Từ việc triển khai thí điểm đem lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Kim Động, mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã phát triển thành một phong trào bảo vệ môi trường rộng khắp, được chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, với mục tiêu hướng đến trên 60% số hộ gia đình tham gia thực hiện. Cùng với các địa phương trong tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn huyện Văn Lâm đã hưởng ứng và từng bước triển khai hiệu quả mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giải bài toán rác thải sinh hoạt và giúp cho diện mạo quê hương Văn Lâm càng thêm xanh - sạch - đẹp.
Ngay sau khi UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 14/4/2015 về việc triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, UBND huyện Văn Lâm đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng phối hợp tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 20/4/2015, bước đầu thực hiện tại địa bàn 05 xã. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trọng việc triển khai thực hiện, năm 2016, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục áp dụng triển khai thực hiện trên địa bàn 06 xã theo Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 22/4/2016. Hằng năm, để duy trì và nhân rộng, nâng cao hiệu quả của mô hình, UBND huyện thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn 11 xã, thị trấn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện tổ chức đa dạng hoạt động truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cho nhân dân. Đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức trên 20 lớp tuyên truyền tại 09 xã với gần 4.000 lượt cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia. Qua đó, giúp nhân dân hiểu được việc phân loại rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, giúp khắc phục những tồn tại về quy trình xử lý rác thải hiện nay; việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện tốt sẽ giúp giảm khối lượng rác phải chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường; tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác... Từ đó, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đăng ký tham gia, thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn trong phân loại và xử lý rác thải hữu cơ.
Sau khi tổ chức tuyên truyền, tập huấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hướng dẫn UBND các xã trong tuyên truyền, tổ chức đăng ký, xét duyệt, lập danh sách các hộ tham gia; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ gia đình triển khai thực hiện, vận động nhân dân tận dụng vật liệu sẵn có để chế tạo nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ; xây và tận dụng bể xây hiện có để xử lý rác thải; sử dụng thùng nhựa có đủ khối lượng để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ...
Năm 2015, huyện triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 1.079 hộ thuộc 05 xã: Đình Dù, Trưng Trắc, Minh Hải, Chỉ Đạo, Lạc Hồng với 03 hình thức xử lý: Xử lý bằng thùng nhựa 138 hộ; xử lý bằng hố đào có nắp đậy kim loại 06 hộ; xử lý bằng hố đào có nắp đậy đơn giản 935 hộ. Năm 2016, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 4.979 hộ 06 xã còn lại là: Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Minh Hải, Đại Đồng, Việt Hưng, Lương Tài, cũng bằng 03 hình thức xử lý: Xử lý bằng thùng nhựa 812 hộ; xử lý bằng hố đào có nắp đậy kim loại 760 hộ; xử lý bằng hố đào có nắp đậy đơn giản 3.407 hộ.
Từ năm 2017 đến nay, huyện tập trung hỗ trợ chế phẩm cho các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình, khuyến khích các hộ gia đình tự đào hố, bố trí nắp đậy hợp vệ sinh hoặc tự bố trí thùng chứa theo hướng dẫn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2.156 hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ riêng biệt, rác thải hữu cơ sau khi phân loại được xử lý bằng các hình thức như đào hố chôn lấp, sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi... rác thải vô cơ tái sử dụng được bán cho các đơn vị thu mua phế liệu, một phần nhỏ rác thải vô cơ không tái sử dụng được các tổ, đội vệ sinh môi trường của thôn, khu phố thu gom, vận chuyển về nơi tập kết theo quy định.
Trong thời gian qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Văn Lâm đã và đang làm chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là những hoạt động thường xuyên, gắn với đời sống sản xuất, sinh hoạt nhằm xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Để duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện của mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình với mục tiêu tiến đến năm 2025 trên địa bàn huyện đạt trên 60% số hộ gia đình tham gia thực hiện, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, trách nhiệm của nhân dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là tích cực hưởng ứng tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
HC