Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 03/8/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 199.493.263 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.247.051 ca tử vong và 179.996.170 ca bình phục.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 436.367 ca mắc và 6.996 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 35.849.098 ca nhiễm COVID-19, trong đó 629.664 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là: Iran (37.189 ca); Mỹ (36.727 ca); Ấn Độ (30.031 ca); Nga (23.508 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (22.898 ca); Indonesia (22.404 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Indonesia (1.568 ca); Nga (785 ca); Ấn Độ (420 ca); Iran (411 ca); Brazil (337 ca); …
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 51.709.608 ca mắc COVID-19, trong đó 1.135.294 ca tử vong. Hết ngày 02/8, châu lục này ghi nhận đã có thêm 87.797 ca nhiễm mới và 1.002 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất COVID-19, với 23.508 ca, trong đó 785 ca tử vong. Anh ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ 2 trong khu vực, với 21.952 ca và 24 ca tử vong vì COVID-19. Các quốc gia đứng đầu châu lục về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Nga, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức…
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 62.516.237 ca nhiễm và 904.603 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 235.407 ca mắc và 3.917 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á có 58.418.098 ca được điều trị khỏi; 3.193.536 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 34.655 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 02/8, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 30.031 ca mắc mới và 420 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 31.725.399 ca và 425.228 ca.
Cùng ngày, Iran thông báo lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua đã vượt ngưỡng 37.000 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Iran có thêm 37.189 ca mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 3.940.708 ca. Trong 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận thêm 411 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất trong 3 tháng qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 91.407 ca.
Nhật Bản đã bổ sung 4 tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngoài khu vực thủ đô Tokyo và Okinawa, nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Theo quyết định của Chính phủ Nhât Bản, Osaka và 3 tỉnh giáp với thủ đô Tokyo gồm Chiba, Kanagawa, Saitama đã được bổ sung vào danh sách các địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 31/8. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại thủ đô Tokyo và Okinawa đã được gia hạn đến cuối tháng 8, thay vì kết thúc vào ngày 22/8 như kế hoạch ban đầu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại hệ thống y tế của Nhât Bản có thể sụp đổ trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020.
Tại ASEAN, tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 7.474.230 người mắc COVID-19, trong đó 152.507 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 72.600 ca mắc COVID-19 và 2.064 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong ngày 02/8, khu vực ASEAN tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Indonesia hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 của khu vực. Nước này tính đến nay ghi nhận có tổng cộng 3.462.800 ca mắc, trong đó 97.291 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người tử vong của châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới. Ngày 2/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Malaysia hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người tử vong vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Ngày 2/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 3 khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 219 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế Thái Lan cho biết số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan trong 24 giờ qua lại tăng mạnh. Cụ thể, nước này có thêm 17.970 ca mắc mới và 178 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Thái Lan đã có 633.284 ca nhiễm, trong đó 5.168 người không qua khỏi. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 42.725.834 ca nhiễm COVID-19, trong đó 941.598 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Panama, Costa Rica…
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 35.613.223 ca, trong đó 1.092.005 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19.
Tại châu Đại dương, các quốc gia thuộc khu vực này hiện ghi nhận 107.433 ca nhiễm và 1.554 ca tử vong vì đại dịch COVID-19. Australia, Fiji, French Polynesia, Papua New Guinea… là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 6.820.207 ca nhiễm, trong đó 171.982 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 2.461.758 ca nhiễm COVID-19, trong đó 72.437 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia…/.
Nguồn: nhandan.com.vn