Trần Thị Thanh Thủy Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Chủ tịch Hội VHNT Hưng Yên
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự bồi tụ của phù sa sông Hồng, sông Luộc, Hưng Yên được bồi tụ bởi các lớp trầm tích văn hóa mang đặc trưng phong cách châu thổ. Sự bồi tụ văn hóa ấy đã góp phần tạo nên nhân cách và nghị lực của những con người sinh trưởng trên vùng đất này. Trong tiến trình lịch sử, trên quê hương Hưng Yên đã xuất hiện nhiều danh nhân có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước. Đặc biệt trong lĩnh vực văn học- nghệ thuật, Hưng Yên là vùng đất đã sinh ra nhiều văn nghệ sĩ mà tên tuổi của họ đã góp phần làm nên diện mạo của văn hóa Việt Nam. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ Hưng Yên đã đoàn kết, sáng tạo để khẳng định vị thế của văn học nghệ thuật trong đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngày 15/8/2014, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên ban hành Chương trình hành động số 34- CTr/TU. Với mục tiêu “xây dựng nền văn hóa và con người Hưng Yên phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, mang đặc trưng văn hóa châu thổ sông Hồng” và “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp; góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chương trình hành động số 34- CTr/TU có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Trong đó, yêu cầu Hội VHNT và văn nghệ sĩ địa phương phát hiện, góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Hưng Yên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và mang đặc trưng văn hóa châu thổ sông Hồng, văn hóa Phố Hiến- Hưng Yên; tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục lãnh đạo phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, những thành tựu của tỉnh và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh và phát triển đồng đều công tác lý luận văn học, nghệ thuật. Chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động của Hội văn học- nghệ thuật tỉnh nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Có cơ chế khuyến khích tài năng sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua, Hội VHNT Hưng Yên đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Lực lượng sáng tác và tác phẩm tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hội Văn học- Nghệ thuật Hưng Yên có 125 hội viên, trong đó có 47 người là hội viên các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Qua các lần xét tặng Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Phố Hiến đã có 117 tác phẩm đoạt giải cao; có hàng trăm giải thưởng, huy chương các loại qua các cuộc thi, hội diễn, triển lãm. Phương thức đầu tư tổ chức các Trại sáng tác và thâm nhập thực tế được cải tiến. Nhiều Trại sáng tác đã đạt được kết quả tốt; không ít tác phẩm thu hoạch được từ Trại sáng tác được tuyển chọn và tham dự các giải thưởng VHNT. Hoạt động hỗ trợ sáng tác và công bố tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Hàng năm, Hội VHNT tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo hoạt động biên soạn và xuất bản sách. Tạp chí Phố Hiến- cơ quan ngôn luận của Hội, là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh, đã bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội, Luật Xuất bản và Luật Báo chí. Bên cạnh đó, Tạp chí đã đổi mới về nội dung, tăng thêm một số chuyên mục để giới thiệu di sản văn hóa, danh nhân Hưng Yên đồng thời giới thiệu tác phẩm của những cộng tác viên tiềm năng để bổ sung cho lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật. Các chuyên trang chuyên mục của Tạp chí đã bám sát định hướng chỉ đạo sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xác định vị thế của văn hóa- văn học nghệ thuật trong sự phát triển của tỉnh, năm 2015, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46- CT/TU ngày 18/5/2010 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên cũng được nêu ra như là một nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ ấy là của toàn đảng bộ và nhân dân, trong đó, mỗi cán bộ văn hóa, mỗi văn nghệ sĩ là một chủ thể nhỏ bé nhưng quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi.
Để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong thời gian tới, cán bộ, hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật cần đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, hiểu sâu được tác động của chủ trương đường lối của Đảng đối với cuộc sống và con người một cách chân thực và sâu sắc; từ đó tiếp tục sáng tác những tác phẩm chân thực và đúng định hướng tư tưởng của Đảng. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đoàn kết, thường xuyên định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn học, nghệ thuật, nhất là trong việc định hướng sáng tạo. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng xấu, tự diễn biến trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, Ban chấp hành Hội thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng văn học nghệ thuật và trao đổi nghiệp vụ, Hội thảo chuyên đề mang tính cụ thể hơn về những yếu tố kĩ thuật giúp các hội viên có thể biến cảm xúc thành những tác phẩm cụ thể, có chất lượng. Mỗi văn nghệ sĩ cần nâng cao trách nhiệm công dân, nâng cao trách nhiệm hội viên trước thực tiễn cuộc sống, thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước, nâng cao khả năng sáng tác, phát huy giá trị của tác phẩm. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần tích cực để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.