KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/07/2021 - Lượt xem: 83
Triển khai thi hành Luật Cư trú mới, không để người dân phải băn khoăn

Bên cạnh những bước tiến rõ rệt mà Luật Cư trú mới mang lại như việc giảm phiền hà cho người dân, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, trong quá trình triển khai, những nội dung quy định trong luật vẫn đang gây nhiều băn khoăn và nhận được sự quan tâm của nhân dân. 

Chính thức chuyển đổi phương thức quản lý dân cư

Từ ngày 1/7, Luật Cư trú năm 2020 đã có hiệu lực thi hành. Đây là đạo luật rất quan trọng, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đăng ký, quản lý cư trú và đổi mới phương thức quản lý cư trú, từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin. 

Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, từ ngày 1/7 là thời điểm đánh dấu sự thay đổi trong công tác quản lý thông tin dân cư. Việc quản lý công dân sẽ được tiến hành hoàn toàn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là những cải tiến rõ rệt đem lại những “trái ngọt” mà người dân là đối tượng thụ hưởng.

Là người đầu tiên “khai trương” trong ngày đầu thực hiện thi hành Luật Cư trú năm 2020 tại Công an phường Liễu Giai (quận Ba Đình), công dân Tăng Thị Ngọc Kim (62 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) có ý định tới để đăng ký thông tin về nơi tạm trú. Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, biết được bà Kim đã chuyển tới chỗ ở trên địa bàn phường Liễu Giai một thời gian dài và sinh sống cùng chồng đang có hộ khẩu thường trú tại phường Liễu Giai nên cán bộ công an tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bà Kim làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú để phù hợp quy định mới của luật.   

Tại trụ sở Công an phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong ngày đầu thực thi Luật Cư trú năm 2020 cũng có nhiều người dân tới làm thủ tục. Công dân Nguyễn Văn Thức (63 tuổi, ở tổ 9, phường Nghĩa Tân) tới để thay đổi một số thông tin trong sổ hộ khẩu. Theo quy định, cán bộ tiếp nhận tiến hành thu lại sổ hộ khẩu giấy của công dân theo quy định mới của Luật Cư trú năm 2020, sau đó điều chỉnh thông tin của ông Thức trong cơ sở dữ liệu.

Ông Thức chia sẻ, do nắm được nội dung cơ bản của luật nên khi tới làm thủ tục ông đã xuất trình thẻ căn cước công dân để cán bộ công an trích xuất thông tin trên cơ sở dữ liệu. Qua đó, ông tiết kiệm được thời gian, không phải kê khai nhiều trên giấy tờ như trước nữa. “Đây thật sự là một tiện ích đem lại thuận tiện cho người dân nhất là những người đã cao tuổi” - ông Thức nói.

Thu sổ hộ khẩu giấy khi thay đổi thông tin

Theo Bộ Công an, từ ngày 1/7 sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022. Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi người dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì công an có trách nhiệm cập nhật vào cơ sở dữ liệu, đồng thời thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và không cấp mới các loại sổ này. 

Tuy nhiên, có một thực tế đang xảy ra khi triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020, đó là nhiều người dân vẫn băn khoăn, lo lắng khi bị thu cuốn sổ hộ khẩu giấy vốn từ lâu luôn được coi là “tài sản” quý giá trong mỗi gia đình. Trường hợp bà P.T.B.D (55 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, hiện tại sổ hộ khẩu của gia đình bà có bốn người, nếu một người trong gia đình thay đổi thông tin về thường trú có nghĩa là sổ hộ khẩu sẽ phải nộp lại cho cán bộ công an tiếp nhận và cập nhật thông tin thay đổi lên cơ sở dữ liệu.

Bà D nói, như vậy, những thành viên khác trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng khi cần thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính rất có thể sẽ gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được...

Cùng băn khoăn như bà D, một số người dân lo ngại khi không còn sổ hộ khẩu giấy rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan việc chứng thực nhân thân để giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống. Tình huống dễ xảy ra nhất là khi nhập học cho trẻ, nhà trường đòi hộ khẩu để nhận học sinh theo tuyến, phải có hộ khẩu mới có thể đi học theo đúng tuyến được. Bên cạnh đó, một số người dân đến nay chưa nhận được thẻ căn cước công dân gắn chip nên họ cũng lo ngại khi đi làm thủ tục hành chính theo Luật Cư trú mới sẽ gặp khó khăn.

Liên quan những băn khoăn của người dân về việc bị thu sổ hộ khẩu khi thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an).

Theo lãnh đạo C06, theo quy định tại khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đối với trường hợp công dân cần chứng minh nơi thường trú để thực hiện giao dịch, thủ tục thì công dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 55 ngày 15/5/2021 của Bộ Công an, công dân có thể yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú tại công an xã, phường, thị trấn không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình hoặc có thể gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp. 

Cũng theo Đại tá Phạm Công Nguyên, Bộ Công an đã hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam đã được thu thập thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, đối với các bộ, ban, ngành đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, không yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh nơi thường trú của công dân.

Trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để chứng minh nơi thường trú. Bởi vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi nộp lại sổ hộ khẩu giấy cho cơ quan công an.

Nguồn: nhandan.com.vn

 
Tin liên quan