Thứ tư, ngày 27-5-2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ bảy theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu được phân công điều hành nội dung phiên họp. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và xem video clip minh họa về nội dung báo cáo. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại phiên thảo luận đã có 47 đại biểu phát biểu, hai đại biểu tranh luận và sáu đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu vì không đủ thời gian. Phần lớn ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và cho rằng, báo cáo được xây dựng công phu, nghiêm túc, khoa học, phản ánh khá đầy đủ, khách quan, đúng thực trạng tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Ngoài ra, để góp phần hoàn thiện nội dung Báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: Về việc ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật về trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; về công tác xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh từ gia đình, nhà trường, xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em; tác động, ảnh hưởng, nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng; về công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em bị xâm hại; về việc giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; về công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại; về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; về công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp, công tác xét xử các vụ xâm hại trẻ em; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; về đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; về kinh phí bảo đảm cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…
Sau phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, nhìn chung, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát rất có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; đồng thời, hoan nghênh Đoàn giám sát trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian tiến hành hoạt động giám sát ngắn, nhưng với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giám sát đề ra. Qua giám sát, các đại biểu cũng đã phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc về sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng cho nên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; về đối tượng xâm hại trẻ em cũng rất đa dạng, gồm cả người lạ, người thân thích, ruột thịt, người có bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em như cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ của cơ sở bảo trợ xã hội; về phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp, như xâm hại tình dục, sử dụng bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt, bỏ rơi, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em vào một số hoạt động kiếm tiền trái pháp luật đã để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần của trẻ em cũng như ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội. Có ý kiến đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.
Tán thành với nhận định của Đoàn giám sát về công tác ban hành chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu cho rằng công tác này được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ; chế tài, xử lý vi phạm trong một số trường hợp chưa đủ sức răn đe; các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp; tại nhiều địa phương, công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong Báo cáo giám sát, trong đó cần phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại; đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em; đồng thời cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã; kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em và cơ bản đồng ý với các nguyên nhân của những kết quả, hạn chế được nêu trong Báo cáo; đồng thời, yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và tán thành với sáu bài học kinh nghiệm được rút ra. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời đề xuất thêm nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thiện Nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Thứ năm, ngày 28-5-2020, Quốc hội họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội. Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sau đó tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật này. Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; nghe Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; sau đó Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Nguồn: nhandan.com.vn