KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 13/11/2018 - Lượt xem: 216
Vấn vương điệu chèo

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên nức tiếng gần xa không chỉ bởi nhãn ngọt, sen bùi, mà còn bởi nơi đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, loại hình nghệ thuật đặc trưng gắn bó lâu đời với cư dân của đồng bằng Bắc Bộ.

Một tiết mục tham dự khai mạc Liên hoan Chiếu chèo làng tôi tỉnh Hưng Yên mở rộng năm 2018

Không biết từ khi nào, mỗi độ Tết đến, xuân về, làng trên, xóm dưới đều rộn ràng đi xem hát chèo. Sân đình ngày thường vắng bóng người, nay bà con tụ tập đông đủ xung quanh, tự nguyện chừa ra khoảng sân khấu rộng tầm hai tấm chiếu đậu cỡ lớn hoặc bốn tấm chiếu đôi, háo hức chờ đợi. Khi các nghệ nhân hóa trang, phục trang đã xong, ra ngồi cùng dàn nhạc, phường hát bắt đầu đồng thanh cất tiếng hát vỡ nước mấy câu tích, vừa mang nội dung cầu chúc cho mọi người hạnh phúc, vừa để nghệ nhân khơi giọng, cho lát nữa vào diễn được tốt. Dứt câu vỡ nước, trống chầu hỏi lại phường ba tiếng, rồi hàng chục trống khẩu cùng lên tiếng giục, phường trả lời bằng một hồi ba tiếng trống đĩnh đạc, thông báo buổi diễn bắt đầu. Thông thường, ông Trùm hoặc bác Thơ quần áo chỉnh tề, tay phe phẩy lá quạt thước, bước ra cúi chào, hát câu giáo đầu chúc tụng rồi sang lời giới thiệu “nhớ xưa tích cũ”. Chỉ cần nghe qua đôi lời, khán giả đã ồ lên hồ hởi, rồi, rồi, bữa nay phường diễn tích gì, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ” hay “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Trương Viên”, “Nghêu - Sò - Ốc - Hến”.

Trên chiếu diễn, khi nghệ nhân vừa ra chào vừa hát múa thì khắp sân đình, người xem vây kín ba mặt, cũng vừa điểm trống khẩu, vừa thích thú lẩm nhẩm hát theo. Nhiều lúc, khán giả lợi dụng lời trò mà đế hỏi vào, đòi người đóng phải quay ra giải thích, bắt chuyện mà diễn xuất vẫn giữ liền mạch. Khán giả thưởng thức tài nghệ của diễn viên một cách thoải mái, sảng khoái, cùng người đóng vai bình phẩm, đánh giá, mọi hành vi của nhân vật đang thể hiện trên chiếu chèo. Biết tận tường tích chèo, số phận nhân vật, thuộc từng làn điệu, câu ca, nhưng ai cũng say sưa như nuốt từng lời, từng động tác của diễn viên. Nhiều lúc, họ còn khơi gợi, dẫn dắt chuyện chèo mở dần, đế hỏi sắc sảo, hóm hỉnh, làm bật ra vô số câu, lời đa nghĩa gây cười thâm thúy, nghe và xem một lần không thể nào quên.

Suốt buổi diễn, người xem, người diễn chan hòa trong bầu không khí thân cận, hoà hợp, cùng thưởng thức nghệ thuật, thấm thía tích chèo một cách nhẹ nhàng thích thú. Từng lúc gặp chỗ bộc lộ tâm trạng vai sắm, nghệ nhân lại vươn lên diễn hay hơn, làm người xem thốt lên cảm thông, hồi hộp theo dõi. Gặp tình huống thuận lợi, chủ hề ném ngược lên “Bác, hay thầy” mấy câu giễu sâu cay, sắc bén, để mọi người khoái chí, hả hê… Sát theo diễn xuất, trống chầu đĩnh đạc điểm câu “cắc” thưởng luôn tay, thôi thúc nghệ nhân phấn khởi ra trò giòn giã. Tiếng sáo nhị cùng bộ gõ hồ hởi nâng giấc, điểm xuyết cho hát múa, diễn thêm nhuần nhị ngọt ngào, hỗ trợ, bồi đắp cho giọng hát thêm đày đặn, sáng rõ. Tiếng trống đế, tiếng thanh la, mõ gõ khi tùng, khi cắc, lúc beng, lúc chập càng bồi thêm âm lực cho giọng hát nghệ nhân…

Mỗi buổi diễn xưa thường kéo dài tới bốn, năm tiếng đồng hồ, có nơi diễn thâu đêm suốt sáng, mà vào lớp chót, người xem vẫn theo dõi say sưa, đế hỏi liên tục. Đến lúc nhân vật chính đạo đức, tốt bụng đạt được hạnh phúc thì các nghệ nhân đóng vai đang còn trên chiếc chiếu diễn, cùng xếp hàng quay xuống khán trường đồng thanh vui vẻ cất lên hát câu vãn trò:

Giời chung giời chẳng riêng ai

Vun trồng cây đức ắt dài nền nhân

Bài học luân lý của tích diễn được nhắc lại trong tiếng nhạc và tiếng hát râm ran, rộn rã. Tiếng nhạc, tiếng trống giã đám vang lên đã lâu, người xem mới từ từ đứng dậy ra về, dọc đường còn bàn tán sôi nổi về số phận nhân vật chính, lệch và tài nghệ người đóng vai và so sánh giữa nghệ nhân các phường hát chèo.

Cứ như thế đời này truyền sang đời khác, tình yêu, lòng đam mê hát chèo theo người Hưng Yên từ ruộng đồng, ao chuôm đến sân đình, rồi theo gánh hát đi khắp các lầu son cung điện biểu diễn phục vụ các nhà quyền quý, vua quan. Nhiều tên tuổi người Hưng Yên đã trở thành niềm tự hào, thành tài sản chung quý báu của sân khấu chèo cả nước như: Sái Ất, Đào Văn Só, Đào Thị Huệ (Đào Nương), Nguyễn Đình Nghị, nghệ sĩ nhân dân Hoa Tâm (Vũ Thị Định), nghệ sĩ nhân dân Vũ Văn Nghị (Tư Liên, vua hề đất Bắc), nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lan, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Mạnh Tưởng… Nhiều địa danh của vùng đất Hưng Yên đã trở thành điểm đến trong lược đồ các chiếu chèo của dân tộc. Nhiều làn điệu, vở diễn người Hưng Yên yêu thích và trau chuốt đã góp mặt trong kho tàng văn nghệ truyền thống dân tộc như “Quan Âm - Thị Kính”, “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Trương Viên”, các làn điệu đường trường, hát sắp, hát hề…

Đầu thế kỷ XX, khi điện ảnh du nhập vào nước ta, giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, chèo đứng trước sự lạnh nhạt của mọi người. Chèo sân đình ở Hưng Yên buộc phải có những tìm tòi, cách tân để thu hút khán giả và thích ứng với thời cuộc. Lối diễn trên chiếu cho 3 mặt khán giả không còn đất dụng võ nữa. Chèo sân đình Hưng Yên đã mau chóng rời làng vào rạp, diễn cho một mặt người xem ở phía trước. Người đi tiên phong đưa gánh chèo sân đình từ làng ra phố là Nguyễn Đình Nghị, người làng Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ. Ông đã cá thể hoá các nhân vật và văn học hoá kịch bản chèo, đưa các gánh chèo sân đình thành đoàn hát chuyên nghiệp nhưng vẫn mang đậm phong cách dân gian. Ông còn để lại một di sản đồ sộ cho nghệ thuật chèo với các vở tiêu biểu như: “Cái nhầm to”, “Tam đại dở hơi”, “Đáng đời cô ả”, “Khôn có giống”, “Say mà tỉnh”, “Chữa bệnh ghen”…

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết các phường chèo, gánh chèo không còn điều kiện tồn tại như trước. Trong khí thế xây dựng đời sống mới của những ngày đầu độc lập, nhiều xã đã thành lập đội văn nghệ diễn chèo. Nhiều nghệ nhân đã tham gia công tác tuyên truyền, gây dựng đội chèo của xã, tham gia đoàn văn công quân khu. Chèo trở thành một trong những vũ khí tuyên truyền kháng chiến, kiến quốc, làm phương tiện địch vận quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khắp Hưng Yên, phong trào hát chèo diễn ra sôi nổi, người người hát chèo, diễn chèo và học hát chèo qua đài Tiếng nói Việt Nam hoặc qua lớp ngắn hạn của phòng Văn nghệ, Ty Văn hoá đào tạo. Cùng với các vở diễn chuyên nghiệp của Đoàn chèo Hải Hưng, các tổ, đội chèo nghiệp dư cũng thường xuyên biểu diễn, giao lưu hát chèo cả lời cổ lẫn lời mới.

Từ sau thời kỳ đổi mới, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, chèo bị các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át; diễn viên sân khấu chèo loay hoay mà vẫn khó thích nghi. Sân khấu chèo thưa dần ánh đèn. Phần nhiều người trẻ thờ ơ và quay lưng với sân khấu chèo.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, các cấp, các ngành, các tổ chức trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, chú ý đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có chèo. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa cũng được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Thông qua đó, tạo thêm cơ hội phục hồi, chấn hưng phong trào hát chèo ở các làng xã.

Trong khi đó, những nghệ sĩ không chuyên của các xóm làng vẫn tình nguyện “giữ lửa” và “thổi lửa” cho chiếu chèo quê hương. Những bộ đội phục viên, công nhân nghỉ hưu hay nông dân, tiểu thương chung niềm đam mê hát chèo đã tập trung lại thành nhóm, đội, câu lạc bộ văn nghệ để chia nhau điệu hát, đoạn chèo, chung nhau trang phục, dụng cụ biểu diễn. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, dần dần, các câu lạc bộ đã thuần thục nhiều trích đoạn chèo cổ, những hoạt cảnh, vở chèo mới. Trong quá trình sinh hoạt, một số câu lạc bộ, đội văn nghệ của các làng, khu phố đã vươn lên, từng bước khẳng định được tên tuổi, hiệu quả hoạt động, tham gia biểu diễn, hội diễn, hội thi, liên hoan văn hóa nghệ thuật do các cấp, các ngành tổ chức. Nhiều đội thường xuyên được trao tặng các giải thưởng cho cả tập thể và cá nhân, tiêu biểu như câu lạc bộ, đội văn nghệ của các làng, khu phố thuộc các xã Thụy Lôi, Thủ Sỹ (Tiên Lữ), Đông Kết (Khoái Châu), Đồng Than, Thanh Long (Yên Mỹ), Hùng An (Kim Động), Nhân Hòa (Mỹ Hào), Lương Tài, Đình Dù, Lạc Đạo (Văn Lâm), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), Tống Trân (Phù Cừ), Hoàng Hoa Thám (Ân Thi)… Điều này một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của chèo, mở ra một hướng đi trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của chèo trong giai đoạn hiện nay.

HOÀNG THỊ THANH MAI

Theo Báo Hưng Yên

 

 

Tin liên quan