KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/07/2021 - Lượt xem: 68
Vượt mốc 20 nghìn ca Covid-19, cả nước đồng lòng chống dịch

Sáng 5/7, Việt Nam đã vượt mốc 20 nghìn ca nhiễm Covid-19. Trong đó, chỉ riêng đợt bùng phát dịch lần thứ tư kể từ ngày 27/4 đã ghi nhận gần 17 nghìn ca, gấp gần sáu lần so với tổng số ca nhiễm ba đợt cộng lại.

Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. (Ảnh: DUY LINH)
Đợt tấn công của dịch Covid-19 lần thứ tư nhanh, mạnh và trên diện rộng đã khiến mầm bệnh lan tới 55 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố miền bắc gánh chịu những tác động nặng nề của đợt dịch trong hai tháng đầu tiên và sau đó, dịch lần lượt tấn công các địa phương tại miền nam và miền trung. Nhiều tỉnh trước nay “sạch bóng” Covid-19 như Phú Yên, Lâm Đồng, Bến Tre… cũng không tránh được tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Delta. Ngành y tế nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu thấm đòn Covid-19.
Từ con số gần 3.000 ca mắc của ba đợt dịch, chỉ với đợt bùng phát dịch lần 4, con số này đã biến động rất nhanh thành hàng chục nghìn ca chỉ trong hơn hai tháng. Đến nay, Việt Nam đã vượt mốc 20 nghìn ca nhiễm mới, trong đó TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 6.209 ca, tiếp theo là Bắc Giang với 5.713 ca. 
Đầu tháng 5, các tỉnh phía bắc, trong đó có hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh rơi vào cuộc khủng hoảng vì sự tấn công của đại dịch. Các khu công nghiệp bị tê liệt, hàng trăm nghìn công nhân phải cách ly, thất nghiệp dài ngày. 
Bắc Giang liên tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm với hàng trăm ca nhiễm/ngày. Các khu cách ly tập trung bị quá tải, tỷ lệ F1 thành F0 chiếm tới 50-70%. Số bệnh nhân mắc bệnh dẫn tới suy hô hấp, diễn biến nặng tăng nhanh so với các đợt dịch trước. Ngành y tế huy động hơn 2.000 cán bộ y tế, học sinh, sinh viên hỗ trợ cho hai tâm dịch để giúp địa phương nhanh chóng bước qua giai đoạn khủng hoảng. 
Với sự hỗ trợ của cả nước, đặc biệt với những biện pháp mạnh về cách ly, truy vết, xây dựng các Trung tâm hồi sức tích cực, mạnh dạn thí điểm cách ly F1 tại nhà, sau hơn hai tháng, Bắc Giang đã khóa chặt, làm sạch được các ổ dịch lớn. Liên tiếp nhiều ngay qua số ca nhiễm chỉ dừng ở một con số. 
Trong những ngày qua, ngành y tế có thể tạm thời yên tâm đã phần nào khống chế được dịch tại các tỉnh, thành phố phía bắc, chuẩn bị cho các khu công nghiệp hoạt động trở lại. Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh với nhiều ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới. Một số địa phương khác như Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng... đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Thế nhưng, mối lo ngại lại gia tăng trở lại khi nổi lên một số điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền đông. Tại đây, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Cuộc dịch chuyển bất ngờ vào các tỉnh phía nam của dịch Covid-19 khiến TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận phải hứng chịu đợt tấn công mạnh nhất của Covid-19 với số ca đứng đầu cả nước.
Từ đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát đợt lây nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Thành trì đầy tiềm lực và vững vàng trong chống dịch từ trước đến nay chịu nhiều ảnh hưởng khi phải căng thẳng truy vết, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong nhiều ngày liên tiếp, TP Hồ Chí Minh phát hiện 400-500 ca nhiễm/ngày, đỉnh điểm có ngày lên tới hơn 700 ca nhiễm – một con số kỷ lục của Việt Nam. Chỉ tính riêng đợt dịch này, địa bàn đã phát hiện tới hơn 6.000 ca nhiễm mới, đứng đầu cả nước. 
Trước sự tấn công ồ ạt, dồn dập của virus biến thể Delta, thay đổi biện pháp chống dịch là vấn đề sống còn. Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp trong xét nghiệm, truy vết, cách ly, phân chia các cơ sở điều trị….
Một trong những thay đổi mạnh mẽ là thực hiện cách ly F1 tại nhà. Biện pháp này đã giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt quan trọng góp phần làm giảm lây nhiễm chéo. Đây là bài học thành công nhìn thấy rõ rệt của Bắc Giang. Hiện TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang thí điểm triển khai với hy vọng sớm dập tắt nguồn lây trong khu cách ly.
Test kháng nguyên nhanh cũng là một trong những biện pháp được Bộ Y tế đặt ra khẩn trương để thần tốc truy vết, đưa ngay ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng trong thời gian nhanh nhất. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả tại Bắc Giang và nay tiếp tục được triển khai ở nhiều tâm dịch khác.
Mỗi địa phương đều có những triển khai khác nhau để làm sao chống dịch hiệu quả nhất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, truy vết, khoanh gọn các vùng dịch.
Hơn lúc nào hết, để có được được vũ khí bảo vệ trước làn sóng tấn công dồn dập của Covid-19, Việt Nam đang triển khai một chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. 
Với mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, Bộ Y tế cũng đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để triển khai hiệu quả quy trình tiêm chủng. Đặc biệt, trong đó ngành y tế yêu cầu phải khám sàng lọc phân loại đối tượng tiêm chủng, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai biến, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào chiến dịch tiêm chủng. Và hẳn nhiên, để có được chiến dịch quy mô này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các lực lượng khác.
Thực tế, với chiến dịch tiêm chủng cho hàng trăm nghìn công nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh và gần 800 nghìn mũi tiêm thần tốc trong một tuần tại TP Hồ Chí Minh đã cho thấy những nỗ lực hết sức của ngành y tế để nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng cho những khu vực có nhiều nguy cơ.
Cùng với "5K", Việt Nam đang cố gắng có được "vũ khí" tăng miễn dịch cộng đồng bằng vaccine. Trong đợt dịch này, bên cạnh những nỗ lực đàm phán với nhiều nước để có được nguồn vaccine cho Việt Nam sớm nhất, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tiến tới chủ động nguồn cung vaccine. Để tiếp thêm sức mạnh cho việc tiếp cận sớm vaccine, tiến tới hơn 70% dân số được tiêm, việc chung tay ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân cả nước cũng đóng vai trò quan trọng. 
Chỉ sau hơn một tháng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, quỹ đã tiếp nhận hơn tám nghìn tỷ đồng từ sự ủng hộ của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ vaccine sẽ phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Hoạt động này lan toả mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần đoàn kết, cả nước chung tay cùng Chính phủ  "Vì một Việt Nam khỏe mạnh".
Đợt bùng phát dịch lần này có những diễn biến chưa có tiền lệ, nhưng càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm. Chưa đợt dịch nào, ngành y tế huy động lực lượng nhân viên y tế lên tới hàng nghìn người hỗ trợ các tâm dịch lớn trên mọi mặt trận từ truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...
Cả nước cùng chung tay, tương trợ nhau bằng nhiều hoạt động ý nghĩa về cả vật chất và tinh thần, làm ấm lòng những người ở tuyến đầu chống dịch. Trong lần bùng phát dịch tại các tỉnh, thành phố phía nam, các đoàn hỗ trợ y tế của nhiều địa phương vẫn đang hướng về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp... để tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng tại đây. 
Về mặt tổng thể, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trong đó, việc khoanh vùng, giãn cách xã hội, phong tỏa từng điểm dịch nhỏ, không “ngăn sông, cấm chợ” đã giúp cho Việt Nam đạt được mục tiêu trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện “vừa sản xuất, vừa chống dịch” tại các nhà máy, khu công nghiệp.
 
Điều mà cả nước đang cùng dốc sức lúc này, là hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam có được chiến dịch chống dịch bài bản, thần tốc truy vết mầm bệnh, khóa chặt các đường lây. Có như vậy, khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng với hơn 70% dân số được tiêm chủng, chúng ta mới sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan