Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Từ năm 14 tuổi đã tham gia phong trào đòi để tang chí sĩ Phan Châu Trinh (1926), rồi từng bước hoạt động trong các tổ chức cách mạng và bị thực dân Pháp bắt bỏ tù, Tô Hiệu đã nhanh chóng giác ngộ trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong ngục tù đế quốc ở Côn Đảo (1932). Năm 1934, sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng…, đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (1937), sau đó đảm nhiệm chức vụ Bí thư Liên tỉnh ủy B phụ trách phong trào cách mạng ở các tỉnh duyên hải miền Bắc, trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hải Phòng. Cuối năm 1939, đồng chí lại bị địch bắt và đày đi nhà ngục Sơn La - một trong những trung tâm giam giữ khét tiếng ở Bắc Kỳ nhằm đầy ải những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước ở giữa núi rừng Tây Bắc hoang vu. Nhưng chính trong điều kiện thử thách khắc nghiệt này, trong cái tối tăm của ngục tù và sự phi nhân tính của chế độ thực dân tàn bạo, đã sáng ngời tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, hạnh phúc. Trong đó, tiêu biểu là tấm gương liệt sĩ Tô Hiệu.
Lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà tù Sơn La
Tới nhà tù Sơn La, mặc dù sức yếu do bị lao phổi, Tô Hiệu vẫn lập tức tìm hiểu tình hình mọi mặt ở đây, nhất là về tổ chức Đảng. Đồng chí được biết, vào cuối tháng 12 năm 1939, các đảng viên ở nhà tù Sơn La đã bí mật triệu tập một Hội nghị thành lập chi bộ lâm thời với 10 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư lâm thời. Chi bộ lâm thời này đã có những hoạt động tích cực và khá hiệu quả trong tổ chức các hoạt động ở trong tù.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo của Chi bộ lâm thời, đồng chí Tô Hiệu thấy rằng, do số lượng đảng viên ngày càng đông và yêu cầu lãnh đạo ngày càng cao đối với đảng viên trong nhà tù, cần phải xây dựng thành chi bộ chính thức để lãnh đạo cho phù hợp với tình hình mới. Trung tuần tháng 2-1940, sau khi thống nhất với các đảng viên bị giam từ trước và vừa mới lên, đồng chí Tô Hiệu đề nghị tiến hành một hội nghị để thành lập chi bộ chính thức. Theo đề nghị của Tô Hiệu, chi bộ đã nhất trí cử đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Bí thư; Tô Hiệu là chi ủy viên kiêm tổ trưởng tổ đảng gồm đồng chí Ngô Minh Loan, Bùi Đình Đồng.
Sự thành lập chi bộ chính thức là bước tiến lớn của cuộc đấu tranh cách mạng trong nhà tù. Đến tháng 5-1940, Chi ủy chi bộ triệu tập Đại hội chi bộ để thảo luận, xây dựng và quyết định các chủ trương công tác cụ thể đồng thời đã bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Trần Huy Liệu:
Chi bộ lãnh đạo toàn diện hoạt động của nhà tù; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng; Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác -Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù; Xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù; Tìm mọi cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên đối với chi bộ nhà tù .
Sự ra đời của Chi bộ nhà tù Sơn La đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở trong tù có sự lãnh đạo của Đảng và một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng tại Sơn La. Từ đây, Chi bộ nhà tù Sơn La xây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đại hội đại biểu tù nhân thảo luận sôi nổi, thông qua quy chế chung về tổ chức nhà tù, bầu ra các cơ quan tự quản của tù chính trị. Đại hội quyết định thành lập Uỷ ban nhà tù (còn gọi là Uỷ ban Hàng Trại) đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ. Đó là cơ quan cao nhất điều hành hoạt động của tù nhân giữa hai kỳ đại hội, có nhiệm vụ và quyền hạn để tổ chức, thực hiện các nghị quyết của đại hội, chỉ đạo các ban cơ sở, đồng thời làm chức năng đối ngoại. Các ban cơ sở gồm có ban trật tự trong; ban trật tự ngoài; ban kinh tế; ban cứu tế; ban tuyên truyền, ban huấn luyện; phòng y tế; ban khánh tiết; ban văn hoá; ban dân vận; ban binh vận; ban tù vận và tổ hồng thập tự (nằm trong ban cứu tế). Riêng ban binh vận trực thuộc chi uỷ, hoạt động rất bí mật.
Theo sự chỉ đạo của Tô Hiệu, Chi bộ được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và bí mật, nhằm vừa triển khai công tác lãnh đạo vừa bảo toàn lực lượng, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Tuy gặp rất nhiều khó khăn do sự kiểm soát của bọn chúa ngục và dò la của bọn mật vụ, chỉ điểm, song sự liên lạc giữa các đảng viên trong nhà tù vẫn giữ được bí mật. Những nghị quyết của chi bộ và các chủ trương của chi ủy được các đảng viên quán triệt để thực hiện nghiêm túc.
Dưới sự lãnh đạo của Tô Hiệu, chi bộ đã đề ra nhiều hoạt động, hình thức tranh đấu phong phú nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên tù nhân, đảng viên giữ vững tinh thần cách mạng. Một trong những chủ trương quan trọng của chi bộ là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên, quần chúng, làm cho mọi người nhận rõ tình hình mới, nhiệm vụ mới của Đảng trong giai đoạn này là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước. Chi uỷ phân công một số người trong Ban huấn luyện nghiên cứu và cụ thể hoá Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương và Điều lệ Việt Minh để làm tài liệu học tập cho đảng viên và quần chúng trung kiên trong và ngoài nhà tù. Một số anh em có khả năng về tiếng nước ngoài, được chi uỷ giao nhiệm vụ đọc báo hàng ngày, theo dõi và tổng hợp tin tức hàng tuần, kịp thời thông báo cho mọi người nắm được những chuyển biến trên thế giới và trong nước. Trong công tác tuyên truyền, tháng 5/1941 chi bộ đã quyết định ra tờ báo sinh hoạt nội bộ và lấy tên là Suối Reo.
Để đề phòng và dập tắt các cuộc vượt ngục của tù nhân, bên cạnh biện pháp kiểm soát gắt gao, thực dân Pháp treo giải cho người địa phương, ai lấy được đầu một tù nhân cộng sản trốn thoát sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối. Bởi vậy, khi hai tù chính trị là Đàm Văn Sàng và Đàm Văn Lý vượt ngục, thì Đàm Văn Sàng mất tích, còn Đàm Văn Lý bị chúng bắt đem về chặt đầu và để 3 ngày trên một cái hòm hòng làm nhụt chí những tù nhân chính trị. Sau sự kiện này chi bộ nhà tù Sơn La đưa ra chủ trương “Cấm vượt ngục”. Nhận thấy chủ trương “Cấm vượt ngục” mà chi bộ đề ra không hợp lý lại có phần “dính bẫy” thủ đoạn của thực dân nên mặc dù có một số chi ủy viên không tán đồng, nhưng Tô Hiệu kiên quyết xóa bỏ chủ trương này. Đồng chí phân tích: Vượt ngục là điều rất cần, không đưa được ra nhiều thì đưa ra ít, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn là ngồi im, biến nhà tù Sơn La thành trường học, nhưng cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là rất cấp bách.... Từ sự kiên quyết ấy mà Chi bộ nhà tù Sơn La đã chủ động tổ chức vượt ngục ngục thành công, một số đồng chí trở về hoạt động trong phong trào cách mạng, trở thành cán bộ cốt cán của Đảng.
Công tác xây dựng tổ chức quần chúng được Tô Hiệu và các đồng chí trong Chi ủy rất coi trọng. Ngoài những đảng viên chính thức sinh hoạt trong chi bộ, Chi bộ chủ trương phát triển còn có tổ chức quần chúng trung kiên – chỗ dựa tin cậy của chi bộ, đồng thời là đối tượng kết nạp đảng viên mới. Mỗi quần chúng trung kiên đều được chi bộ giao nhiệm vụ cụ thể để thử thách trong quá trình rèn luyện và đấu tranh. Nhờ hoạt động tích cực này, vào đầu năm 1943, chi bộ nhà tù đã bí mật gây dựng được hai cơ sở quần chúng cách mạng đầu tiên trong người Thái ở Sơn La là Tổ Thanh niên Tháí cứu quốc ở Mường La và Tổ Thanh niên Thái cứu quốc ở thị xã Sơn La.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Cousseau viên mật thám lành nghề, được điều động về Sơn La thay thế Saint Poulof. Đến Sơn La, Cousseau đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới chỉ điểm trong hàng ngũ binh lính, công chức để theo dõi, phát hiện và ngăn chặn những hoạt động của tù chính trị; bố trí một hệ thống mật vụ trà trộn trong hàng ngũ những người buôn bán ở phố Chiềng Lề để bí mật theo dõi những hoạt động ở bên ngoài nhà tù. Cousseau ra sức mua chuộc số tù thân Nhật để gây hiềm khích, chia rẽ với tù cộng sản; treo giải thưởng lớn cho ai bắt được tù vượt ngục. Bên cạnh những lời lẽ phỉnh phờ, mị dân, Cousseau còn ra lệnh cho bọn quản, đội phải đốc thúc tù nhân làm việc cật lực và tăng thêm giờ lao động hàng ngày. Trước tình hình đó, đồng chí Tô Hiệu và chi bộ thống nhất chủ trương tiến hành phát động cuộc đấu tranh chống chế độ lao động khổ sai và hành hạ tù nhân đòi bảo đảm những quyền lợi hợp pháp của tù chính trị.
Tháng 6-1940, sau khi thành lập Ban đại diện và chuẩn bị đầy đủ về tinh thần, tổ chức và kế hoạch tiến hành, dưới sự chỉ đạo của Tô Hiệu và Chi ủy, Chi bộ nhà tù Sơn La bắt đầu phát động cuộc đấu tranh tuyệt thực. Thấy không thể lay chuyển được ý chí đấu tranh của tù chính trị, Cousseau buộc đồng ý với yêu sách của những yêu cầu của tù chính trị, không được đánh đập, mạt sát tù nhân. Tuy tạm thời nhượng bộ tù chính trị, nhưng trong thực tế, bọn thống trị ở nhà tù Sơn La đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công quyết liệt hơn để khủng bố tinh thần của tù chính trị. Bên ngoài, chúng dùng những lời lẽ, cử chỉ nhẹ nhàng để che mắt tù nhân, nhưng bên trong ngầm ra lệnh cho bọn thủ hạ thẳng tay đàn áp, khủng bố tù chính trị mạnh hơn nữa. Trước tình hình đó, tối ngày 12-5-1941, sau khi bàn bạc với Chi ủy Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đề nghị triệu tập đại hội toàn bộ nhà tù để tiến hành bàn bạc phương thức đấu tranh và quyết định phát động một cuộc đấu tranh với quy mô lớn và toàn diện để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù. Đại hội đã cử ra một Ủy ban đấu tranh. Thời gian này, Tô Hiệu bị bệnh rất nặng, nhưng cũng tình nguyện tham gia cuộc đấu tranh. Sau khi cân nhắc kĩ, Ủy ban đấu tranh đề nghị đồng chí nên ở ngoài cuộc để làm nhiệm vụ liên lạc và vận động binh lính giúp đỡ tù chính trị tranh đấu.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu và chi bộ Đảng, cuộc đấu tranh của tù chính trị ở nhà tù Sơn La kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1941 vô cùng quyết liệt, gian khổ. Tuy không giành được thắng lợi như mong muốn, nhưng đó là những bài học kinh nghiệm thiết thực cho những cuộc đấu tranh sau này. Một bài học lớn được Tô Hiệu là phải có phương pháp, hình thức, mục tiêu đấu tranh cho phù hợp với những điều kiện cụ thể. Trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo trong nhà tù, vấn đề quan trọng nhất là phải có sự chỉ đạo chặt chẽ của chi bộ, sự đồng tâm nhất trí của tất cả tù chính trị, sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, yêu sách của cuộc đấu tranh phải phù hợp với tình hình thực tế giữa ta và địch.
Sau cuộc đấu tranh kể trên, sức khỏe của anh em trong tù bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều người bị kiệt sức, có người bị chết vì thiếu chất dinh dưỡng và bệnh tật hiểm nghèo. Trước tình hình ấy, Tô Hiệu và chi bộ đã kịp thời đề ra chủ trương tiếp tục đấu tranh nhằm phục hồi sức khỏe cho mọi người để có thể đủ sức tiếp tục đương đầu với kẻ thù. Thực hiện chủ trương của chi bộ, chi uỷ giao nhiệm vụ cho Ban kinh tế và Ban cứu tế nghiên cứu kế hoạch cụ thể. Nhờ có sự đóng góp của tập thể tù chính trị, đầu năm 1943 quỹ cứu tế đã lên tới gần 1.000 đồng tiền Đông Dương. Ban cứu tế đã dùng số tiền đó mua thuốc dự trữ, đường sữa để bồi dưỡng cho người ốm yếu. Ban kinh tế còn tổ chức bán thêm thức ăn cho anh em ngoài tiêu chuẩn ăn hàng ngày để tự bồi dưỡng sức khoẻ. Chủ trương của chi bộ về cải thiện đời sống vật chất, bồi dưỡng tinh thần đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của tù nhân để tự giải phóng khỏi nhà tù vào những năm sau này.
Học tập chính trị và văn hoá là hai yêu cầu cấp bách trước mắt nhằm nâng cao trình độ chính trị và củng cố tinh thần đấu tranh của tù nhân. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban huấn luyện, Tô Hiệu đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của chi bộ trong việc phân công một số đồng chí trong Ban huấn luyện chuẩn bị các tài liệu học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối, chủ trương của Đảng… làm tài liệu học tập. Đối với các bài giảng quan trọng, Tô Hiệu trực tiếp biên soạn chương trình trên cơ sở nhớ lại những bài giảng đã được học tập khi ở tù Côn Đảo như Cộng sản sơ giải; Thanh nông công vận; Kinh nghiệm hoạt động bí mật; Chủ nghĩa Lênin đại cương.... Để phù hợp với điều kiện sinh hoạt trong nhà tù, Tô Hiệu và các đồng chí trong Chi ủy tổ chức các lớp học đơn giản, gọn nhẹ. Mỗi tổ từ 10 đến 25 người. Việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức được Tô Hiệu giao trách nhiệm cụ thể phù hợp với trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của từng người: Tô Hiệu và đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyên giảng về công tác tổ chức Đảng, công tác chi bộ, công tác bí mật; đồng chí Trần Huy Liệu chuyên giảng về văn, sử Việt Nam và công tác báo chí;... Các môn học với nhiều nội dung phong phú, gắn với thực tiễn và phần lớn đều được trao đổi và thảo luận kĩ càng, bởi vậy có sức cuốn hút lớn, người học nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, để đấu tranh trực diện với kẻ thù, Tô Hiệu và Chi ủy chủ trương tiếp tục tổ chức tự học và bồi dưỡng ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Pháp cho anh em tù nhân và xem đây là một yêu cầu bắt buộc. Dưới sự lãnh đạo của Tô Hiệu và Chi ủy, nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo bồi dưỡng, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cung cấp cho phong trào cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Độ, Lê Hiến Mai, Lê Quang Hòa, Tạ Xuân Thu, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân... và hàng trăm chiến sĩ cộng sản kiên trung khác.
Việc bắt liên lạc với Trung ương Đảng và các cơ sở Đảng ở bên ngoài nhà tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng được chi bộ giao cho Tô Hiệu đảm nhiệm. Do tình hình giao thông khó khăn, từ giữa năm 1941 đến đầu năm 1942, việc bắt liên lạc giữa chi bộ với Trung ương Đảng bị gián đoạn, mặc dù chi bộ đã bố trí cho một số đảng viên mãn hạn tù đi tìm liên lạc như Văn Tiến Dũng, Lê Liêm, nhưng ít có hiệu quả. Cho tới đầu năm 1942, chi bộ mới tiếp nhận được một số văn kiện của Đảng như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng 5/1941, Điều lệ Việt Minh v.v…Cũng trong thời gian đó, Trần Đăng Ninh bị đầy lên Sơn La đã truyền đạt lại cho chi bộ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình mới, nhiệm vụ mới. Nhờ các nguồn thông tin nói trên, các đảng viên trong chi bộ mới nắm được những chủ trương mới của Đảng trong giai đoạn trước mắt, từ đó tập trung triển khai các nhiệm vụ chi bộ theo mục tiêu chung mà Đảng đề ra.
Vì lý do bệnh tình ngày càng trầm trọng, sức khỏe ngày càng xấu đi, sau khi củng cố lại Chi bộ sau cuộc đấu tranh dài, tháng 10 năm 1941, Tô Hiệu đề nghị Chi bộ cho ngừng nhiệm vụ Bí thư Chi bộ. Đồng ý với đề xuất của Tô Hiệu nhưng Chi bộ đề nghị đồng chí vẫn tham gia chỉ đạo hoạt động của Chi bộ và coi đồng chí là cố vấn đặc biệt và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân – cựu tù chính trị tại Nhà tù Sơn La khẳng định: Những thành công to lớn của Chi bộ Nhà tù Sơn La có sự đóng góp công đầu của dồng chí Tô Hiệu. Với bản lĩnh chính trị kiên cường, tài năng tổ chức và sự nhạy cảm chính trị, đồng chí Tô Hiệu là người cộng sản mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Tấm gương sáng về ý chí đấu tranh bất khuất trong nhà tù
Giặc Pháp xây dựng nhà tù Sơn La với mong muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của những chiến sỹ trung kiên, mượn nơi rừng thiêng, nước độc này để thủ tiêu những người cộng sản. Thực dân Pháp đã thực hiện ở nhà ngục Sơn La một chế độ tù đày hết sức khắc nghiệt và bắt tù nhân phải làm công việc khổ sai hàng ngày. Chế độ ăn uống của tù nhân do Thống sứ Bắc Kỳ quy định đã rất ngặt nghèo, lại còn bị bọn giám ngục tìm cách bớt xén. Bữa ăn mỗi người được một nắm cơm nếp lẫn trấu và sạn với muối trắng, hoạ hoằn mới có bữa canh rau già nấu suông. Mỗi một năm phạm nhân được phát 1 bộ quần áo bằng vải thô, 1 chiếc chiếu, 1 chăn sợi mỏng không đủ chống chọi với cái lạnh giá của miền rừng núi. Hàng ngày khi sương mù còn bao phủ dày đặc, tiếng kèn đã giục giã phạm nhân xếp hàng điểm danh để đi làm. Đi chậm, đi nhanh, hay nói chuyện đều bị đánh đập. Những người ốm yếu vẫn phải đi làm những công việc như đục lỗ đặt mìn phá đá, chặt và kéo gỗ, đẩy xe chở đá, gỗ, cát, nước, gạo, củi… Những đợt đi chở gỗ ở Mai Sơn, chở gạo ở Tạ Bú, đường xa, đèo cao, dốc đứng, suối sâu phạm nhân phải đi ròng rã 3, 4 ngày đường. Ngoài ra, họ còn phải làm đường, nung gạch, đốt vôi. Công việc nặng nhọc thường xuyên xảy ra tai nạn, sức khoẻ giảm sút nhanh chóng, nhiều người mắc bệnh nhưng thuốc men thiếu thốn, cho nên trong những năm 1930-1936, hàng trăm chính trị phạm đã gửi thân lại khu gốc ổi. Trong thư gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ năm 1932, Công sứ Saint Poulof đã nói rằng: “Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hoả Lò, là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây tới đất Sơn La chỉ trong vòng 6 tháng thôi vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hoà - Chúng sẽ tự định đoạt lấy cuộc sống của chúng” .
Tại nhà tù Sơn La, Tô Hiệu bị thực dân Pháp coi là nhân vật cực kỳ nguy hiểm, lấy cớ đồng chí bị lao phổi nặng lên biệt giam ở xà lim hình tam giác, diện tích chưa đầy 4m2 và cách ly hoàn toàn với các tù nhân khác. Mảng tường trên văng cửa sổ có ba lỗ vuông để thông hơi. Khi đóng cửa, ánh sáng lọt vào chỉ đủ để phân biệt hình thù người lờ mờ ở bên trong. Có hai bệ nằm xi măng, cái ngoài hình chữ nhật, bệ trong đâm vào góc hình tam giác, ngắn hơn nên phải nằm co mới đủ. Mùa hè nóng nực, mùa đông rét thấu xương. Mặc dù trong hoàn cảnh đó, đồng chí đã tìm cách liên lạc với các tù nhân chính trị và tham gia lãnh đạo đấu tranh. Ðồng chí là người chủ trì trong việc thành lập Chi bộ nhà tù Sơn La, làm Bí thư Chi bộ, trực tiếp đào tạo, huấn luyện lý luận Mác Lênin, bồi dưỡng phương pháp đấu tranh cách mạng, chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù.
Ðồng chí Tô Hiệu là người tiêu biểu cho ý chí đấu tranh cách mạng, thực hiện khẩu hiệu: "Biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng". Đại Tướng Văn Tiến Dũng – người bạn tù của Tô Hiệu – kể lại: “Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá, nhưng đồng chí vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng... Tinh thần hi sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục cám hóa rất lớn. Đồng chí là người thấy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục.”
Với ý chí kiên cường của mình, trong suốt 4 năm ở địa ngục trần gian, đồng chí không chỉ là người lãnh đạo mà đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người đồng chí của mình và cảm hóa nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. Vai trò của đồng chí Tô Hiệu trong nhà tù Sơn La là linh hồn của Chi bộ, tiêu biểu cho ý chí đấu tranh cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản.
Tháng 2/1944, sức khoẻ quá yếu nên chi bộ đã đấu tranh đưa đồng chí vào trong một kho xép gần trại ba gian để tiện chăm sóc và để đồng chí gần gũi đồng đội trong những ngày cuối đời. Biết không thể qua khỏi vì lâm trọng bệnh, nhưng Tô Hiệu vẫn cố gắng, một tay ôm ngực một tay viết tài liệu huấn luyện cho Chi bộ Nhà tù. “Ngồi xổm trên bệ xi măng lạnh lẽo, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp áo ngực như để nén những cơn ho và cho phổi đỡ nhức nhối, Tô Hiệu dùng bút viết chữ thật nhỏ và rất sít trên những mảnh giấy đánh máy cắt nhỏ bằng bàn tay đặt trên mảnh bìa cứng, vừa viết, vừa ho dữ dội “như khạc ra từng mảnh phổi nát” ...Đồng chí nói với anh em: Mình biết chắc sẽ chết sớm hơn mọi người. Vì vậy, mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng, cho cách mạng.
Đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh và để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần và ý chí cách mạng. Trong vách tường đá của nhà tù, cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn xanh tươi như một biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản, cho sức sống mãnh liệt của cách mạng và dân tộc Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Xuân Trung
TS Lê Thị Hằng
Nguồn: https://baohungyen.vn