Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị số 49-CT/TW), công tác xây dựng gia đình của tỉnh Hưng Yên đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền có sự chuyển biến tích cực, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án với các mục tiêu, giải pháp, chỉ tiêu cụ thể về công tác gia đình; lồng ghép công tác gia đình vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương, đơn vị. Nhân dân ngày càng có ý thức hơn trong xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm được gắn kết, các mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp; kinh tế hộ gia đình từng bước phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo; việc hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt được những thành tích nhất định, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ.
Công tác vận động, tuyên truyền được triển khai đều khắp, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp hàng năm phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn... nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3)… Qua đó, vận động các gia đình trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nắm vững các phương pháp, kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan; tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên... Trong 15 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 1 nghìn lớp tập huấn, bồi dưỡng về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; in ấn, cấp phát trên 3 vạn cuốn tài liệu hỏi đáp, sổ tay về công tác gia đình; gần 40 vạn tờ gấp về kiến thức gia đình. Biên tập, in ấn và luân chuyển trên 2 nghìn đĩa CD có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; biên tập, đăng tải, phát sóng hơn 5 nghìn tin, bài, phóng sự về công tác gia đình. Ngành Văn hóa tổ chức tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan như: treo băng rôn, pano, dàn dựng các chương trình văn hóa, văn nghệ với chủ đề xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm... Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình và xã hội sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến nay đã thực sự trở thành phong trào văn hóa lớn, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, gia đình hạnh phúc đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện và ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng cả số lượng và chất lượng. Đến nay, trên 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; trên 88% làng, khu phố văn hóa. Đã có nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, anh em thuận hòa, sống có trách nhiệm. Có những gia đình 3 - 4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn hòa thuận, hạnh phúc. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có trên 56,3 nghìn lượt gia đình đạt danh hiệu gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”; hàng chục gia đình được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh...
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều xã, phường, thị trấn thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với hàng trăm câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; trên 400 tổ hòa giải về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; trên 100 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình... Cùng với các biện pháp xử lý đối với người gây bạo lực gia đình, việc tổ chức các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân cũng được quan tâm kịp thời. Các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể còn thực hiện nhiều chủ trương, chính sách vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo đạt kết quả tốt. Chất lượng cuộc sống mỗi gia đình ngày càng được nâng lên; đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, cơ sở vật chất được chăm lo xây dựng. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, hộ khá, giàu tăng hàng năm. Người nghèo, người cận nghèo được đáp ứng nhu cầu xã hội cơ bản như: nhà ở, thông tin, nước sạch, giáo dục, y tế…; 100% xã, phường, thị trấn được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Chỉ thị số 49-CT/TW và Thông báo kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác gia đình; phát huy vai trò và trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách về gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi, vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; củng cố, kiện toàn và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để làm tốt việc quản lý giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Ngọc Tú