KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 16/10/2020 - Lượt xem: 129
20 năm làm Bí thư Chi bộ thôn

Ở tuổi “bẻ gẫy sừng bò”, đang học lớp 9/10, anh Nguyễn Ngọc Hoa, ở thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã viết đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tháng 11/1978, ở đơn vị sư đoàn 327 đóng tại Lạng Sơn, anh đã cùng đồng đội bảo vệ Tổ quốc tại Đập tràn, bản Ngà, huyện Chi Lăng. Lập thành tích trong chiến đấu, anh được kết nạp vào Đảng trong quân ngũ. Cuối năm 1982 anh được xuất ngũ.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương anh tích cực tham gia công tác xã hội, qua nhiều cương vị như Bí thư chi đoàn, Tổ quản lý điện của xã; Thư ký, Đội phó đội sản xuất và chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Năm 1998, anh tham gia Chi ủy thôn, và từ năm 2000 đến nay làm Bí thư Chi bộ thôn. Thôn có 170 hộ với trên 800 nhân khẩu. Quê anh bên bờ sông Hồng, mỗi mùa mưa lũ rất vất, chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã hạn, đời sống người dân chủ yếu trông vào trồng lúa, ngô, rau mầu và làm nghề phụ nhỏ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Năm 2004 - 2005, Nhà nước có chủ trương dồn điền đổi thửa, vì điều kiện đất bãi, chỗ cao, chỗ thấp, xấu, đẹp khác nhau nên việc dồn thửa đổi ruộng mất rất nhiều công sức, anh cùng Chi ủy, các đoàn thể đi tuyên truyền vận động, phân tích cái hay, cái tốt, cái lợi lâu dài, kế tiếp đó là phải đi vận động từng gia đình, với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, gia đình anh và một só cán bộ đảng viên làm trước, phải tổ chức tới 10 cuộc họp dân mới nghe.
Sau khi dồn thửa, đổi ruộng xong, anh cho họp chi bộ, cùng lãnh đạo thôn và các đoàn thể vận động nhân dân nuôi, trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, hợp với thổ nhưỡng của địa phương và điều kiện của mỗi gia đình. Toàn thôn có 59 mẫu đất canh tác chủ yếu là trồng lúa, ngô rau mầu, khi mới làm nhiều người còn băn khoăn lo lắng, trồng cây gì ? nuôi con gì ? chăm sóc ra sao ? đầu ra của sản phẩm thế nào ? Lại một câu hỏi khó bắt anh phải trả lời. Anh tiếp tục “lên đường” khảo sát thực địa ở đâu thuận trồng cây gì, nuôi con gì để nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu. Đến nay, hầu hết mỗi gia đình có ít nhất vài cây nhãn, nhiều nhà trồng vài sào nhãn; nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi, thầu thêm đất, ao hồ trũng … nhiều nhà cho thu nhập cả trăm triệu đồng, tới vài trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu, như gia đình ông Cao Xuân Tương trồng gần một mẫu nhãn; ông Phạm Văn Báu nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã trồng trên 6 sào bưởi; ông Trần Văn Thanh là hội viên Cựu chiến binh thầu gần 7 sào đất, ao hồ nuôi cá và trồng chuối. Toàn thôn có hơn 200 con bò, nhiều nhà nuôi từ 5 đến 6 con, như gia đình ông Bùi Văn Tiến nuôi 10 con; có hàng chục gia đình đánh mòi trên sông Hồng… Thôn không còn nhà tạm, nhà tranh vách đất, đa số có ti vi, xe máy, 100% số hộ dùng nước sạch bằng giếng khoan hoặc bể nước mưa; hầu hết các gia đình dùng công trình vệ sinh tự hoại, số nghèo còn 4 hộ, hộ giàu trên 30%.
Thôn có tổ Cựu chiến binh tự quản phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đã từ lâu không còn tệ nạn xã hội; không có đơn thư khiếu kiện, người dân phấn khởi xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chi bộ thôn có 29 đảng viên, những năm anh làm bí thư chi bộ đã kết nạp được gần 20 đảng viên mới, nhiều người được bồi dưỡng, giáo dục kết nạp đảng tại thôn đã trưởng thành đi công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Thôn có tổ hòa giải do anh làm tổ trưởng. Các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân hoạt động hiệu quả, hàng năm đều đạt trong sạch vững mạnh, Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh hơn 20 năm liên tục. Vợ anh - chị Phạm Thị Hoa làm chi Hội trưởng Phụ nữ của thôn 25 năm liền. Tháng 3/2020, Đại hội Chi bộ thôn bầu anh làm Bí thư Chi bộ và kiêm trưởng thôn. Như vậy, đến nay anh đã có 20 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ thôn. Một vinh dự với anh là được tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tân Hưng và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Anh tâm sự: Làm việc ở thôn vất vả lắm bởi một “hệ thống” anh, em, cô, dì, chú, bác… dày đặc nếu cứ nghiêng về “Pháp trị” nhiều khi không hiệu quả mà phải dùng tình cảm, nhiều khi phải nịnh, phải nói khéo, “Đức trị”, kiểu “vỗ vai, bảo nhau” là người dân nghe và hiểu, nhưng điều rất quan trọng là phải gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, không nói một đằng làm một nẻo, bỏ cái “tôi” đi thì mới làm được. Tôi có vinh dự được trưởng thành từ anh lính Bác Hồ, tôi vẫn nhớ Bác dặn Bộ đội hậu cần: “Chiến sĩ chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu đói. Chiến sĩ chưa đi ngủ, cán bộ không được kêu mệt”, với lời dạy này áp dụng vào thực tiễn của người cán bộ thôn như tôi rất phù hợp và tôi làm theo.
 
Tô Hùng Thái - Hội Cựu chiến binh tỉnh

 

Tin liên quan