Có thể khẳng định qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật.
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 23 - NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết đến các đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; đồng thời giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền trên Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; chỉ đạo ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để nhận thức sâu sắc 3 mục tiêu, 3 quan điểm, 9 chủ trương, giải pháp, 4 nhóm công việc chính của Nghị quyết 23 - NQ/TW.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 23 - NQ/TW cho hơn 100 cán bộ, hội viên, cộng tác viên. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 23 - NQ/TW đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh thông qua việc tổ chức các hội nghị như: Hội nghị báo cáo viên hằng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội nghị tập huấn chuyên đề của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như chuyền đề về “Xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”,... nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân dân trong tỉnh nâng cao trình độ, rèn luyện khả năng sáng tác, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh. Theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tích cực xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết số 23 - NQ/TW và văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, 10 năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hoá vào nghị quyết, chương trình, đề án trong nhiệm kỳ và kế hoạch hằng năm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 - NQ/TW. UBND tỉnh đã ban hành 71 kế hoạch, 150 văn bản hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền; hướng dẫn các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động, biểu diễn nghệ thuật thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Hội VHNT tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định xét tặng giải thưởng VHNT Phố Hiến (năm 2011) và Quy định sửa đổi, bổ sung Quy định xét tặng giải thưởng Phố Hiến (năm 2016). Tham mưu tổ chức thành công việc tổ chức xét, tặng Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ III (2006-2010) với 45 giải chính thức, 4 giải Tặng thưởng; Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ IV (2011-2015) với 57 giải chính thức, 1 giải Tặng thưởng đặc biệt, 2 giải Tặng thưởng. Giải thưởng VHNT Phố Hiến đã góp phần tôn vinh và biểu dương tài năng, cống hiến của văn nghệ sỹ trong lao động sáng tạo; động viên, khích lệ các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên triển khai và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đảm bảo chất lượng và nội dung đạt hiệu quả tuyên truyền cao. Đã tham mưu UBND tỉnh chủ trì tổ chức biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm nghệ thuật quan trọng, tạo dấu ấn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tiêu biểu: đĩa nhạc “Ca khúc Hưng Yên”; sách màu “Sắc phong Hưng Yên”; “Văn bia thành phố Hưng Yên”, “Thần tích tỉnh Hưng Yên”, “Di tích nho học trên đất Hưng Yên”, “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí”, “Tuyển tập địa chí Hưng Yên”... Đã cấp phép cho 21 vở diễn, 17 trích đoạn, tiểu phẩm chèo chuyên nghiệp và khoảng trên 50 trích đoạn, tiểu phẩm chèo không chuyên, 04 chương trình tạp kỹ. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trung bình 04 cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ảnh…
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm xây dựng, nâng cấp và duy trì có hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh, đảm bảo là điểm hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ sở thích của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí và bố trí quỹ đất xây dựng, hoàn thành công trình trụ sở hợp khối Hội VHNT tỉnh với Hội Nhà báo tỉnh. Công trình Nhà triển lãm tỉnh và Bảo tàng tỉnh đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh được quan tâm hơn. Ngoài việc tạo điều kiện xây dựng các thiết chế văn hóa, tỉnh thường xuyên tạo các điều kiện, cơ chế khác như quỹ đất, nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động để các đơn vị nòng cốt như Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch Hưng Yên, Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên, Tạp chí Phố Hiến, Trung tâm văn hóa tỉnh,... hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh. Từ môi trường này, nhiều thế hệ học sinh tài năng về văn hóa nghệ thuật đã được phát hiện, vinh danh như em Chu Thị Hay - Huy chương vàng “Hội thi tài năng trẻ HSSV các trường VNHT” được tổ chức tại Đà nẵng năm 2012; em Trần Văn Huyên, em Trịnh Văn Giỏi - Huy chương bạc Liên hoan văn nghệ thuật toàn quốc các trường VHNT năm 2013, em Nguyễn Thị Phương Anh - Huy chương vàng, em Hoàng Thị Hương Ly - Huy chương đồng “Hội thi tài năng trẻ HSSV các trường VNHT” được tổ chức tại thành phố Huế tháng 6 năm 2015…
Hoạt động công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ đông đảo nhân dân ở các địa phương trong tỉnh được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội VHNT tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam, Hội báo xuân với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như trình diễn thơ, trưng bày thơ, ngâm thơ, hát ca trù, múa lân, trống hội, viết thư pháp... Nhà hát Chèo Hưng Yên biểu diễn chuyên nghiệp 800 buổi; Rạp Phố Hiến tổ chức chiếu phim tại rạp và lưu động 6.000 buổi; Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh tổ chức 100 cuộc triển lãm, trưng bày tranh, ảnh và 50 cuộc lưu động có chủ đề phục vụ các sụ kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; Thư viện tỉnh tổ chức 160 cuộc triển lãm, trung bày sách và tổ chức 10 đợt luân chuyển sách, mỗi đợt 5.000 - 6.000 cuốn các loại; Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch đã tiếp nhận gần 400 đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh về biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh.
Được xác định là một lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong giai đoạn mới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Từ 38 hội viên ban đầu tách ra từ tỉnh Hải Hưng, đến nay Hội VHNT tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với 169 hội viên thuộc 9 ban chuyên ngành. Có 51 hội viên tham gia các chi hội chuyên ngành Trung ương gồm: Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật và Kiến trúc. Thời gian qua, Hội VHNT tỉnh đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi giúp các văn nghệ sĩ phát huy hết tiềm năng sáng tác của bản thân qua một loạt các hoạt động như thực tế sáng tác, hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… Trong 10 năm qua, Hội đã tổ chức được 31 trại sáng tác trong và ngoài tỉnh cho các Ban chuyên môn; 03 Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ; Tổ chức cho hội viên tham gia 26 trại sáng tác do UBTQ LHCHVHNTVN, Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác (Bộ VHTT&DL), Quân khu III tổ chức; hỗ trợ sáng tạo tác phẩm cho 89 tác phẩm văn học, 320 tác phẩm nghệ thuật của hội viên với số tiền hàng trăm triệu đồng... Tạp chí Phố Hiến của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tăng từ 3 tháng/kỳ lên 2 tháng/kỳ, phát hành 500 cuốn/kỳ lên 1.000 cuốn/kỳ; duy trì chuyên mục lý luận phê bình, giới thiệu tác phẩm mới, đến với bài thơ hay nhằm giới thiệu, định hướng thẩm mỹ cho độc giả.
Công tác đoàn kết, phát huy sáng tạo của hội viên cũng như công tác phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có hoài bão, khát vọng và năng lực sáng tác được đẩy mạnh. Đại bộ phận văn nghệ sĩ của tỉnh đều trải qua thử thách, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh Hưng Yên nói riêng và của cả nước nói chung. Tác phẩm sáng tạo của nhiều hội viên đạt giải cao tại các triển lãm, hội diễn khu vực, toàn quốc và Giải thưởng của UBTQ LHCHVHNT Việt Nam, các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, góp phần mang lại vinh dự cho tỉnh nhà và cho Hội VHNT tỉnh. Tiêu biểu như 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng, 6 giải Khuyến khích, 1 giải Nhì cuộc thi ảnh marathon tại Liên hoan Ảnh khu vực Đồng bằng sông Hồng; 37 tác phẩm được treo tại các triển lãm ảnh quốc tế: VN-11, VN-13, VN-15, VN-17; Triển lãm ảnh quốc tế CLB Nhiếp ảnh Gia Định; Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ I tại Bosnia & Herzegovina; Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ II tại Cairo - Ai Cập; Cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 31 tại Malaysia; Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 64 “SIPA 2017” tại Singapore; 1 giải Khuyến khích cuộc thi ảnh báo chí quốc tế “ASEAN một cộng đồng”; 6 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng, 1 giải xuất sắc, 2 Bằng khen, 1 giải Nhì tại Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc, Hội diễn toàn quốc về hình tượng người chiễn sỹ công an nhân dân, Liên hoan ca trù toàn quốc, Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, Hội diễn tài năng trẻ, Hội thi “Hát chèo chuyên nghiệp và chiếu chèo không chuyên nghiệp”; 2 giải Vàng biểu diễn nghệ thuật hát bài chòi, diễn xướng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và hát văn… 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…
Có thể khẳng định qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật. Cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và giới văn nghệ sĩ đã đón nhận Nghị quyết với sự đồng tình cao; phong trào sáng tác văn học, nghệ thuật từng bước phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hơn, có bước phát triển mới, nhiều tác phẩm có giá trị góp phần định hướng tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, nhiều câu lạc bộ về văn học, nghệ thuật ra đời; góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật cổ truyền, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù, trống quân, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở góp phần không nhỏ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chính vì vậy, hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phát huy vị trí, vai trò, tham gia đấu tranh với cái ác, cái xấu, bảo vệ cái đẹp, cái thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, có tác dụng tốt đối với việc hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.
Thanh Mai
Theo tuyengiao.vn