Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 22/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 179.495.296 ca, trong đó 3.886.965 ca tử vong và 164.124.571 ca đã được chữa khỏi.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới là 7.203 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.417.098 ca, trong đó 617.362 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm mạnh, với 39.096 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 29.973.457 ca, trong đó 389.268 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 846 ca tử vong vì dịch COVID-19. Ngày 21/6, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 17.966.831 ca và số ca tử vong là 502.586. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 38.903 ca nhiễm mới, 668 ca tử vong. Brazil hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 11% dân số trong tổng số 211 triệu dân, con số này là khoảng 45% ở Mỹ và 30% ở Đức. Các chuyên gia ước tính, vaccine cần tiêm cho khoảng 80% dân số mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Cho đến lúc đó, các quốc gia sẽ vẫn phải áp dụng các biện pháp như kiểm tra liên tục, đeo khẩu trang và thực thi các hạn chế đối với đám đông.
Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (54.595.470 ca). Với 47.502.580 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.357.099 ca và Nam Mỹ với 31.698.896 ca. Châu Phi (5.268.786 ca) và châu Đại Dương (71.744 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Á, Nepal ghi nhận tổng số 622.640 ca mắc COVID-19. Trước tình hình lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Nepal đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa 1 tuần đến ngày 28/6 tới mặc dù có nới lỏng đáng kể một số quy định. Theo quy định mới, phương tiện cá nhân sẽ được được phép lưu hành theo quy định số chẵn-số lẻ và hầu hết các cửa hàng được mở cửa vào các ngày khác nhau trong tuần, trong đó các cửa hàng bách hóa lớn, trung tâm thương mại, cửa hàng bán đồ thể thao, may mặc, giầy dép, mỹ phẩm, quà tặng, sẽ được hoạt động trở lại vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.
Trong khi đó, Indonesia cũng thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại ở một số khu vực trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 22/6 sau khi xuất hiện tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết việc thắt chặt các biện pháp trên bao gồm hạn chế số lượng nhân viên làm việc tại các văn phòng và cấm các hoạt động tôn giáo tại các nơi thờ tự. Các biện pháp này sẽ áp dụng tại "các vùng đỏ" nơi số ca mắc đang gia tăng nhanh chóng. Ngày 21/6, Indonesia ghi nhận thêm 14.536 ca mắc COVID-19, một con số cao kỷ lục, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.004.445 ca, trong đó 54.956 ca đã tử vong.
Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 735 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay lên 43.446 ca. Giới chức nước này cho biết dịch COVID-19 lây lan nhanh có thể liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ một số nước khác đang khiến Campuchia lo ngại khó kiểm soát được dịch bệnh trong nước./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/