Lễ hội với sự tham gia của hàng nghìn người tại Indonesia.
Đó là những nhận định chung của các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa G20 ở Indonesia vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim (N.Ma-ca-rim) nhấn mạnh bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia; khẳng định, văn hóa là động lực của phát triển bền vững. Bộ trưởng N.Makarim kêu gọi nỗ lực chung nhằm khôi phục các hoạt động văn hóa và nghệ thuật toàn cầu. Indonesia cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực này, cũng như hỗ trợ các nghệ sĩ, người làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Ðây cũng là những nội dung mà Indonesia, Chủ tịch G20, thúc đẩy trong các chương trình nghị sự về lĩnh vực văn hóa của G20 trong năm 2022.
Trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục các hoạt động văn hóa, G20 nhất trí về các hành động cụ thể, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy thành lập Quỹ Phục hồi văn hóa và nghệ thuật toàn cầu (GACRF) theo sáng kiến do Indonesia đề xuất. G20 cũng sẽ hợp tác với các bên liên quan nhằm thúc đẩy các sáng kiến về giáo dục-đào tạo, số hóa, tạo việc làm và bảo tồn các di tích văn hóa… Nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các thành viên G20, bên lề hội nghị, nhiều sự kiện văn hóa cũng được tổ chức, như lễ hội với hơn 2.000 nghệ sĩ, diễn viên và người dân bản địa tham gia vào buổi hòa nhạc với nhiều tiết mục của các nghệ sĩ đến từ các nền kinh tế thành viên G20. Ðại diện các thành viên G20 cũng được tham quan đền Borobudur, một trong những Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Cùng quan điểm với các thành viên G20, tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia Phoeurng Sackona (P.Xắc-cô-na) kêu gọi tăng cường nỗ lực lồng ghép văn hóa vào các hoạt động phát triển bền vững; thúc đẩy bảo vệ tài sản văn hóa, cũng như đổi mới trong lối sống của người dân hướng đến các giá trị văn hóa. Lời kêu gọi này cũng phù hợp nội dung của Tuyên bố Siem Reap về Thành phố Văn hóa ASEAN được thông qua gần đây, trong đó tập trung thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN đổi mới và thích ứng nhằm hỗ trợ các xu hướng văn hóa trong bối cảnh mới. Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa nghệ thuật ASEAN ở Campuchia, Bộ trưởng P.Sackona nhấn mạnh, tài sản văn hóa là nền tảng của quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi đất nước, phản ánh bản sắc văn hóa và niềm tự hào mỗi quốc gia. Theo bà P.Sackona, khai thác du lịch tại các địa điểm di sản văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt với nền kinh tế các nước ASEAN và là động lực để phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch. Bên cạnh đó, Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 cũng kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội triển khai thêm các biện pháp nhằm bảo vệ các di sản văn hóa.
Nỗ lực khôi phục các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cần những cam kết thiết thực và nỗ lực lâu dài. Với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, những nỗ lực này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, đồng thời thúc đẩy giao lưu, hội nhập văn hóa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các khu vực, cũng như thế giới.