KỶ NIỆM 107 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7/11/1917 - 7/11/2024) - KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 12/11/2024 - Lượt xem: 12
Tìm giải pháp đẩy mạnh cho vay nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chủ động trong việc ban hành các sản phẩm, chính sách cho vay nội bộ và tìm kiếm khách hàng thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thẩm định và xem xét cho vay. Tuy nhiên trong quá trình này, việc cung ứng tín dụng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ và tìm ra giải pháp.

Quang cảnh hội thảo.

Để giải quyết vấn đề này, sáng 12/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Gần 27 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hội thảo do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn chủ trì với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức chính trị-xã hội; các tổ chức tín dụng; hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, học viện thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh: Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đơn cử như Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo.

Kết quả đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng với hơn 9.600 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng (doanh số năm 2022 khoảng 15 nghìn tỷ đồng, năm 2023 hơn 20 nghìn tỷ đồng). Đáng chú ý, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kiểm soát, nợ quá hạn ở mức thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ).

“Vốn tín dụng là một trong các nguồn lực quan trọng để người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế; góp phần đưa các nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định.

Tìm giải pháp đẩy nhanh tín dụng

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc tiêu biểu như: Các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài; trong khi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai (gần đây nhất, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế).

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang.

Cùng với đó, dù nguồn vốn của ngành ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, song số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định..., nên các ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Minh Tú cũng cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang là một trong những mục tiêu chính sách quan trọng và là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia ở mọi trình độ phát triển trong tiến trình đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh, mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau đối với các khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, như: nông nghiệp bền vững (sustainable agriculture), nông nghiệp thông minh (smart farming), nông nghiệp tuần hoàn (circular agriculture)…

“Tuy nhiên, các khái niệm này đều hội tụ lại ở 3 khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó sự phát triển về kinh tế cần bảo đảm sự hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, khuyến khích việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và áp dụng những nguyên tắc về bảo vệ môi trường vào quá trình sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quá trình chuyển dịch này và cần chủ động nắm bắt để có thể triển khai hiệu quả, bài bản với những chiến lược, định hướng và lộ trình cụ thể”, ông Phạm Minh Tú nêu ý kiến.

Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

Ngoài ra, trên cơ sở chia sẻ của các chuyên gia, trao đổi, thảo luận của các đại biểu, hội thảo đã thống nhất đề xuất các nhóm giải phải để tăng cường khả năng cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Theo đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường; phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP và một số chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản và phát triển bền vững…

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, các đại biểu cũng cho rằng cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính về quy hoạch, đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan