Đó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện được nêu trong chuyên đề “Thực trạng lễ hội của nước ta hiện nay; nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc tổ chức, quản lý nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội trong tình hình mới” do tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch giới thiệu tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2017.
Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch giới thiệu nội dung chuyên đề tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2017
Là một hiện tượng văn hóa được hình thành và phát triển trong những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế nhất định, gắn với những đặc điểm văn hóa cộng đồng, lễ hội không chỉ góp phần bảo lưu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo nên những thói quen mới, lối sống mới, cách hành xử mới trước các sự kiện, dấu ấn lịch sử đương đại. Trong những năm gần đây, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống và do nhu cầu của xã hội, các lễ hội truyền thống được phục hồi. Nhiều lễ hội đã được xã hội hóa rộng rãi, huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, tạo được dấu ấn lớn, nét đặc sắc của từng vùng miền, bảo tồn các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tạo ra sự đột phá tuyên truyền quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân…
Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức các lễ hội vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trước hết là công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị, ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác lễ hội còn hạn chế, do đó, không ít lễ hội nặng về hình thức, quy mô nhưng lại đơn điệu về nội dung, chưa đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng. Mật độ tổ chức lễ hội quá dày đặc, nhiều lễ hội có biểu hiện thương mại hóa trong các hoạt động dịch vụ. Vẫn còn hiện tượng bói toán, lên đồng, cờ bạc, bán hàng rong, lôi kéo khách, tệ ăn xin… làm giảm tính tôn nghiêm và nét đẹp của lễ hội. Nguyên nhân chính của sự hạn chế này là do nhận thức của các cấp ủy, lãnh đạo, các cơ quan quản lý văn hóa và của xã hội chưa toàn diện, chưa đầy đủ để có quan điểm và thái độ ứng xử đúng đắn với lễ hội; công tác quản lý chưa theo kịp tình hình thực tiễn; việc thực thi các văn bản chưa nghiêm túc.
Cùng với việc cung cấp hệ thống văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội, đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cũng đã nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như chính quyền các địa phương như: thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lễ hội, nhất là Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 và Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Rà soát, chủ động đề xuất ban hành văn bản mới để đáp ứng công tác quản lý trong tình hình mới.Tích cực phối hợp, định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; quy hoạch bố trí các khu vực dịch vụ để giảm ùn tắc giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội…
TM