Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều chuyển biến, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Hiện nay, tổng lượng rác thải trên địa bàn tỉnh 786 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác thải phát sinh từ sinh hoạt của người dân 766 tấn/ngày; lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ 20 tấn/ngày. Ngoài ra còn có một lượng khá lớn phụ phẩm nông nghiệp không được tận dụng, chế biến thải ra ngoài môi trường.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình ra các điểm tập kết, bãi rác thải do các hợp tác xã dịch vụ, tổ, đội vệ sinh môi trường đảm nhận. Việc bốc xúc, vận chuyển rác thải do Hạt giao thông Môi trường các huyện, thị xã, thành phố; công ty TNHH URENCO11, HTX dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.
Rác thải sinh hoạt được xử lý tại các khu xử lý là 193 tấn/ngày, cụ thể: tại thành phố Hưng Yên chôn lấp hợp vệ sinh được 90 tấn/ngày; tại URENCO11 là 80 tấn/ngày; tại lò đốt Dị Sử là 23 tấn/ngày bằng phương pháp đốt. Rác thải được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác của thôn, xã là 177 tấn/ngày. Lượng rác thải được xử lý tại 132.000 hộ gia đình khoảng 40 tấn/ngày. Đến thời điểm tháng 05/2021, tổng lượng rác thải sinh hoạt được xử lý là 410 tấn/ngày, đạt khoảng 52,16%.
Hiện nay, công tác tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đang được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh; tuy nhiên, thời gian tới các bãi rác hợp vệ sinh hết thời gian vận hành, hết khả năng chứa rác thải. Tình trạng rác thải không được vận chuyển, xử lý; sẽ bị đổ, đốt tràn lan tại ven đường giao thông, các kênh mương, sông nội đồng, hệ thống Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước mặt (tác động đến nước ngầm), gây ách tắc dòng chảy, làm mất cảnh quan khu dân cư, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân…
Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động, cần phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, nhanh chóng. Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 164 điểm tồn đọng rác thải với khối lượng khoảng 275.529 tấn, trong đó có 17 điểm nóng về ô nhiễm môi trường do tồn đọng lượng lớn rác thải, gần các khu dân cư, nguồn nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với tỉnh năm 2021 đầu tư mở rộng Khu xử lý chất thải Đại Đồng, huyện Văn Lâm lên 200 tấn/ngày; đầu tư mở rộng lò đốt rác thải Dị Sử, thị xã Mỹ Hào lên 100 tấn/ngày. 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tạo mặt bằng sạch để lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng lò đốt chất thải vào các khu xử lý liên huyện tại huyện Phù Cừ, Khoái Châu; xem xét đầu tư vào huyện Tiên Lữ nếu đạt hiệu quả và cự ly theo quy định. Điều chỉnh vị trí Khu xử lý Vũ Xá, huyện Kim Động; Khu xử lý chất thải Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ để xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện (kết hợp sản xuất phân, vật liệu xây dựng), công suất từ 300 tấn rác/ngày đêm trở lên. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục gắn với giao nhiệm vụ để tăng số hộ phân loại, xử lý tại hộ gia đình để giảm rác thải vận chuyển xử lý; nâng cao hiệu quả các bãi rác, điểm tập kết, kết hợp với tìm, lựa chọn các điểm lưu chứa tạm thời, có biện pháp tránh phát tán mùi, nước rác ra ngoài môi trường để tiếp tục xử lý sau khi có lò đốt rác thải; trục vớt rác thải tại các kênh, mương, sông trục trên địa bàn; lựa chọn địa điểm, đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu xử lý rác thải theo quy hoạch, định hướng trong Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh. Đối với các điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải thì dừng đổ, đốt ra ngoài phạm vi bãi rác; tiến hành bao che không để rác phát tán, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để giảm mùi, kết hợp phủ đất và vôi bột; sử dụng bạt, nilon che phủ phía trên hoặc tiến hành phân loại để đem đi xử lý kết hợp xử lý tại chỗ, tiến hành san lấp, tạo mặt bằng cho các hoạt động phát triển khác.
Phạm Minh Hoàng