KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 17/06/2019 - Lượt xem: 142
Vai trò của công tác tư tưởng trong giai đoạn chuẩn bị giành chính quyền (1930-1945)

Trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930-1945, công tác tư tưởng đã luôn được đặt lên vị trí hàng đầu nhằm giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng trên chiến trường quân sự. Ngoài những kết quả được tổng kết ở từng thời kỳ cụ thể của tiến trình cách mạng giai đoạn 1930-1945, vai trò của công tác tư tưởng giai đoạn này có thể kết lại trong hai luận điểm dưới đây:

Thứ nhất, toàn Đảng, toàn dân trưởng thành một bước quan trọng về trình độ lý luận, chính trị
 
Đội ngũ đảng viên được học tập lý luận, chính trị với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Từ đào tạo có hệ thống, trình độ cao đến học tập ở những lớp ngắn ngày hoặc tự học, tự nghiên cứu, học trong nhà tù. Nội dung học tập không chỉ có lý luận Mác-Lênin mà còn có chủ nghĩa Tam Dân, chủ nghĩa Găng đi… không chỉ có đường lối, chủ trương của Đảng mà còn có văn hóa, ngoại ngữ. Hai yếu tố quan trọng để học tập có kết quả là chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc và hoạt động thực tiễn hăng hái. Đây là bộ lọc nhạy bén đối với tư tưởng cần cho giải phóng dân tộc từ bên ngoài đưa vào Việt Nam. Tùy nhân tố khách quan và chủ quan tác động, mỗi người tiếp thu với mức độ nhanh chậm, nông sâu khác nhau, có trường hợp sai lầm và cũng có trường hợp phản bội. Nhưng hầu hết đảng viên đã siết chặt đội ngũ ngày càng phát triển số lượng và chất lượng. Chưa nói đến tầm tư tưởng Hồ Chí Minh - đỉnh cao lý luận, chính trị của Đảng đã được Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VII vừa nói lên uy tín của Đảng ta, vừa phản ánh trình độ chính trị, tư tưởng của thế hệ thanh niên đầu tiên tham gia cách mạng. Sáng tạo lý luận có giá trị phổ biến trong cách mạng giải phóng dân tộc, ngoài Hồ Chí Minh còn có vai trò của Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương được người giáo dục và rèn luyện.
 
Công tác tư tưởng của Đảng thời kỳ này vừa tiến hành trong Đảng, vừa trực tiếp thực hiện trong quần chúng. Nhờ gắn bó mật thiết, nêu cao tính tiên phong gương mẫu có trình độ lý luận, chính trị hơn quần chúng nên những người Cộng sản đủ sức thuyết phục, đưa quần chúng đến bước nhảy vọt về nhận thức tư tưởng chính trị. Một chân lý của công tác tuyên truyền cách mạng đã thành hiện thực: tư tưởng khi đã thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành thực lượng vật chất.
 
Sự thống nhất quan điểm tư tưởng và chính trị của toàn Đảng, toàn dân đã đưa đến hiệu quả thực tiễn: chỉ 5000 đảng viên vẫn đủ sức lãnh đạo 25 triệu nhân dân xông lên giành chính quyền thắng lợi.
 
Thứ hai, Đảng ta xác định được đường lối độc lập tự chủ và sáng tạo trên cơ sở vận dụng và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Đường lối của Đảng vừa là sản phẩm của công tác tư tưởng, vừa là nội dung quan trọng nhất trong công tác tư tưởng của Đảng. 15 năm đấu tranh quyết liệt chống kẻ thù có tiềm lực lớn về vật chất và thủ đoạn xảo quyệt để chống phá cách mạng và lừa bịp quần chúng, Đảng ta với vũ khí lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã từng bước trưởng thành, đủ năng lực tìm ra con đường và phương thức hành động để chiến thắng. Cương lĩnh đầu tiên tuy “vắn tắt” nhưng đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển đường lối. Luận cương cách mạng tư sản dân quyền (10-1030) đã cụ thể hóa một bước, nhưng bị hạn chế về nhận thức quan hệ hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, về xây dựng khối đoàn kết dân tộc và hình thức tổ chức thành lập Đảng. Mặc dầu những người Cộng sảng trẻ tuổi trong nhiều năm (1930-1941) thiếu sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc và không tránh khỏi bệnh ấu trĩ, nhưng đã nỗ lực vượt qua để đi đúng quỹ đạo của cách mạng giải phóng dân tộc. Nhờ đó khi Nguyễn Ái Quốc về nước thì Trung ương tiếp thu và theo kịp tư tưởng chỉ đạo của Người ở Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), không xảy ra những chệch choặc đáng tiếc để đi thẳng đến cách mạng Tháng Tám.
 
Những nội dung đúng đắn và sáng tạo của đường lối bao gồm việc xác định mục tiêu cơ bản lâu dài và trước mắt; nhiệm vụ cơ bản và chủ yếu nhất; lực lượng nòng cốt và lực lượng dân tộc cần đoàn kết; quan hệ quốc tế cơ bản và cụ thể; quan hệ ba nước Đông Dương; vấn đề xây dựng Đảng của giai cấp công nhân phù hợp với đặc điểm dân tộc thuộc địa, vấn đề giành chính quyền bằng khởi nghĩa vũ trang, bao gồm các vấn đề: thời cơ cách mạng, bạo lực cách mạng, tiến trình khởi nghĩa, phương thức khởi nghĩa, hình thức chính quyền cách mạng.
 
Tất cả những vấn đề đó là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm những vấn đề chiến lược và phương pháp cách mạng, dựa trên quan điểm nổi bật, kết hợp vấn đề dân tộc - giai cấp, kết hợp độc lập dân tộc với CNXH - nguồn gốc của quyết định “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, nhằm mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn dân tộc.
 
Điều đó phản ánh một giai đoạn phát triển quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh năng lực, trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân tộc ta. Nhờ thế Đảng đã không ít lần vượt qua nguy cơ mất đoàn kết nội bộ để thống nhất tư tưởng và hành động, vượt qua thoái trào toàn bộ hay cục bộ, tạo nên sức mạnh để có thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám.
Ngọc Điệp (Tổng hợp)
Tin liên quan