KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 28/05/2021 - Lượt xem: 80
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ngăn chặn các tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á

Ngày 27-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Hoa Kỳ G.Bai-đơn ký đạo luật cấm kỳ thị người Mỹ gốc Á, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc bảo đảm đời sống ổn định, an ninh, an toàn và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành Ðạo luật về các tội ác thù hận Covid-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân các nước tại Hoa Kỳ, được bảo đảm an toàn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm để tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
* Trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ mới, trong đó có việc gia nhập thêm các công ước của ILO, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động. Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác quốc tế về lao động và nguồn nhân lực. Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm bảy trong tổng số tám công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.
Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập thêm 15 công ước của ILO, trong đó có công ước cơ bản còn lại về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức như theo cam kết, và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, ngày 20-5, Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới.
* Ngày 27-5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) ASEAN Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Mô-ri Ta-kê-ô đồng chủ trì Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản lần thứ 36, hội nghị hằng năm cấp Thứ trưởng, theo hình thức trực tuyến.
Trong vai trò đồng chủ trì Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản đối với hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực; nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị ASEAN và Nhật Bản tăng cường phối hợp duy trì trao đổi thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng nhằm khắc phục các tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi; đồng thời đề nghị hai bên phối hợp bảo đảm hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đề cao luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thứ trưởng khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Ðông; mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Biển Ðông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, cũng như vai trò của ASEAN trong hỗ trợ Mi-an-ma.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Mô-ri Ta-kê-ô khẳng định, Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN...
* Theo TTXVN, tại hội thảo khoa học "Ðảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng đất nước và kết quả Ðại hội Ðảng lần thứ XIII" do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Ðông, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga tổ chức theo hình thức trực tuyến, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có ưu thế nổi bật so với nhiều nước láng giềng trong khu vực về bảo đảm ổn định chính trị nội bộ và tính kế thừa liên tục trong quyền lực chính trị. Các nhà khoa học nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, Việt Nam hợp tác hiệu quả với các nước khác trong ASEAN và thiết lập đối thoại với nhiều đối tác quốc tế. Chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam là sự chuẩn bị thuận lợi để đất nước chống chọi tốt với mọi sóng gió của tình hình quốc tế, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam.
* Báo Rusvesna (Nga) ngày 26-5 đăng bài bình luận "Bầu cử tại Việt Nam giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga", nêu bật những kết quả tích cực của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga.  Tác giả bài viết nhấn mạnh Quốc hội khóa XIV đã làm được rất nhiều trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tác giả bài viết tin tưởng rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV tại Việt Nam, cũng như cuộc bầu cử Ðu-ma quốc gia Nga vào mùa thu tới, sự phối hợp giữa quốc hội hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa.
 
* Hãng tin DW (Ðức) dẫn ý kiến của  thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam K.Át-kin-xơn nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mặc dù trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tăng cao và nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng các biện pháp phong tỏa. DW dẫn nhận định của ông K.Át-kin-xơn: Làn sóng dịch mới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhưng trong ba đến bốn tuần nữa, những khu vực công nghiệp sẽ mở cửa trở lại.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan