KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/06/2021 - Lượt xem: 79
Triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo đa chiều

Ngày 29-6, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phiên họp lần này của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội rất có ý nghĩa khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Ủy ban Y tế và Xã hội (tiền thân của Ủy ban về các vấn đề xã hội hiện nay). Ủy ban về các vấn đề xã hội là một trong những Ủy ban quan trọng của Quốc hội, được giao phụ trách những lĩnh vực gắn liền với đời sống của nhân dân và luôn được dư luận xã hội quan tâm. Qua lịch sử hình thành, phát triển, Ủy ban đã đóng góp thiết thực vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội, để lại những dấu ấn đậm nét, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao

Tại Phiên họp này, Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ xem xét hai nội dung: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Các vấn đề được Ủy ban xem xét trong phiên họp này cùng với những ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để trình lên phiên họp thứ 58, phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, đồng thời trình ra kỳ họp Quốc hội khóa 15 để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận, biểu dương những cống hiến, nỗ lực, thành tích nổi bật của Ủy ban về các vấn đề xã hội đạt được qua các nhiệm kỳ trong 45 năm qua.

Đồng chí tin tưởng với đội ngũ cán bộ, thành viên có năng lực, trình độ, có bề bày kinh nghiệm, tâm huyết, làm việc khoa học, chuyên nghiệp, trách nhiệm, trong sự thương yêu, tôn trọng, đoàn kết, thống nhất cao, nhất định Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục kế thừa, vun đắp, phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, đạt được những kết quả nổi bật hơn nữa trong thời gian tới.

Đánh giá kết quả Chương trình giảm nghèo, kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, chương trình đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập, đời sống người giàu - người nghèo còn lớn. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả; sự chủ động thoát nghèo, phát huy nội lực của hộ nghèo còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Do vậy, việc xây dựng Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững; người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực giảm nghèo, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. 

Về chính sách bảo hiểm xã hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định và nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội, trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Phát triển bảo hiểm xã hội là tiền đề, điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội là hoạt động thường niên của Ủy ban. Tuy nhiên, lần thẩm tra này có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là một trong những căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, chuẩn bị thẩm tra đề xuất chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội trong ba năm tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các đại biểu dự họp tập trung phân tích, thảo luận thật kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục; đưa ra kiến nghị, đề xuất khả thi, sát với thực tiễn.

Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan