Bộ đã ban hành Đề án Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).
Đề án nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Đồng bào Lô Lô (Mèo Vạc, Hà Giang) tham gia lễ hội xuân tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển" dự kiến diễn ra sáng 27/2.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu tham dự trực tiếp gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ… Bên cạnh đó, hội thảo có sự tham gia của các đại biểu tại 63 điểm cầu trên 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hội thảo được chia thành 2 phiên với các nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ngoài ra là phiên thảo luận bàn tròn.
Trưng bày sách đoạt giải Sách Quốc gia năm 2022.
Với 60 tham luận, hội thảo đề cập đến hai nội dung gồm: Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, (trong đó nhận diện và làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, phân tích quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử) và Dân tộc, đại chúng, khoa học - động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững (Phân tích và làm rõ các yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay; Phân tích và đánh giá khả năng vận dụng các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của Đề cương vào thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững; Đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằm tạo động lực, phát huy giá trị của Đề cương vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững).
Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp-Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943.
Ngoài ra, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng sản xuất và giới thiệu bộ phim tài liệu đặc biệt nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Phim gồm khối lượng hình ảnh, tư liệu đồ sộ, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phim gồm 4 phần: Phần 1 khẳng định những giá trị của bản Đề cương trong thời gian 80 năm qua, khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc của Đảng, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng.
Phần 2 đề cập nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng 80 năm qua về phát triển văn hóa; nêu cao truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; khẳng định sự kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các bậc tiền nhân, danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Phần 3 là nội dung Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm giá trị. Việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đạt được dưới ánh sáng của Đảng.
Phần 4 là quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6. 2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.
Bên cạnh đó, là chương trình nghệ thuật đặc biệt Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và chương trình nghệ thuật diễn ra tối 28/2. Chương trình có chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử", do Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo thực hiện.
Dự kiến, chương trình nghệ thuật đặc biệt dài hơn 70 phút, gồm 3 chương. Chương I mang tên "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" với các tác phẩm: Liên khúc "Ngọn đuốc soi đường"; "Lá cờ Đảng" và "Đoàn lữ nhạc".
Chương II có tựa đề "Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa" với một số ca khúc đã đi cùng nhiều thế hệ người Việt Nam như "Biết ơn cụ Hồ Chí Minh", "Người Hà Nội", "Trường ca sông Lô", liên khúc "Hò kéo pháo", "Giải phóng Điện Biên"...
Chương III là "Văn hóa còn thì dân tộc còn", với phần trình diễn các tiết mục như liên khúc "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam", "Bay qua biển Đông", liên khúc "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Việt Nam ơi, ta bước tiếp"...
Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia như: NSND Quốc Hưng; các ca sĩ Trọng Tấn, Tùng Dương, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An (Giải Nhất dòng dân gian cuộc thi Sao Mai), Thanh Thanh (Giải Nhì dòng dân gian cuộc thi Sao Mai), Võ Hạ Trâm, Thu Hằng, Huệ Thương, Phương Mai, Trung Sỹ, Phúc Đại, Lan Thu, nhóm Phương Nam, nhóm Thời Gian và vũ đoàn Mây...
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nơi diễn ra Tuần phim tại Hà Nội.
Đồng thời, Tuần phim chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng sẽ diễn ra từ ngày 25/2 đến 3/3 trên quy mô toàn quốc, giới thiệu những bộ phim có đề tài về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam, phát hành và phổ biến những bộ phim đặt hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Các phim trình chiếu trong Tuần phim gồm 4 phim truyện (“Bình minh đỏ”, “Cơn giông”, “Phượng cháy”, “Nhà tiên tri”), 4 phim tài liệu (“Hồ Chí Minh năm 1946”, “Những bước đi ngoại giao và cuộc chiến không mong muốn” – phim (“Hồ Chí Minh năm 1946” phần 2, “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, “Chầu văn – Âm hưởng linh thiêng”) và 2 phim hoạt hình (“Kỳ tích đầm Dạ Trạch”, “Đôi cánh kim cương”).
Tại Hà Nội, Tuần phim khai mạc vào 19 giờ 30 tối 25/2, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ.
Trước đó, ngày 7/2, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký công văn số 281/BVHTTDL-VHCS gửi các tỉnh đề nghị phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Trong đó, công văn nêu rõ: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực các Tỉnh/Thành ủy; sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thành công, hiệu quả các nội dung của Đề án”.
Bộ cũng gửi công văn số 280/BVHTTDL-VHCS về việc phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam tới Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam với những nội dung như trên.