Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản. Để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản, ứng phó kịp thời với dịch bệnh, các cấp, các ngành, địa phương của huyện Yên Mỹ đã và đang tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực chế biến nông sản; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản...
Một điểm bán hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Yên Mỹ Huyện Yên Mỹ hiện có trên 3 nghìn ha đất nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng nông sản chính như: Gạo, gà, vịt, rau màu, quất, ổi… Trong đó, nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Rau màu, quất cảnh, gà, vịt. Anh Trịnh Kế Hoàng, một hộ chăn nuôi ở xã Yên Hòa cho biết: “Hiện trang trại của gia đình tôi có trên 1.000 con gà và gần 500 con lợn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, sức tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi giảm mạnh. Có những thời điểm, giá gia cầm bán ra chỉ bằng một nửa các năm trước. Tại xã Hoàn Long, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều hộ trồng quất cảnh trên địa bàn xã bị thất thu do thực hiện giãn cách xã hội, thương lái hủy đơn đặt hàng. Theo thống kê của UBND xã, có khoảng 10% diện tích trồng quất cảnh của người dân không tiêu thụ được trong dịp Tết vừa qua.
Theo đánh giá của ngành chức năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, giá nông sản trên địa bàn huyện Yên Mỹ giảm 10 - 20% so với thời điểm trước đó. Đầu tháng 2.2021, sau khi trên địa bàn huyện xuất hiện các ca bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2, huyện Yên Mỹ đã thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa 1 xã trên địa bàn để phòng, chống dịch. Do vậy, chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản của người dân bị hạn chế. Thương lái bỏ mối, doanh nghiệp e ngại làm cho nông sản bị ứ đọng, mất giá; trong khi đó, công nghệ, cơ sở hạ tầng để bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế.
Trước yêu cầu cấp bách về tiêu thụ nông sản trước và sau Tết Nguyên đán, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp các địa phương bố trí điểm bán hàng nhằm hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu mua sắm và tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cho người dân; kết nối với một số doanh nghiệp, thương lái, siêu thị giúp bà con tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, huyện thực hiện nhiều biện pháp, bảo đảm hàng hóa lưu thông đến được với người tiêu dùng khi thực hiện giãn cách xã hội, tránh tình trạng khan hiếm và tăng giá lương thực, thực phẩm, như: Chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 hỗ trợ, ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đi và đến địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ trang, thiết bị bảo hộ bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch cho thương lái vào địa bàn huyện thu mua nông sản; chủ động xây dựng phương án, tổ chức vận động cán bộ, công chức; các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ các loại nông sản, thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho nhân dân, các gia đình chính sách, khó khăn trong các vùng bị cách ly, phong tỏa… Tại xã Yên Phú, sau khi bị phong tỏa theo quy định do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã đã thiết lập điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu bình ổn giá với những sản phẩm nông nghiệp được cung ứng từ các hộ chăn nuôi, sản xuất trên địa bàn. Từ ngày 10.2 đến nay, điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu bình ổn giá đã cung cấp trên 6 tấn gạo, gần 2 tấn thịt lợn, trên 500kg khoai tây, trên 3 nghìn quả trứng gà, vịt… Bên cạnh đó, Huyện đoàn Yên Mỹ cũng phát động các điểm bán hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân của xã Yên Phú. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 10 điểm bán hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản do Huyện đoàn, Đoàn thanh niên các xã, thị trấn phối hợp với các ngành, đoàn thể, đội thiện nguyện tổ chức. Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ trong dân, huyện khuyến khích các cửa hàng kinh doanh sử dụng một số dịch vụ mua sắm trực tuyến online để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp…
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cần tăng cường áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; điều chỉnh cơ cấu cây trồng thường xuyên bị tác động bởi tình hình thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan để chuyển sang trồng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng trái vụ, rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch, thích ứng với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản...
Nguồn: baohungyen.vn