Tính đến sáng 12/7, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 187.632.756 trường hợp, với 4.049.071 ca tử vong. Những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của con người đang vấp phải trở lực khi giới khoa học bắt đầu cảnh báo về mức độ nguy hiểm của Kappa - một biến thể kép của SARS-CoV-2, trong khi sự lan rộng của biến thể Delta chưa được đẩy lùi.
Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ", khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.
Phát biểu trước báo giới sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Venice (Italy), ngày 11/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về nguy cơ mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với tiến trình hồi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Theo quan điểm của bà Yellen thì cdhúng ta là một nền kinh tế toàn cầu liên kết chặt chẽ, bất kỳ điều gì xảy ra ở một khu vực nào đó trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia khác. Qua đó, bà Yellen nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới.
Còn về diễn biến theo từng khu vực, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 12/7 cho thấy, hiện toàn thế giới có 171.584.218 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 11.999.467 ca bệnh đang điều trị thì có 11.921.175 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 78.292 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 48.902.090 trường hợp, trong đó có 1.113.093 ca tử vong và 45.866.555 ca được điều trị khỏi.
Hiện Bắc Mỹ có 41.007.690 ca nhiễm bệnh, trong đó có 924.716 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.732.753 ca nhiễm và 622.845 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 12/7, Nam Mỹ có 34.008.802 ca nhiễm COVID-19, với 1.036.551 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 19.089.940 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 57.630.963 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại, trong số đó, có 821.179 ca tử vong và 54.700.037 ca điều trị khỏi.
Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 30.973.907 ca, trong đó có 408.792 ca tử vong. Bang Uttar Pradesh đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong. Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus.
Tính đến sáng 24/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 6.001.022 trường hợp, trong đó có 152.194 ca tử vong và 5.215.847 ca bình phục. Trong tổng số 632.981 ca đang điều trị thì có 4.437 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.195.599 ca nhiễm COVID-19 và 64.289 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong bài phát biểu tối 11/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn manh, trong 2 tuần thực hiện phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 vừa qua, Nam Phi vẫn liên tục ghi nhận trung bình hơn 20.000 ca mắc mới mỗi ngày và cũng trong thời gian này, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.2000 người. Do đó, một số biện pháp quy định giãn cách sẽ tiếp tục được duy trì, gồm mọi cuộc tụ họp xã hội, chính trị, tôn giáo và các cuộc tụ họp khác vẫn bị cấm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 - dưới cấp độ cao nhất 1 bậc, thêm 2 tuần nữa trong bối cảnh quốc gia miền Nam châu Phi đang gồng mình chống chọi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 với số ca mắc mới hàng ngày ở mức rất cao.
Hiện châu Đại Dương có 81.468 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.323 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 31.216 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 19.026 ca./.
Nguồn: dangcongsan.vn