KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/03/2022 - Lượt xem: 242
Sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Ba mươi hai tuổi đời, mười tám năm hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Tô Hiệu là những tháng ngày phấn đấu không ngừng nghỉ, trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng đến giây phút cuối cùng. Tấm gương và “tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đoàn viên thanh niên Sơn La tìm hiểu về thân thế, gia đình đồng chí Tô Hiệu tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. (Ảnh NGỌC TUẤN)
Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu và một điều đặc biệt là các thế hệ cách mạng mãi lưu truyền tên gọi biểu tượng của đồng chí: “Tinh thần Tô Hiệu”.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ khi mới 14 tuổi, còn học tại Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia những hoạt động bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Những năm 1927-1929, đồng chí lên Hà Nội tiếp tục đi học và tích cực tham gia hoạt động yêu nước trong sự hướng dẫn của các cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Ngày 25/8/1930, Tô Hiệu bị bắt và ngày 28/12/1930 bị kết án bốn năm tù và đày đi Côn Đảo. Cuối năm 1932, Tô Hiệu được chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp vào hàng ngũ những người cộng sản.
Năm 1934, đồng chí mãn hạn tù và bị quản thúc tại quê nhà. Trong vòng quản thúc, Tô Hiệu vừa tìm mọi cách vượt qua sự khống chế của chính quyền thực dân, vừa hoạt động gây dựng lại cơ sở cách mạng. Trong những năm 1936-1939, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Văn Nọn, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu... khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được phân công phụ trách phong trào cách mạng tại các tỉnh miền duyên hải Bắc Kỳ. Tháng 10/1939, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập liên tỉnh B gồm Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ. Đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Khu ủy B và chỉ đạo ra báo Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu ủy B.
Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị bắt ở cơ sở in báo Chiến đấu tại Thượng Lý (Hải Phòng). Tra tấn và mua chuộc không khuất phục được đồng chí, Tòa án thực dân kết án Tô Hiệu 5 năm tù khổ sai và đày lên ngục Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, từ cuối tháng 12/1939, Chi bộ lâm thời của nhà tù đã được thành lập, gồm 10 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là Bí thư Chi bộ lâm thời. Tháng 5/1940, Chi bộ nhà tù Sơn La bí mật tổ chức Đại hội, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Bí thư Chi bộ. Đồng chí hăng hái tham gia lãnh đạo anh em đấu tranh giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời “biến nhà tù thành trường học” đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng sau này.
Tiêu biểu là các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Hoàng Tùng, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Phạm Ngọc Mậu, Lê Hiến Mai, Mai Chí Thọ, Nguyễn Lam, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thanh Bình… Do sức khỏe yếu, đồng chí Tô Hiệu chỉ là Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La cho đến tháng 10/1941, song đồng chí vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của chi bộ nhà tù. Cùng với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy,... đồng chí Tô Hiệu là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của chi bộ nhà tù. Từ năm 1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La được Trung ương Đảng công nhận là chi bộ đặc biệt.
Cơ thể đã mang sẵn mầm bệnh lao từ khi bị giam ở Côn Đảo, lại phải chịu nhiều sự đày đọa khắc nghiệt vì giám ngục coi Tô Hiệu là “phần tử nguy hiểm” cần giám sát chặt chẽ, bệnh lao của đồng chí ngày càng nặng thêm do sức khỏe bị suy kiệt. Ở ngục Sơn La có một phòng nhỏ hình tam giác diện tích chỉ vài mét vuông là nơi giám ngục “dành riêng” để giam đồng chí Tô Hiệu trong hơn hai năm vì lấy cớ anh mắc bệnh lao có thể truyền nhiễm, phải cách ly. Khi đồng chí
Tô Hiệu đã rất yếu, anh em đấu tranh đòi đưa đồng chí ra nằm ở một gian xép cạnh nhà kho để tiện chăm sóc. Tại căn phòng này, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng ngày 7/3/1944, khi mới 32 tuổi.
Mãi mãi “tinh thần Tô Hiệu”
Tô Hiệu là người luôn hăng hái hoạt động. Ở Côn Đảo, anh học tập lý luận và kinh nghiệm cách mạng của những đồng chí lớn tuổi như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tống Văn Trân... Cùng các đồng chí khác trong chi bộ nhà tù, đồng chí Tô Hiệu luôn tìm cách cải thiện sinh hoạt cho anh em và duy trì mạng lưới liên lạc trong tù.
Khi bị quản thúc tại quê nhà, Tô Hiệu vẫn không ngừng hoạt động cách mạng. Anh dạy chữ cho trẻ em, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho thanh thiếu niên trong xóm để qua đó tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cho các em. Sáng sáng, anh cùng thanh niên tập thể thao, cùng đánh cờ... Góc sân trước nhà Tô Hiệu trở thành nơi thu hút thanh niên như một câu lạc bộ nhỏ - là cơ sở để hình thành các “Hội Tương tế”, “Hội Ái hữu” sau này. Tô Hiệu còn vận động nhân dân ủng hộ lập “trường kiêm bị” (hình thức giáo dục tiểu học chỉ ở cấp huyện thời đó) cho làng Xuân Cầu.
Khi bị giam cầm ở Côn Đảo hay ở Sơn La, trước kẻ thù, anh kiên cường bất khuất; với đồng chí, anh thương yêu hết mực. Tô Hiệu luôn tranh thủ từng giờ từng phút để cống hiến cho cách mạng. Vượt qua những cơn ho vật vã, anh biên soạn những bài giảng chính trị trong tù. Trong xà lim cách ly, với căn bệnh hiểm nghèo đang từng ngày ăn mòn dần thể lực nhưng Tô Hiệu không một phút bi quan. Trước khi vĩnh biệt, anh còn yêu cầu chi bộ đừng tiêm thuốc điều trị, bồi dưỡng cho mình nữa mà để dành cứu các đồng chí còn nhiều cơ hội sống hơn. Khi các đồng chí Trần Khắc Thọ (Hoàng Tùng), Hoàng Công Khanh, Sang Siu Pô (người Hoa) và Nguyễn Ngọc Đĩnh… khiêng quan tài đồng chí Tô Hiệu ra nghĩa trang Gốc ổi, anh em tù trang nghiêm đứng xếp hàng trong sân chào người cộng sản kiên cường(1).
Ngày 28/1/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh, với bút danh Quyết Chiến đã viết về “Gương hy sinh Tinh thần Tô Hiệu” trên báo Cờ giải phóng, số 10: “… Nếu ai gặp tình cảnh ấy thì không khỏi bi quan chán nản. Nhưng anh là một người giàu nghị lực, chẳng lúc nào buồn. Trên làn môi khô héo đã cạn dần sinh lực của anh vẫn luôn nở một nụ cười tin tưởng. Nên dù ở trong nhà ngục anh vẫn không hề sao nhãng công tác cách mạng. Anh đã đào tạo cho phong trào biết bao cán bộ có năng lực.
… Mỗi lúc tình thế hết sức nghiêm trọng, cuộc khởi nghĩa của dân tộc đã tiến sát sau lưng, và đang đòi hỏi ở chúng ta tinh thần hy sinh quả cảm, chúng ta phải hăng hái tiến bước và khắc sâu vào trái tim của chúng ta lời căn dặn cuối cùng của anh Tô Hiệu: “Các đồng chí hãy cố gắng hơn lên đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”(2).
Tấm gương và “tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Giữa ngục tù Sơn La hà khắc, ghê rợn, tinh thần lạc quan của Tô Hiệu vẫn tươi rói và tỏa sáng như những cánh hoa đào mang mùa xuân đến. Hôm nay đến thăm di tích cách mạng Nhà tù Sơn La, khách tham quan có thể nhìn thấy cây đào mang tên Tô Hiệu giữa khuôn viên nhà tù vẫn trổ những mầm xanh và đứng đó như một tượng đài xanh, biểu tượng của tâm hồn và ý chí người cộng sản.
Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc. Ba mươi hai tuổi đời, mười tám năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, cho đến hơi thở cuối cùng, ở đồng chí Tô Hiệu vẫn cháy sáng ý chí chiến đấu và tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Nguồn: https://nhandan.vn
(1) Hoàng Công Khanh (cựu tù nhân Sơn La) - Hoa nhạn lai hồng (Ký sự) - Nxb Văn Học, Hà Nội, 1992, tr.155.
(2) Tinh thần Tô Hiệu (Nhiều tác giả, tái bản lần thứ tư) - Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh. 2018, tr.32 ; 33.
 
Tin liên quan