KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/08/2021 - Lượt xem: 131
Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hội đồng cần tìm ra giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn đọng, yếu kém trong quá trình hoạt động. Trong đó, chú trọng việc xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng, nhạy bén với thực tiễn;

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Ngày 20/8, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương để nghe các báo cáo về kết quả hoạt động; những khó khăn, vướng mắc của Hội đồng trong thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trong thời gian qua và phương hướng công tác trong thời gian tới. Đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, có thể khẳng định, Hội đồng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước một số vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp góp phần giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong đời sống văn học, nghệ thuật, đề xuất nội dung, phương thức hoạt động phù hợp; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học toàn quốc, tọa đàm khoa học chuyên sâu, các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức ngày một tốt hơn công tác xét tặng thưởng, hỗ trợ thường niên đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng; chủ động tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Bí thư cũng như đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giao...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận đời sống văn học, nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay phải đối mặt không ít thách thức, khó khăn như: Sự chống phá của các thế lực thù địch với những thủ đoạn, hình thức hết sức tinh vi, gây ra dao động đến tư tưởng, lập trường của một số văn nghệ sĩ; xu hướng giật gân, câu khách, thẩm mỹ lệch lạc; tình trạng “lượng nhiều, chất ít”, một thời gian dài chưa có tác phẩm đỉnh cao phản ánh sinh động, chân thực các thành quả cách mạng và sự đổi mới, phát triển không ngừng của đất nước, con người Việt Nam... Thực tiễn đó đòi hỏi cần có đội ngũ những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc; cần vai trò kết nối, quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, trân trọng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực cùng những kết quả mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đạt được trong những năm qua.Về phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Lý luận, phê bình văn hoc, nghệ thuật Trung ương đặt trọng tâm thực hiện một số chương trình lớn để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện quan trọng khác của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm hoàn thành tốt chức năng tư vấn chuyên sâu như: tham gia phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; góp phần tuyên truyền đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện quan trọng khác; xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay) và nhiều công việc khác...
Trước đòi hỏi của thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật,  đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, tích cực phối hợp với các Ban, bộ, ngành và các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí đề nghị, Hội đồng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Hội đồng cần tìm ra giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn đọng, yếu kém trong quá trình hoạt động. Trong đó, chú trọng việc xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng, nhạy bén với thực tiễn; làm tốt công tác định hướng, sáng tạo, định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận.
Trong thời gian tới, Hội đồng cũng cần xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; tập trung thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật giai đoạn 2 để hoàn thành nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tư vấn và đề xuất với Đảng và Nhà nước Chương trình dịch thuật quốc gia nhằm chọn lọc, dịch thuật và giới thiệu một cách có hệ thống, có kế hoạch các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới, làm co sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy…
 
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cần bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ và trong từng năm của Hội đồng; tiếp tục góp phần tổng kết và xây dựng nền lý luận văn nghệ của Việt Nam. Ngoài ra, Hội đồng cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn Lâm KHXH,  Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật… thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.../.
Nguồn: dangcongsan.vn
Tin liên quan