KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 20/05/2015 - Lượt xem: 720
Bác Hồ với phong trào làm thủy lợi ở Hưng Yên

Với cương vị là Chủ tịch nước, bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ luôn dành thời để tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân từ các cháu thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, các cụ già, các nhà khoa học, tiếp khách quốc tế và dành thời gian xuống thăm các địa phương… Đối với Hưng Yên, trong 10 lần vinh dự được đón Bác về thăm, có tới 8 lần Bác quan tâm đến phong trào thủy lợi.

Vì sao như vậy? Bởi Hưng Yên là tỉnh đồng bằng, không có núi, không có biển, nhưng có hệ thống sông Hồng và sông Luộc bao quanh, tạo nên cánh đồng phù sa màu mỡ, “các xã ven sông Hồng và sông Luộc xuất hiện nhiều đầm hồ lớn như Xuân Quan, Văn Phúc, Dạ Trạch, (Châu Giang), Ngọc Thanh (Kim Động), Hoàng Hanh, Tân Hưng, Hồng Nam (Tiên Lữ) (1). Dưới thời phong kiến thực dân, vào các mùa mưa lũ luôn xảy tình trạng vỡ đê, ngập úng, khô hạn. Sử sách còn ghi lại: “ Trong lịch sử, lũ lụt, hạn hán và sâu bệnh là những hiểm họa thường trực với người Hưng Yên. Chỉ tính riêng từ năm 1806 đến năm 1898, trong vòng 92 năm đã có 39 lần vỡ đê, 10 năm hạn hán, sâu dịch, chỉ có 28 năm gọi là được mùa. Đó là chưa kể tới nhưng thiên tai cục bộ… Tình trạng nhân dân phiêu tán, đồng ruộng bỏ hoang năm nào cũng xảy ra…”,. Nỗi thống khổ của người dân Hưng Yên được thể hiện trong bài vè về “Cái thời Tự Đức”:

    Văn Giang và Tiên Lữ,

    Lụt lội mấy năm liền

    Mênh mông trắng lặng khắp miền

    Giun chòi làm tổ bên trên ngọn cành

    Vụ mùa không một nhành lúa mới

    Thóc để dành ếch, giải nuốt trôi

Làng xã xác xơ, dân đinh thưa thớt cùng với diện tích đất canh tác ngày càng giảm sút đã làm cho cuộc đời sống nhân dân thêm điêu đứng…”. (2) Dưới thời Pháp thuộc, công việc đê điều và thủy lợi cũng chẳng hơn gì. Tính từ năm 1905 đến 1945, đê sông Hồng vỡ 10 lần. Trong đó, trận lụt lớn xảy ra vào năm 1915, một nửa lượng nước sông Hồng đổ vào tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, khiến cho đồng ruộng bị tàn phá nặng nề, dẫn tới tình cảnh “sống ngâm da, chết ngâm sương”, nghe thật tái tê lòng người.

Cùng với lũ lụt là hạn hán . “Năm 1923, sau trận bão lớn, trời lại nắng hạn, khiến cho lúa mùa bị thất thu. Năm 1923, Bắc Kỳ vừa rồi vụ lúa chiêm hạn hán, lúa má tiêu khô đến quá nửa, đến khi sắp được gặt thì lại mưa lụt, người gặt mò, người gặt lội nhưng vớt vát không đáng là bao, cái cảnh đói khổ không sao kể xiết..” (3).

Chính vì nỗi thống khổ đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 10/01/1946, Bác đã về thăm Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Hưng Yên, động viên phong trào đắp đê chống lụt. Người căn dặn nhân dân Hưng Yên: "Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".

Vào mùa mưa lũ, Bác Hồ luôn quan tâm đến phong trào đắp đê phòng lũ lụt. Trong bức thư gửi các tỉnh có đê, ngày 9/6/1956 Bác viết: “năm nay mưa nhiều và sớm, thời tiết chuyển biến thất thường, chúng ta phải phòng lụt lớn… Nhưng dù nước to đến đâu chúng ta quyết giữ cho đê vững, không để nạn lụt xảy ra. Giữ đê phòng lụt là công việc cực kỳ quan trọng đến dân sinh.. “ (4).

Thực hiện lời dạy của Bác, toàn tỉnh tập trung chăm lo công tác tu bổ đê điều, phòng chống úng lụt cho vụ mùa và hạn hán cho vụ chiêm. Ngày 16/11/1957, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra Nghị quyết số 37-NQ/TU về huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng cho chống hạn, thành lập ban chống hạn các cấp để tìm nguồn nước, nạo vét sông ngòi, xây cống, tìm mạch nước để để chống hạn. Do thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy, sản xuất nông nghiệp năm 1957 đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh gieo cấy được 171.605 mẫu, đạt năng suất 700kg/mẫu (5).

Là một tỉnh nông nghiệp nhưng những năm đầu khi hòa bình lập lại, Hưng Yên chưa có hệ thống thủy lợi, vì thế tình trạng lũ lụt, hạn hán vẫn xảy ra thường xuyên, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, phụ thuộc nặng vào thiên nhiên. Trước tình hình đó, ngày 31/1/1958, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác chống hạn, với tinh thần: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, tạo ra phong trào làm thủy lợi sôi nổi trong tỉnh. Hàng chục ngàn dân công được huy động để nạo vét kênh mương, đào sông, đáng chú ý là công trường Cửa Gàn - Lực Điền, được triển khai thực hiện từ quý III/1958, rồi đào sông Điện Biên nổi tiếng, tiêu úng cho hàng vạn ha lúa thuộc các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ.

Cũng trong năm 1958, Bác Hồ về Hưng Yên tới 5 lần để động viên phong trào làm thủy lợi (5). Lần thứ nhất, ngày 5/1/1958, sau khi làm việc với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đã nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn sản xuất. 14 giờ chiều cùng ngày, Bác về thăm đồng bào Tiên Lữ đang vét ngòi Triều Dương và dân công đào sông từ Phố Giác đến chợ Thi. Tại đây nói chuyện với cán bộ dân công, Người nói: "Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời" (Sau ngày Bác về thăm, con sông này được mang tên là sông Bác Hồ). Ngay tại công trường Bác đã bắt tay và thưởng Huy hiệu cho cụ Hoàng Văn Kiêu (thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng), là người già nhất công trường, 83 tuổi cụ vẫn là thủ mai cừ khôi… Lần thứ hai, ngày 3/7/1958, người về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Vạn Xuân  (nay là xã Đình Dù) huyện Văn Lâm nơi nhân dân đang đào giếng lấy nước tưới lúa. Tại đây Bác đã nói: “toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá núi vỡ, đào sông nước về”. Lần thứ ba, ngày 20/9/1958, Bác về thăm và kiểm tra việc chuẩn bị khởi công công trình thủy nông Bắc- Hưng- Hải, thăm khu vực chuẩn bị thi công cống Xuân Quan - đây là cụm đầu mối của Công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, là nơi sẽ dẫn nguồn nước có lượng phù sa quý giá từ sông Hồng vào tưới tiêu cho đồng ruộng của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Hàng ngàn người vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ áo nâu sẫm mầu giản dị và mái tóc bạc phơ, để lắng nghe tiếng nói ấm áp của Người. Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ba tỉnh Bắc - Hưng - Hải mười nǎm chín hạn. Nǎm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, cải cách ruộng đất thành công, đời sống đồng bào ba tỉnh đã được cải thiện ít nhiều. Nhưng mỗi nǎm mỗi tỉnh vẫn phải tốn từ 1 triệu rưởi đến 3 triệu ngày công vào việc khơi mương, đào giếng, tát nước, chống hạn. Tốn nhiều công sức, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”. Người ân cần động viên: “Cán bộ và đồng bào quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt... Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”.  Lần thứ tư ngày 16/10/1958, Bác về thăm công trường Bắc- Hưng - Hải và dân công đang đào sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, Chợ Đậu. Lần thứ năm, vào ngày 15/10/1958, Bác về thăm công trường Bắc - Hưng - Hải, sau khi làm việc với Tỉnh ủy, nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Bác xuống nhiều nơi thăm và nói chuyện với với dân công đang làm tại các công trường thủy lợi.

Ngày 20/2/1959, Bác tiếp tục về thăm công trường Đại thủy nông Bắc – Hưng - Hải, thăm anh chị em công nhân làm việc tại cống Xuân Quan (Văn Giang). Sau đó, Bác đi thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).

Ngày 1/5/1959, công trình thủy nông Bắc - Hưng - Hải hoàn thành trước khi mùa lũ đến với khối lượng khổng lồ: xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát 226.000 m3 đá, đào đắp gần 3.000.000 m3 đất... Hệ thống sông chính dài 200 km bảo đảm cấp nước tưới cho gần 120.000 ha diện tích cây trồng, tiêu úng cho hơn 192.000 ha. Công trình hoàn thành, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng tuôn về đồng ruộng, giữa tiếng reo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Hệ thống thủy nông Bắc – Hưng - Hải là đại công trường thủy nông kiểu mẫu, là biểu tượng đậm nét, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời hệ thống thủy nông Bắc – Hưng - Hải còn là biểu tượng của tinh thần hy sinh vì ngày mai tương sáng, sẵn sàng đi bất cứ đâu theo tiếng gọi của Đảng thời kỳ này. Rất nhiều anh hùng lao động, tập thể tiên tiến xuất sắc đã xuất hiện tại công trình thủy lợi Bắc – Hưng - Hải, tiêu biểu ở Hưng Yên như anh hùng Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ.

Ngày 16/9/1961, Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc được tổ chức tại Hưng Yên. Tại Hội nghị này, tỉnh ta lại vinh dự được đón Bác về thăm và động viên hội nghị, Bác nói: Hưng Yên là tỉnh làm thủy lợi khá, vì vậy hôm nay Bác về thăm và chuyển tới đồng bào, bộ đội và cán bộ lời khen ngợi của Trung ương Đảng và chính phủ. Cũng tại hội nghị này, Bác tặng cờ “Làm thủy lợi khá nhất” cho tỉnh Hưng Yên…

Hơn nửa thế kỷ qua, công trình thủy lợi Bắc – Hưng - Hải đã đem lại hiệu quả to lớn, đẩm bảo cung cấp nước tưới cho gần 12 vạn ha diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho hơn 19 vạn ha diện tích lưu vực. Do có hiệu quả từ “con rồng vàng” mang lại, chẳng những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp của vùng cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn. Đã xuất hiện nhiều trang trại, hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 150 đến 350 triệu đồng/ha.

          Hôm nay, chúng ta có những thửa ruộng “bờ xôi, ruộng mật”, canh tác lúa hai vụ và gieo trồng cây rau màu vụ đông mà không phải lo lắng nhiều về lũ lụt, hạn hán, đó chính là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890- 19/5/2015), chúng ta thành kính dâng lên Người những bó hoa tươi thắm và lòng biết ơn sâu sắc.                                                                   

                                                                        Nguyễn Văn Đông

 

1.2,3 Lich sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên Tập I (1929-1954)  NXB Chính trị Quốc gia- 1998, trang 16, 17, 18.

4. Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ, NXB Chính trị Quốc gia HN. Năm 2005, trang 81

5. Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên tập II, trang 52

Tin liên quan