Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2015), chúng ta càng nhớ tới công lao trời biển của Bác Hồ đối với dân tộc, với đất nước nói chung, nhất là với thế hệ trẻ, trong đó có những lời dạy của Bác với Thanh niên.

Bác Hồ và thanh niên trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa II (5/5/1960)
Khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã chứng kiến các phong trào yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ như phong trào Đông Du, phong trào Đông kinh nghĩa thục, Duy Tân… Qua các phong trào đó, Bác đã nhận thấy sức mạnh to lớn về mọi mặt của thế hệ Thanh niên trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những năm đầu sang nước Pháp hoạt động, đặc biệt vào năm 1920, tại diễn đàn Đại hội Tua, Bác đã lên tiếng phản đối chế độ thực dân Pháp với nhân dân Việt Nam trong đó có thanh niên. Thông qua các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường cách mệnh” (1927)…, Bác đã lên án chế độ thực dân Pháp đầu độc, nô dịch, bóc lột người dân bản xứ, trong đó có thanh niên. Người khẳng định, muốn thức tỉnh một dân tộc cần phải thức tỉnh Thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của đất nước, của dân tộc.
Chính vì vậy, sau khi tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay trong những năm đầu về Quảng Châu, Trung Quốc, Bác đã lựa chọn những thanh niên Việt Nam yêu nước để thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho cách mạng. Sau đó, chính những thanh niên này trở về nước hoạt động, tham gia phong trào vô sản hóa, vận động nhân dân ta đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 1/1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Tháng 9/1950, Bác đến thăm Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường biên giới quan trọng: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên. Sau khi tìm hiểu những khó khăn, vất vả của toàn Đội, để động viên thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ, Bác tặng bài thơ nổi tiếng:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bài thơ sau này không chỉ là phương châm hành động cho Đoàn thanh niên, mà còn cho mỗi người Việt Nam có được niềm tin trong ý chí và hành động mỗi khi phải đương đầu với khó khăn, thử thách.
Ngày 13/9/1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Nhân kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám, Bác đã gửi thư cho Thanh niên. Trong bức thư có đoạn viết: “ Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.
Trước khi đi vào thế giới người hiền, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta và bầu bạn, đồng chí, anh em bản Di chúc thiêng liêng, di sản tinh thần vô giá. Trong bản Di chúc, Bác đã căn dặn kỹ càng công việc đối với Đảng, với nhân dân. Bác cũng dành một phần để nói về thanh niên và vai trò của thanh niên. Điều này thể hiện tư tưởng và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. Người căn dặn: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII nêu rõ: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa” đã khẳng định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thế hệ thanh niên ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc của kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; được gia đình và xã hội dành cho nhiều cơ hội học tập để có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các lớp thanh niên đi trước. Những lợi thế đó là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên đã và đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Văn Đông