Việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên đang ngày càng trở nên bức thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch và tiềm năng sẵn có trong tỉnh.
Hưng Yên là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, không có rừng, núi và biển, nằm ở phía Đông Nam và liền kề với Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có diện tích 923,09 km2, với số dân gần 1,2 triệu người, gồm 9 huyện (Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ ) và Thành phố Hưng Yên với 161 xã, phường, thị trấn.
Lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch
Vào thế kỷ XVI, XVII, Hưng Yên là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến - một thương cảng lớn nhất ở Đàng Ngoài. Nơi đây nổi tiếng với câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", từng được ví như một "Tiểu Tràng An" của Việt Nam với 23 phố, phường. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.210 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 01 khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 161 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 188 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch.
Tỉnh Hưng Yên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch: có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước, có những khu di tích lịch sử văn hoá nối tiếng, tiêu biểu như: Cụm di tích Phố Hiến (Thành phố Hưng Yên) nằm ở bên bờ sông Hồng, nơi đây là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh Hưng Yên xưa và nay. Các di tích lịch sử văn hoá Phố Hiến được hình thành bởi sự phong phú về phong tục tập quán của người Việt, người Hoa, người Nhật và người Châu Âu. Phố Hiến nổi tiếng với các di tích chùa Chuông, chùa Phố, chùa Hiến, đình Hiến, đền Mây, Văn Miếu, đền Trần, đền Mẫu, Đông Đô Quảng Hội, chùa Nễ Châu, hồ Bán Nguyệt... Cụm di tích này đã được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 và đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Ở phía Tây Bắc của tỉnh là Cụm di tích Đa Hoà - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu). Cụm di tích này cũng nằm cạnh bên bờ sông Hồng - nơi thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Sa công chúa (thiên tình sử đẹp nhất trong văn học dân gian Việt Nam). Di tích đền Đa Hoà, xã Bình Minh; đền Hoá, xã Dạ Trạch được Nhà nước xếp hạng, là một trong những di tích lịch sử văn hoá quan trọng của quốc gia. Khu vực này cũng có cảnh quan rất đẹp, khí hậu trong lành... Ở phía Đông Bắc của tỉnh có Cụm di tích đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão; ngoài ra nơi đây còn có một số công trình nghệ thuật bằng đá thời Lê thế kỷ thứ XVII, đó là lăng Vũ Hồng Lượng. Ở phía Đông Nam của tỉnh có Cụm di tích Tống Trân - Cúc Hoa (xã Tống Trân và xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ) - nơi thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân và nàng Cúc Hoa xinh đẹp, cần cù, chịu khó, thuỷ chung, hiếu thảo...
Ngoài ra, Hưng Yên còn có một hệ thống các nhà tưởng niệm như: Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, là nơi tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người con của quê hương Hưng Yên - Nhà lãnh đạo cách mạng kiên định và sáng tạo của Đảng và nhân dân Việt Nam, có công lao lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu; Khu tưởng niệm tướng quân Nguyễn Thiện Thuật (Lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy) ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào; Nhà tưởng niệm Hoàng Hoa Thám (lãnh tụ khởi nghĩa Yên Thế) ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ; Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Văn Lương ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.
Ngoài những di tích lịch sử văn hóa, Hưng Yên còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu chèo, ca trù, trống quân... mượt mà, đằm thắm. Hưng Yên còn có các làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Đại Đồng, làng chạm bạc Phù Ủng, làng nghề mây tre đan, dệt thảm, thêu ren, làng nghề làm hương xạ Cao Thôn. Nói đến Hưng Yên không thể quên được nhãn lồng Phố Hiến, cùng nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác như: hạt sen, chè hạt sen long nhãn, cam đường canh, bún thang thế kỷ, ếch om Phượng Tường, tương bần, gà Đông Tảo, bánh rănh bừa, bánh cuốn... đều là những sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Hưng Yên.
Trong thời gian qua, Hưng Yên đã có những nỗ lực nhất định trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hưmg Yên đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng. Vì vậy, hình ảnh và sản phẩm du lịch của Hưng Yên ít nhiều đã đến được với du khách trong và ngoài nước.
Với sự nỗ lực tập trung để phát triển thu hút khách du lịch, trong những năm qua số lượt khách du lịch đến Hưng Yên đã có những bước tăng trưởng đáng kể qua các năm. Năm 2010, tổng lượt khách du lịch đến Hưng Yên đạt hơn 160.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 5.800 lượt. Đến năm 2014, tổng lượng khách du lịch đến Hưng Yên đạt hơn 319.000 lượt khách và tăng 11% so với năm 2013, trong đó lượt khách quốc tế đạt 9.650 lượt khách, tăng 10% so với năm 2013. Doanh thu du lịch năm 2014 đạt gần 100 tỷ đồng.
Hiện tại, cơ cấu sản phẩm du lịch của Hưng Yên mới chủ yếu tập trung ở các loại hình du lịch văn hoá như: du lịch tham quan di tích lịch sử văn hoá; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng (Phố Hiến - Đa Hoà, Dạ Trạch - Làng gốm Bát Tràng - Hà Nội)...
Với tiềm năng du lịch dồi dào và lợi thế về vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Hưng Yên đang và sẽ trở thành một điểm du lịch độc đáo và là điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch trong và ngoài nước, mà nổi bật là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bề dày về di sản, văn hóa, di tích lịch sử độc đáo của các cộng đồng dân cư. Nếu được định hướng và đầu tư phát triển một cách hợp lý thì đây sẽ là các yếu tố quyết định để phát triển ngành du lịch Hưng Yên lên một tầm cao mới. Hưng Yên đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Hội thảo "Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên" ngày 25/8
Trước bối cảnh đó, việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên đang ngày càng trở nên bức thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch và tiềm năng sẵn có trong tỉnh.
PVN