà nước ta vẫn quyết tâm huy động toàn lực để đánh giặc. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã chi từ ngân sách Trung ương 21,1 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch, trong đó có 14,5 nghìn tỷ đồng để mua vaccine. Ðể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Ðảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch. Nước ta còn nghèo, quy mô dân số lớn (đứng thứ ba khu vực Ðông - Nam Á và thứ 15 thế giới), nhưng chăm lo sức khỏe cho người dân là mục tiêu tối thượng, vaccine phải được tiêm miễn phí cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư dịch Covid-19 lan nhanh với diễn biến khó lường, quyết định thành lập Quỹ vaccine của Chính phủ để huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội tham gia chống dịch là quyết định hợp lòng dân. Quyết định này thể hiện truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc ta, thể hiện niềm tin của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, tin vào tinh thần đoàn kết một lòng, sáng suốt nhất trí của người dân. Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ như lời hiệu triệu huy động mọi nguồn lực cho chiến lược vaccine, đã được người dân hưởng ứng tức thì. Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ của lễ ra mắt, Quỹ đã thu được 17,7 tỷ đồng tiền ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng 1400 ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Ðó là số tiền lớn trong thời gian ngắn nếu chúng ta biết "mệnh giá" mỗi lần nhắn tin cao nhất chỉ là 2 triệu đồng! Nhiều người nói vui, đó chính là gien đoàn kết, đồng lòng đã luôn có sẵn trong máu thịt của người dân Việt.
Niềm tin đó còn đặt vào các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, những đầu tàu kinh tế của đất nước. Dù đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân đã nhiệt tình đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ, trong đó phải kể đến những tập đoàn "trăm tỷ" như Viettel, PVN, EVN, VNPT, Vinataba, Golf Long Thành, T&T, Sovico và HD Bank… Làm kinh tế nhưng không quên trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội - đó có thể coi là một nét đẹp văn hóa của giới doanh nhân Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, người đầu tiên được mời lên sân khấu nhận bằng chứng nhận đóng góp vào quỹ là một em học sinh phổ thông 15 tuổi, góp 100 nghìn đồng; tiếp theo là một cán bộ ngành đường sắt về hưu 82 tuổi, đóng góp 200 nghìn đồng…, tiếp đến là một bác sĩ, rồi đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam. Với số tiền đóng góp không lớn, nhưng họ là những nhân vật đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ trao bằng chứng nhận và tặng hoa tri ân. Ðây là cử chỉ nhân văn rất đáng trân trọng, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Ðảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước…". Tinh thần ấy của thông điệp chắc chắn sẽ có sức lan tỏa và quy tụ sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Quả vậy, tính đến 19 giờ ngày 8-6, Cổng 1400 ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã nhận được 1.079.301 tin nhắn, với số tiền 53.568.769.000 đồng. Tổng số tiền đã chuyển vào Quỹ vaccine tính đến thời điểm này là 4.176 tỷ đồng, số tiền cam kết tài trợ chưa chuyển là 3.252,88 tỷ đồng. Với tốc độ này, số tiền đóng góp vào Quỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Cam kết của Chính phủ về sử dụng Quỹ vắc "bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết" cũng được dư luận hết sức đánh giá cao. Về bản chất, quỹ vắc-xin không chỉ là nơi nhận tiền và chi tiền mà còn là nơi lưu giữ sự nhân ái, niềm tin, tinh thần sẻ chia, sự kết nối trái tim của người đóng góp. Cam kết đó đã được Bộ Tài chính cụ thể hóa bằng Thông tư số 41/2021/TT-BTC, theo đó, Quỹ vắc-xin sẽ công khai báo cáo tài chính hằng tháng, sáu tháng, cả năm và báo cáo quyết toán quỹ. Các nội dung công khai bao gồm: số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại… Sử dụng hiệu quả cũng là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Chính phủ với đóng góp của người dân và sẽ giúp cho Quỹ thu hút thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.
Cho đến nay, chưa có tổ chức khoa học hay cá nhân nào đưa ra kết luận chính xác về diễn biến của đại dịch Covid-19 và thời gian hiệu quả của vắc-xin đến đâu trước những biến thể bất thường của vi-rút SARS-CoV-2. Ðây được xác định là cuộc chiến cam go, lâu dài của cả nhân loại. Sự đóng góp vào Quỹ vắc-xin lần này khác với những cách làm từ thiện trước đó. Ðóng góp để phòng, chống dịch cũng là cứu bản thân, gia đình và đem lại sự bình yên, ổn định cho xã hội. Vì vậy, sự ra đời của Quỹ vắc-xin do Chính phủ thành lập và được người dân nhiệt tình hưởng ứng đã thể hiện niềm tin, trách nhiệm của người dân với Nhà nước trong điều hành nguồn lực tài trợ phù hợp thực tiễn, làm nên văn hóa ứng xử mới với công việc thiện nguyện.
Quỹ vắc-xin thể hiện sự đồng lòng của người dân, là quỹ của lòng dân thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân với Nhà nước, giúp chúng ta chiến thắng đại dịch Covid-19. Ðúng như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn".
Nguồn: nhandan.com.vn