KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 17/09/2022 - Lượt xem: 118
Tìm đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, vụ đông năm 2022 có nhiều thuận lợi do hầu hết các địa phương đã coi vụ đông là vụ sản xuất chính; cơ cấu cây trồng đa dạng cho nên nguồn cung cho thị trường dồi dào; nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông…

Trồng bí vụ đông ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THÀNH CHÂU
Vụ đông năm 2022, các địa phương phía bắc có kế hoạch sản xuất 400.000 ha với sản lượng khoảng 5 triệu tấn; phấn đấu giá trị sản xuất đạt từ 38 đến 40 nghìn tỷ đồng; trung bình giá trị sản xuất đạt từ 95 đến 100 triệu đồng/ha. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra.
Giá trị tăng theo từng năm
Theo Cục Trồng trọt, trong 5 năm gần đây, diện tích sản xuất vụ đông ở các địa phương phía bắc dao động xấp xỉ 380.000 ha, giá trị sản xuất tăng đều qua các năm. Trong đó, năm 2017 diện tích sản xuất 388.000 ha, giá trị hơn 25,8 nghìn tỷ đồng, đến năm 2021, diện tích là 364 nghìn ha, giá trị sản xuất tăng lên hơn 34,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với vụ đông trước 2.216 tỷ đồng.
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây vụ đông năm 2021 cao là do có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: Nhóm hoa cây cảnh, rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao; ngô thực phẩm phục vụ ăn tươi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi... Đồng thời, các địa phương đã chú trọng tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định; trồng rải vụ góp phần tăng giá bán.
Trong đó, nhóm rau các loại duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ góp phần gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh sản xuất tập trung có liên kết sản xuất chuỗi thông qua vai trò của hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ. Như tại tỉnh Hưng Yên với mô hình sản xuất tập trung cây ngô nếp, bí ngô, dưa chuột ở các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ cho thu lãi từ 50 đến 150 triệu đồng/ha; mô hình trồng măng tây, húng dược liệu ở thành phố Hưng Yên, cúc dược liệu ở huyện Văn Lâm, trồng nghệ ở huyện Khoái Châu cho thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa ở các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Văn Lâm, Văn Giang cho thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng/ha.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mô hình ớt xuất khẩu tập trung ở huyện Yên Định với hơn 600 ha thu nhập 450 đến 500 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất hành, tỏi tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa chuột tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc… cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/vụ… Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mô hình sản xuất hành tăm ở các xã Thuần Thiện, Thiên Lộc và Vượng Lộc, huyện Can Lộc doanh thu đạt 240 đến 300 triệu đồng/ha/năm...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: "Nghệ An xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, góp phần quyết định mục tiêu sản xuất nông nghiệp cả năm và đây cũng là vụ giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Trong vụ đông năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nhiều đợt mưa lụt, giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng sản xuất cây vụ đông của tỉnh vẫn vượt kế hoạch. Toàn tỉnh gieo trồng 33.700 ha, giá trị đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 218 tỷ đồng so vụ đông năm 2020".
Xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, sáng tạo
Vụ sản xuất này cũng gặp diễn biến bất thường của thời tiết; giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao; một số địa phương thu hoạch lúa hè thu, mùa muộn ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất; dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng do những biến chủng mới…
Ngay như tỉnh Nghệ An, vụ đông năm 2022 khả năng đối mặt với khó khăn do giá vật tư đầu vào tăng cao; khâu bảo quản, chế biến sản phẩm vụ đông còn thiếu và yếu; các cơ sở sơ chế manh mún, nhỏ lẻ; công nghệ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch chỉ áp dụng trong một số doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng và hiệu quả sản xuất chưa cao; đầu ra cho nông sản nói chung và vụ đông nói riêng thiếu ổn định; lao động sản xuất vụ đông thiếu, trong khi cơ giới hóa khâu làm đất hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ, mở rộng diện tích, cũng như áp dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất...
Vụ đông năm 2022, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích với khoảng 35.430ha cây vụ đông. Để bảo đảm vụ sản xuất này mang lại giá trị cao, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong tìm kiếm, làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị; giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả để duy trì và nhân rộng ra các địa phương...
Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2021 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2022 các tỉnh phía bắc, đại diện các địa phương cho rằng, các bộ, ngành cần thông tin thị trường sớm hơn để chủ động các phương án tiêu thụ phù hợp; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; cần ban hành các chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu.
Mặt khác, các địa phương cần cùng nhau chia sẻ thông tin về cơ cấu cây trồng nhằm tránh sản xuất cùng một loại gây tình trạng dư thừa sản phẩm khi thu hoạch rộ; tăng cường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm cây vụ đông có mặt ở nhiều quốc gia, nhất là thị trường châu Âu. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt và sáng tạo; bảo đảm sản xuất phải gắn với thị trường.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tìm hiểu, tìm kiếm đầu ra, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Năm nay, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán cho nên cần coi đó là một cơ hội trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Do đó, thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống phải phù hợp theo từng vùng, từng khu vực. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi đầu tư liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông năm 2022 đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt cho rằng các địa phương cần căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ hè thu, vụ mùa 2022, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa các nhóm cây trồng, lưu ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ.
Mở rộng diện tích các loại rau, củ, quả có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... Cùng với đó, cần đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa vụ hè thu, mùa sớm và chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ đông ngay sau khi thu hoạch lúa.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan