KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/02/2023 - Lượt xem: 195
Vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học

Việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng, coi đó vừa như một mục tiêu chiến lược, vừa như một giải pháp chủ đạo, cốt yếu để thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học_Ảnh: Tư liệu
1. Ngay từ khi nước nhà chưa giành được độc lập, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa và chỉ rõ văn hóa là một trong ba mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa; đồng thời đưa ra đường lối phát triển văn hóa theo 3 nội dung: dân tộc, khoa học, đại chúng. 
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Đó là một nền văn hóa mang tính đặc thù dân tộc cao. “Thật có tinh thần thuần túy Việt Nam”, trong đó biết thừa hưởng di sản với những “kinh nghiệm tốt của văn hóa Việt Nam xưa và văn hóa nay”, đồng thời biết “học lấy cái hay, cái tốt của thế giới của Tây phương hay Đông phương”(1). Người cũng chỉ ra rằng: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ…. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”. Trên tinh thần đó, Người khẳng định sứ mệnh cao cả: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(2).
Qua mỗi chặng đường cách mạng, Đảng ta luônnhận thứcrõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thứccũng như yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này đem tài năng, trí tuệ phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đảng đã giương cao ngọn cờ chỉ hướng, mở rộng con đường cho đội ngũvăn nghệ sĩ cống hiến tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu quốcvà xây dựng đất nước - với nhiều tác phẩm thực sự trở thành những “tượng đài nhân văn”được ghi nhận và đánh giá cao,là“biên niên sử bằng thơ, ca, nhạc, họa”, “giai điệu tự hào” vang vọng mãi trong tâm hồn các thế hệ.
Đường lối đổi mới của Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Ngay trong thời gian đầu thời kỳ đổi mới, giữa lúc còn muôn vàn khó khăn, hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật (VHNT) đặc biệt xuất sắc đã ra đời, vừa như tiếng kèn xung trận, vừa như ngọn đuốc sáng tạo, góp phần cổ vũ nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng với những mặt trái của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp với tư duy và quán tính văn hóa của một thời kỳ giáo điều, bảo thủ;cổ vũ những nỗ lực, tìm tòi đổi mới, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội.
Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’, sáng 16/12/2022.
Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa - văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó, gian nan nhất chính là cuộc “lột xác”, tự đổi mới để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng trong diễn biến phức tạp khôn lường của cơ chế thị trường. 
Sự nghiệp đổi mới của chúng tađã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3), trong đó có đóng góp của giới văn nghệ sĩ, trí thức.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” là một trong những phương hướng chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, theo đó cần “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng. Trước đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng xác định “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc …”(4). Theo đó, mục tiêu cụ thể số một của chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam gắn với phát triển con người Việt Nam là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
2. Một trong những chức năng quan trọng của VHNT là giáo dục. Thông qua giáo dục mà các giá trị cốt lõi của xã hội, của dân tộc, của nhân loại được nhận thức, thẩm thấu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và lan tỏa trong xã hội; đồng thời, những giá trị tốt đẹp sẽ không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng và củng cố nhân cách của cá nhân và cộng đồng.
Dưới hình thức văn học dân gian, văn học đã tham gia giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa con người từ tuổi ấu thơ qua lời ru của mẹ, lời răn dạy của cha, chuyện kể của ông bà và những trò chơi dân gian phong phú. Đến khi tới trường, các tác phẩm VHNTtiếp tục đóng vai trò giáo dục rất quan trọng, không chỉ giới hạn trong các môn học ngữ văn, lịch sử, đạo dức, giáo dục công dân mà còn qua nhiều nội dung của các hoạt động giáo dục khác nhau. Bệ đỡ cho hai môi trường giáo dục nói trên chính là giáo dục xã hội, mà ở đó các tác phẩm VHNTchính là “món ăn tinh thần”, không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu giải trí mà còn nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, năng lực văn hóa, năng lực xã hội, chăm lo nền tảng đạo đức xã hội - tức là thông qua nhiều cách thức để can thiệp, định hướng hệ giá trị, sàng lọc giá trị, bồi đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp, giảm thiểu và loại bỏ dần những giá trị không phù hợp, khuyến khích và nuôi dưỡng sự hình thành những giá trị mới, tiến bộ…
VHNT không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của quần chúng, tức là không chỉ nói thay tiếng nói của nhân dân bằng ngôn ngữ VHNT. Cao hơn thế, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” - VHNT hướng quần chúng, dẫn dắt nhân dân vươn tới những giá trị cao quý, tương lai tươi sáng và khát vọng chân chính. 
3. Có thể nói, từ sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, giới văn nghệ sĩ nước nhà thoát ra khỏi tình trạng bế tắc; cùng dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Ở đó, bằng tài năng văn chương, nghệ thuật xuất sắc, thế hệ văn nghệ sĩ hiện đại tiên phong đã có những cống hiến rất đặc biệt, tiêu biểu như những sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Văn Cao, Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu.v.v..
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã luôn đồng hành cùng toàn dân, dũng cảm, hy sinh, tạo ra một giá trị tinh thần to lớn với hàng ngàn tác phẩm VHNT, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Thành tựu to lớn, toàn diện và đóng góp có tầm vóc, có ý nghĩa lịch sử của văn nghệ sĩ vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chế độ mới trong suốt 30 năm (1945-1975) đã được Đảng và nhân dân trân trọng ghi nhận. 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa, VHNT Việt Nam đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện với những thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học đáng suy ngẫm. 
Nhìn lại gần bốn thập niên đổi mới đất nước, chúng ta đều có thể thấy rằng đó là những chặng đường đầy chông gai, khó khăn phức tạp bộn bề và cả những thách thức sống còn đối với vận mệnh của quốc gia, của chế độ. Vượt qua tất cả những thách thức, hiểm nguy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên những kỳ tích mới.
Thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước chính là nguồn cảm hứng vô tận, đồng thời là “trận địa” không kém phần khốc liệt đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. 
Dưới tác động từ những mặt trái của cơ chế thị trường, nền VHNT nước nhà dường như đã bị biến dạng, tỏ ra rất bỡ ngỡ, lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập; dường như chưa đủ bản lĩnh để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường “kháng thể văn hóa” của dân tộc. Vì thế, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài của một bộ phận không nhỏ nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, bị sa vào xu hướng xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực giải trí. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nói như thế, hoàn toàn không có ý phủ nhận những nỗ lực, thành tựu và đóng góp của giới văn nghệ sĩ vào sự nghiệp đổi mới của dân tộc, mà chỉ muốn nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những hạn chế, bất cập để cùng nhau tiến lên.
Thực tế là trong những thập kỷ vừa qua, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cũng đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi, thử nghiệm, tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới phù hợp hơn với yêu cầu mới của xã hội và thời đại. Đã có những thử nghiệm táo bạo, đưa đến thành công và cả chưa thành công trong các lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, múa...
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành cho sự nghiệp văn hóa-văn nghệ và giới văn nghệ sĩsự quan tâm đặc biệt. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có thể coi là cương lĩnh văn hóa mới của Đảng, mở đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tiếp đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW(2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới nêu rõ: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…”. Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2014) xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”(5)… Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.
4Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan của hiện tượng “chững lại” và thực trạng VHNT Việt Nam những năm vừa qua. Quan sát rộng ra, có thể thấy những gì nền VHNT của chúng ta đã và đang trải qua cũng đã và đang diễn ra ở nhiều nước và khu vực trên thế giới. Tức là, có những vấn đề mang tính quy luật, khó tránh khỏi. Nguyên nhân sâu xa là những chuyển biến sâu sắc, rộng rãi và mau lẹ của thế giới trong kỷ nguyên “hậu hiện đại” và toàn cầu hóa. Ở đó các hệ giá trị truyền thống, bao gồm cả những giá trị phổ quát của nhân loại đã và đang bị thách thức nghiêm trọng, có những giá trị bị đảo lộn, xói mòn, thậm chí bị phủ nhận. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin - truyền thông, quan niệm “sống gấp” và muôn vàn hình thức kết nối toàn cầu đã khiến cho những sự cọ xát về giá trị, những trào lưu văn hóa, văn chương, nghệ thuật “mới”, “độc”, “lạ”, “phi biên giới” nhanh chóng lan truyền khắp toàn cầu, mạnh mẽ và áp đảo hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây.
Về chủ quan, cần nêu ra một số nguyên nhân quan trọng như sau: 
Một là, về nhận thức. Không chỉ các cấp quản lý, ngành, địa phương, mà ngay cả cộng đồng và thậm chí trong gia đình còn chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung, VHNT nói riêng. Trong chặng đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được khi chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng sau đó, cả một thời gian dài, dưới áp lực tăng trưởng và tác động của kinh tế thị trường, toànxã hội vẫn đặt ưu tiên tuyệt đối cho các mục tiêu kinh tế mà “bỏ quên” văn hóa.
Hai là, về cơ chế lãnh đạo, quản lý. Chúng ta chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Nói cho chính xác, điều chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thay vào đó là cơ chế chi phối sự vận hành của nền VHNT vừa vẫn mang nặng dấu ấn tập trung, quan liêu, bao cấp, vừa lai tạp những yếu tố tự phát kiểu “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường, khiến cho các nỗ lực đổi mới trở nên nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn, lạc hướng. 
Ba là, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, VHNT còn rất thấp. Điều này thực chất bắt nguồn từ hai nguyên nhân nêu trên, khiến cho nguồn lực đầu tư vừa rất nhỏ, chưa đa dạng hóa; thiếu trọng tâm trọng điểm, manh mún, cào bằng. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.
Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Trong ảnh: Đua thuyền trong lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào, tỉnh Hải Dương)_Ảnh: Tư liệu
Bốn là, thiếu sự chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân văn nghệ sĩ. Phần đông văn nghệ sĩ còn thụ động, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và thế giới; một số thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy Theo các thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân, trước mắt... 
Trên cơ sở nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp để VHNTcó những đóng góp tương xứng hơn với kỳ vọng của Đảng và nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học:
Thứ nhất, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển VHNT vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. 
Dẫu còn có những ý kiến khác nhau về “tính hai mặt” của công nghiệp văn hóa thì phát triển công nghiệp văn hóa vẫn là lựa chọn tất yếu, không thể từ nan của các quốc gia - dân tộc. Chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn.Vấn đề là phát triển công nghiệp văn hóa như thế nào?
Đương nhiên, công nghiệp văn hóa là một phần của kinh tế thị trường và nguyên tắc số một là phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, không được quên rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và nền văn hóa Việt Nam phải đảm bảo tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có nghĩa là chúng ta không được phép thả nổi toàn bộ lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cho sự điều tiết tự phát của kinh tế thị trường theo nguyên tắc “bàn tay vô hình”. Cần phải nghiên cứu và khu biệt những phân khúc của từng loại hình VHNT; từng nhóm, loại chủ đề, vấn đề và từng nhóm văn nghệ sĩ để có phương án tổ chức, lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ đầu tưđúng tầm đúng hướng. Đây là nguyên tắc mà nhiều nước, kể cả những nước không theo chế độ XHCN đã và đang thực hiện. 
Mặt khác, cần có những giải pháp mangtính nguyên tắc để bảo vệ người đọc, người nghe, người xem, người hưởng thụ trước những sản phẩm không phù hợp, độc hại, nhất là những sản phẩm nhập ngoại. 
Quan trọng nhất là phải tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩmVHNTcủa các tầng lớp nhân dân. Đây là giải pháp hướng tới mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo phúc lợi văn hóa của nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền, các nhóm xã hội khác nhau; đồng thời mở rộng và phát triển thị trường bền vững cho công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thứ hai, chú trọng đến giải pháp giáo dục. 
Đây là biện pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất để gây ảnh hưởng, tác động tích cực lên hệ giá trị, nền tảng đạo đức, lối sống cũng như thái độ và ứng xử văn hóa của con người. Toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Trong quá trình đó, những môn học liên quan đến VHNTđã được quan tâm, đổi mới hơn so với trước đây. Tuy nhiên, giáo dục VHNTở môi trường gia đình và xã hội lại đang có những bất cập, phức tạp. Nhiều thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay không còn biết hát ru, không thuộc ca dao, cổ tích… Bởi họ vốn lớn lên bằng truyện tranh, nhạc và phim nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc đơn giản là họ không có thời gian cho giáo dục con trẻ. Trong xã hội thì game online, mạng xã hội và nhiều tác nhân khác, vì mục đích kiếm tiền, đã không ngừng nhả ra các “nọc độc” phản văn hóa, phi văn hóa. Vì vậy, cấp bách nhất vẫn phải là hoàn thiện thể chế để đảm bảo kỷ cương, tạo môi trường cho VHNT có thể “khuyến thiện, trừng ác” theo chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình.
Thứ ba, chăm lo hơn nữa cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới.
Yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ đích thực. Vì thế, tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần phải được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo; được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng trong môi trường thuận lợi. Đây chính là nhóm giải pháp cốt lõi nhất để đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” phát huy tài năng, tâm huyết; dấn thân và cống hiến hết mình cho Tổ quốc và nhân dân; mang lại lợi ích cùng những giá trị chân - thiện - mỹ cho xã hội./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
_______________________
(1) Hồ Chí Minh - Bàn về công tác Văn hóa văn nghệ. Nxb.Sự thật, H, 1971, tr.71-72.
(2) Báo Cứu quốc, số 416, ra ngày 25/11/1946.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.I, tr.25.
(4) (5) Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Tin liên quan