KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/08/2020 - Lượt xem: 115
Tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG) là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; nhân dân là chủ thể; bộ đội biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững BGQG. 

Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 dọc biên giới Việt - Lào (Ảnh: Hương Giang).
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy T.Ư Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác với những nỗ lực, cố gắng cao nhất quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, phối hợp với các lực lượng kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy T.Ư Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp về nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP; xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển, đảo. Chủ động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG như: Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Kết luận số 68-KL/TW của Ban Bí thư về tăng thêm cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã trên địa bàn biên giới, biển, đảo; Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; các đề án, văn bản quy phạm pháp luật về công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo trong tình hình mới.
Tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng. Quản lý, bảo vệ vững chắc các dấu hiệu, đường biên, mốc quốc giới; tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xử lý hiệu quả các hoạt động vi phạm hiệp định về quy chế biên giới, vùng biển; phối hợp quản lý, huy động nhân lực, tàu thuyền ngư dân sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước láng giềng kịp thời giải quyết các vụ việc trên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến ở từng cấp và tổ chức luyện tập phương án xử lý các tình huống sát thực tế. Phối hợp với các quân khu chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ thành viên khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới; tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19; các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống hiệu quả các hoạt động xâm phạm an ninh biên giới. Tham mưu, phối hợp với các lực lượng xử lý, giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các đường dây tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tội phạm về ma túy, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn khu vực biên giới. 
Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Chủ động tham mưu, đề xuầt quy hoạch tổ chức quản lý, nâng cấp hệ thống cửa khẩu; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh. Triển khai thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, cửa khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia. Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp với ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tham mưu, xây dựng, ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác biên phòng với các nước láng giềng; phối hợp thực thi hợp tác biên phòng hai bên biên giới. Tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, các hoạt động đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng niềm tin, quan hệ đoàn kết hữu nghị, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề xảy ra trên biên giới.
Tích cực tham mưu xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị, tinh thần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận biên phòng, nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; phát huy tốt vai trò cán bộ BĐBP tăng cường xã, đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới. Tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, phong trào, mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.    
Để đạt được những kết quả nổi bật đó có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do Đảng, Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và các đơn vị toàn quân; sự tin tưởng, giúp đỡ của nhân dân ở khu vực biên giới; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chỉ huy các cấp; sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG.
Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; các quốc gia chuyển từ biên giới ngăn cách sang biên giới hợp tác; giải quyết bất đồng mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, khu vực Đông - Nam Á tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là chủ quyền biển, đảo sẽ diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; Biển Đông, tuyến biên giới, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá ngày càng quyết liệt, công khai, trực tiếp, trực diện hơn. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới, vùng biển tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới ngày càng toàn diện, nặng nề, đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP.
Trong bối cảnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng trong tình hình mới; nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 11. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm bắt, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ biên phòng và xây dựng BĐBP; chủ trương, đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; vô hiệu hóa âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước ta, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị để phát triển đất nước. Tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Triển khai thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG phù hợp với thực tiễn.
Hai là, lãnh đạo tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, hệ thống dấu hiệu, mốc quốc giới; phối hợp triển khai thực hiện hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, tiếp tục tham gia đàm phán giải quyết 16% còn lại; kiểm tra, khảo sát đơn phương, song phương theo kế hoạch của Ủy ban liên hợp, tham gia bổ sung, điều chỉnh ba văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển; nắm vững và vận dụng linh hoạt các chủ trương, đối sách, giải quyết tốt các tình huống, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tạo thành những vấn đề phức tạp trên biên giới, vùng biển, nhất là tuyến biên giới Tây Nam, Biển Đông và các địa bàn trọng điểm; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, môi trường, lợi ích quốc gia trong mọi tình huống.
Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện và tổ chức luyện tập, diễn tập phương án tác chiến. Phối hợp với các quân khu chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới; phối hợp quản lý, huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; tăng cường hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên khu vực biên giới với các nước láng giềng.
Ba là, lãnh đạo đổi mới phương thức hoạt động của các lực lượng, các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chủ động nắm tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại đối tượng; tham mưu đề xuất, chủ trương, đối sách, xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hiệu quả với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động xâm nhập, móc nối, tập hợp lực lượng, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, các vụ việc liên quan đến an ninh nông thôn đúng chủ trương, đối sách, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới. Thực hiện nghiêm Nghị định số 03-2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, phát huy sức mạnh của toàn dân và các lực lượng chức năng, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tội phạm ma túy trên khu vực biên giới, biển, đảo. Tập trung triệt xóa các đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây, tụ điểm tội phạm quy mô lớn, xuyên quốc gia; ngăn chặn triệt để vận chuyển ma túy qua biên giới, không để hình thành điểm nóng, phức tạp, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị.
Bốn là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, quy chế, thỏa thuận về cửa khẩu. Phối hợp tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh theo hướng hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Lãnh đạo công tác đối ngoại biên phòng đúng đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng theo nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức hợp tác, các hoạt động giao lưu; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa lực lượng bảo vệ biên giới, các địa phương và nhân dân hai bên biên giới; góp phần xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trên biên giới, cửa khẩu. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước nghiên cứu, phát hiện và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới; hợp tác quốc tế trong đào tạo, bảo đảm trang bị, phương tiện kỹ thuật công tác biên phòng.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan đến BGQG; nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc ở khu vực biên giới. Tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ở khu vực biên giới. Phát huy vai trò của cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới; cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp; các hoạt động tuyên truyền về ngày biên phòng toàn dân; các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới.
 
Tin liên quan