KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/05/2015 - Lượt xem: 138
Xã Bảo Khê: Khai mạc lễ hội đền Tân La

Sáng ngày 3/5/2015 (tức ngày 15/3 âm lịch), tại đền Tân La (thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên), Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Bảo Khê đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục.

Tại lễ dâng hương, các đại biểu đã cùng ôn lại công lao to lớn của Bà nữ tướng Vũ Thị Thục, một vị tướng xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại quân Đông  Hán xâm lược nước ta thời kỳ Bắc thuộc những năm 40 sau công nguyên.

Bát Nàn tướng quân tên là Vũ Thị Thục, thân phụ là Vũ Công Chất, hào trưởng trang Phượng Lâu; thân mẫu là Hoàng Thị Mầu thuộc châu Bạch Hạc. Gia đình có nghề làm thuốc, thường tới vùng rừng núi hái thuốc và cứu nhân độ thế. Nghe tiếng Thục Nương xinh đẹp, giỏi võ nghệ, Thái thú Giao Chỉ lúc đó là Tô Định đã ép cha bà gả con gái cho hắn. Hào trưởng Vũ Công Chất và Thục Nương không đồng ý vì đã nhận trầu cau của người khác, Tô Định liền tìm cách hại gia đình và tìm cách bắt Thục Nương. Bà đã bỏ trốn sang vùng Tân La chiêu mộ binh mã chống lại. Tô Định nhiều lần cho quân tiến đánh nhưng đều thất bại, không dám bén mảng tới căn cứ.

Khi Hai Bà Trưng chuẩn bị khởi nghĩa ở Mê Linh đã cho sứ giả đem hịch cho Thục Nương đưa quân bảo hộ gia nhập đội quân khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Thục Nương được phong là Đại tướng trưởng lĩnh tiền đạo, lập nhiều chiến công nên được phong là Đông Nhung Đại tướng quân. Dẹp xong giặc Tô Định, Trưng Trắc xưng vương đóng đô ở Mê Linh và phong cho Vũ Thị Thục là Bát Nàn Đại tướng quân Trinh Thục công chúa. Khi Mã Viện đưa quân sang xâm lược, Thục Nương lại sát cánh chiến đấu bên cạnh Hai Bà Trưng ở Lẵng Bạc, Cấm Khê. Khi Hai Bà Trưng tự vẫn, Vũ Thị Thục rút quân về vùng Tân La và chiến đấu ngoan cường…

Bát Nàn tướng quân mất ngày 16 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Để ghi nhớ công ơn của Bà, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm từ 15/3 đến 17/3 âm lịch, cứ 5 năm lại tổ chức lễ hội với quy mô lớn, trọng thể.

Năm nay, cùng với các nghi thức thờ cúng truyền thống được tái hiện qua phần lễ với việc diễn xướng lại các tục lệ, tổ chức rước nước từ sông Hồng về đền, rước kiệu… do các bậc cao niên tiến hành, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co, cầu kiều và biểu diễn văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Đăng Khôi

 

Tin liên quan