KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/06/2021 - Lượt xem: 64
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt mốc 180 triệu

Tính đến sáng 24/6, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 180.344.902 trường hợp, với 3.906.780 ca tử vong. Trong khi đó, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại nhiều khu vực đang đặt ra những thách thức mới cho cuộc chiến chống đại dịch.

Còn về diễn biến theo từng khu vực, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 24/6 cho thấy, hiện toàn thế giới có 165.071.206 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 11.366.916 ca bệnh đang điều trị thì có 11.285.394 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 81.522 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 47.596.824 trường hợp, trong đó có 1.095.398 ca tử vong và 45.109.912 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa có thêm 49.366 ca nhiễm mới.
Hiện sự lây lan của biến thể Delta đang gây lo ngại tại nhiều nước châu Âu. Ngày 23/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết biến thể Delta hiện đang chiếm đến 9-10% số các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này, tăng mạnh từ mức 2-4% của tuần trước. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến thể Delta đang gia tăng. Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu ÂU (ECDC), ngày 23/6 cũng đã cảnh báo biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8/2021. Để khống chế dịch bệnh lây lan, ECDC khuyến cáo cần đạt được tiến bộ trong chương trình tiêm chủng với tốc độ rất nhanh. Ngoài ra, các nước cẩn trọng khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch để hạn chế dịch bệnh tái bùng phát và lây lan. 
Hiện Bắc Mỹ có 40.416.045 ca nhiễm bệnh, trong đó có 913.782 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.449.004 ca nhiễm và 618.293 ca tử vong vì COVID-19.
Trong bối cảnh trên, các chuyên gia y tế tiếp tục lo ngại sự lây lan của biến thể Delta sẽ xô đổ những thành tựu dập dịch của Mỹ. Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tiến sỹ Anthony Fauci- chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ đã gọi biến chủng Delta là “mối đe dọa lớn nhất” trong cuộc chiến của Mỹ chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây là mối đe dọa có thể dự đoán được và hoàn toàn có thể tránh được bằng việc tiêm vaccine.
Tính đến sáng 24/6, Nam Mỹ có 32.061.374 ca nhiễm COVID-19, với 981.847 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 18.170.778; 4.326.101; 4.027.016; 2.033.606… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 54.867.562 trường hợp, với 774.962 ca tử vong và 52.262.780 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.829.820 ca bệnh đang điều trị thì có 26.620 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 30.082.169 ca, trong đó có 392.014 ca tử vong.
Trong những ngày qua, biến thể Delta đã lây lan nhanh chóng ở Israel, nhất là ở các thành phố như Modi'in và Binyamina. Tuy Chính phủ Israel chưa coi đây là làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4, nhưng để đối phó kịp thời với đợt bùng phát này, chính quyền đã thành lập Ban chuyên trách chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Naftali Bennett đứng đầu. Trước đó, vào chiều 23/6, Chính phủ Israel cũng đã quyết định lùi kế hoạch mở các cửa khẩu biên giới đón khách du lịch đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến ngày 1/8, thay vì 1/7 như kế hoạch trước đó.
Tính đến sáng 24/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.330.048 trường hợp, trong đó có 139.506 ca tử vong và 4.697.800 ca bình phục. Trong tổng số 492.742 ca đang điều trị thì có 4.478 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.861.065 ca nhiễm COVID-19 và 59.258 ca tử vong vì dịch bệnh.
Hiện châu Đại Dương có 72.328 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.270 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.380 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.991 ca./.
Nguồn: dangcongsan.vn
Tin liên quan