KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 29/01/2015 - Lượt xem: 170
Bài ca Hưng Yên

Hưng Yên một thời nổi tiếng, được truyền tụng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ những con người nơi đây. Dù cái thời phồn thịnh tấp nập ngược xuôi trên bến dưới thuyền của “tiểu Tràng An” Phố Hiến đã dần mất đi chức năng của một thương cảng lớn, đầu mối giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh vào loại bậc nhất, nhì trong xã hội phong kiến thế kỷ XVI - XVII nhưng cũng đủ làm nên một Phố Hiến - Hưng Yên ngàn năm lưu truyền văn hiến.

                            Một thuở hồng hoang

                            Nơi đây trời đất mênh mang
                            Chỉ có nắng vàng
                            Phù du trôi dạt
                            Cùng ngọn gió hoang.


                            Rồi thời gian
                            Đã mấy ngàn năm
                            Dâu bể thăng trầm
                            Tiên Dung thay cha về đây mở đất...

(Hưng Yên – Một khúc sử ca, Nguyễn Khắc Hào)

Cách đây vài ngàn năm, sau đợt biển lùi do phù sa sông Hồng bồi đắp, một mảnh đất màu mỡ xuất hiện và sớm trở thành địa bàn cư trú của con người. Chính sự kiến tạo bền bỉ của con sông nước như làn da màu hồng chắt chiu chở nặng những hạt phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho đôi bờ đã tạo nên vùng đất quê ta: Sông Hồng sóng vỗ rì rào/ Chở về đầy ắp phù sa. Bồi lên vùng đất quê ta (Người Hưng Yên – Phạm Đình Phú). Hưng Yên - một vùng đất không đồi, không núi, một vùng đất không rừng, không biển, chỉ nơi con sông Hồng chở nặng phù sa, chỉ mênh mông sông Hồng chảy ra biển lớn:

Hưng Yên quê em đất không có núi,

Không có rừng xanh và biển bao la
Chấp chới cánh cò, thênh thênh câu hát,
Phù sa mật ngọt, sóng nước Hồng Hà

     (Con gái Hưng Yên - con gái Việt Nam, Nguyễn Thị Hương)

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Hưng Yên – vùng đất trung tâm châu thổ, cái nôi của văn minh lúa nước sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mãi đến năm Minh Mệnh thứ 12, tháng 10, năm Tân Mão (1831), nhờ cuộc cải cách hành chính của triều đình nhà Nguyễn bỏ hai tổng trấn Nam thành và Bắc thành, chia trấn phía Nam thành 12 tỉnh, các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh, Hưng Yên - một danh xưng gửi gắm ước vọng về vùng đất mãi bình yên, hưng thịnh - mới chính thức được khai sinh, khởi nguồn cho một trang sử mới. Trải qua quá trình phát triển, mảnh đất Hưng Yên đến nay đã ở cái tuổi 180 (1831- 2011).
Hưng Yên một thời nổi tiếng, được truyền tụng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ những con người nơi đây. Dù cái thời phồn thịnh tấp nập ngược xuôi trên bến dưới thuyền của “tiểu Tràng An” Phố Hiến đã dần mất đi chức năng của một thương cảng lớn, đầu mối giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh vào loại bậc nhất, nhì trong xã hội phong kiến thế kỷ XVI - XVII nhưng cũng đủ làm nên một Phố Hiến - Hưng Yên ngàn năm lưu truyền văn hiến.

Đất Hưng Yên nay
Trấn Sơn Nam xưa
Hùng thiêng một cõi
Vang bóng một thời
Khắp bốn phương trời
Về đây cập bến...

Ngược xuôi trên bến dưới thuyền
Vàng son một thuở, lưu truyền ngàn năm.

(Hưng Yên – Một khúc sử ca, Nguyễn Khắc Hào)

Trải qua những biến cố lịch sử và sự thay đổi của tự nhiên, ở nơi đất tầng tầng văn hóa Phố Hiến vẫn bảo tồn và giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc biết bao phong tục, tập quán tốt đẹp. Đó là những làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm; những câu ca trù tài hoa, uyên bác; nhịp trống quân rộn ràng, mời gọi...

Hát trống quân trời cao mà đất thấp
Thì ngọn đèn thành sao sáng giữa ngàn sao
Câu ca trù đắm say trai Tống Mễ
Tiếng cầm ca sóng sánh khúc Ả Đào.

Nàng Thị Kính oan tình vào cửa Phật
Thị Màu xinh khao khát hát sân chùa
Tình người đẹp, câu hát chèo cũng đẹp
Giữa một vùng Văn Miếu thủa xa xưa.
(
Hưng Yên – Một khúc sử ca, Nguyễn Khắc Hào)

... nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam có giá trị như hệ thống đền, chùa, đình, miếu, văn miếu...

- Đền Mây cổ điện sương mờ ảo
Giữa dòng hồng thủy sóng xôn xao
- Chùa Chuông xưa cổ, Kim Chung Tự
Đồng quy phát tóc của hiền sư
- Đền Mẫu lung linh bên Nguyệt hồ
Bóng dài in nước sóng nhấp nhô
- Văn Miếu thăng trầm trải bấy thu
                             Lưu danh Trạng  - Sĩ ngời tri phú
- Đền Trần linh ngoạn cảnh hồ trăng
Vẳng tiếng quân reo, ngựa hí vang
- Đền Quan mây nước tiên kỳ ngộ
Tiếng đàn câu hát miệng nam mô
- Tam tòa thánh mẫu vốn linh thiêng
Giá hầu bay bổng một trời thiêng
- Đền thờ Bà Chúa giữ kho ngân
Trọng nghĩa ban lòng khắp chúng dân
(Ai qua Phố Hiến – Phạm Minh Tâm)

... với hàng trăm lễ hội truyền thống ở khắp các địa phương đã tạo nên một tỉnh Hưng Yên đầy bản sắc, không thể trộn lẫn và để đến bây giờ, mỗi người dân Hưng Yên đều tự hào được sinh ra ở một vùng quê văn hiến:

Một năm là mấy tháng xuân?

Đi chơi cho khắp hội làng hội xa.
Nhất đông là hội Đa Hòa,
Nhất vui là hội Đùng-Đà, An Viên.
Muốn xem các cụ múa quyền,
Thì lên đền Ủng một phen cho tường.
Muốn thăm những khách văn chương.
Đến đền Quan Trạng, quê hương An Cầu.
(Ca dao)

Người Hưng Yên không chỉ biết biến vùng lau sậy “thành biển lúa vàng trĩu hạt/ thành nhãn lồng ngọt lịm đầu môi/ thành sen thơm ngan ngát đất trời” (Bài ca Hưng Yên – Hoàng Thế Dân) mà còn giàu truyền thống cách mạng: “Hưng Yên anh dũng tuyệt vời/ Đánh giặc giặc bại, chống trời trời thua” (Cao dao). Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Hưng Yên ngày càng được phát huy duới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hưng Yên. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hưng Yên không có rừng cây, nhưng có rừng dân”, quân và dân Hưng Yên nhất tề nổi dậy “diệt bốt phá tề, luồn sâu đánh hiểm”:

Thời chống Pháp bao trận càn đẫm máu
... Dân Hưng Yên trong vòng kìm kẹp
Đã nhất tề nổi dậy tiến công
Toàn dân chung sức, chung lòng
Nhất tề nổi dậy để giành tự do
(
Người Hưng Yên – Phạm Đình Phú)

Hưng Yên trở thành tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều chiến công được lập: Bãi Sậy một thời oanh liệt/Sấm Đường 5 bất khuất, kiên trung/Bao bà mẹ tiễn con ra trận/và giang sơn nước mắt giấu trong lòng (Bài ca Hưng Yên  - Hoàng Thế Dân), được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” (1952); Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kháng chiến đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ở miền Nam, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu và dành được nhiều kết quả to lớn: Xây dựng công trình thủy lợi Bắc – Hưng – Hải “Nước đại thủy nông là rồng phun bạc” (Tục ngữ); phong trào “tứ hóa” “Hoàn thành “tứ hóa” là được ấm no”, được Bác Hồ 4 lần tặng Cờ Luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc; phong trào sản xuất “Cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho” (Tục ngữ) ...; Hưng Yên cũng là tỉnh đi đầu trong phong trào bổ túc văn hóa, với phương châm “Đọc được cho qua, nếp lòa quay lại”, “Cổng sáng không phải lội, cổng tối vòng chỗ lội mà qua” (Tục ngữ), dần thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân, được Bác Hồ gửi thư khen: “Sống ở Phù Cừ, người mù cũng sáng”; Trung ương Đảng thưởng Cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, Bác ký lệnh tặng thưởng Huân trương Lao động Hạng Ba và sau đó Bác ký lệnh tặng thưởng Huân trương Lao động Hạng Nhì về Bổ túc văn hóa (1960). Giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến Hạng Nhất và hai lần thưởng cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau khi tái lập tỉnh (01/01/1997), dưới sự lãnh đảo của Đảng bộ, tỉnh Hưng Yên vươn mình đứng dậy. Vẫn là một Hưng Yên bên dòng sông Hồng nhưng hôm nay bộ mặt Hưng Yên đổi mới từng ngày:

Ơi phù sa sông Hồng, sông Luộc
như nước nguồn tình mẹ yêu thương
cho Hưng Yên hôm nay tràn đầy sức trẻ
ngói mới hồng tươi, nhà máy, công trường
những con đường thênh thang vẫy gọi
nối vòng tay bạn bè hội tụ
cùng hát vang bài ca dựng xây
(
Bài ca Hưng Yên – Hoàng Thế Dân)

Vẫn con người ấy xưa nay
Trung thành sáng tạo đổi thay đất trời
Ngôi nhà mới rộng niềm vui
Hương sen ngan ngát đượm lời mẹ ru

Hưng Yên đổi mới đến không ngờ
Gương mặt giang sơn đẹp như mơ
Phố Hiến gấm hoa mùa sen nở
Mừng ngày sinh nhật đẹp tình thơ
(
Mừng ngày sinh nhật – Nguyễn Trường Sinh)

Bằng tài năng và khối óc thông minh, người Hưng Yên làm đẹp cho đời, làm giàu cho quê hương. Hưng Yên, xưa kia bao cảnh đói nghèo, mất mùa, nắng hạn, đê vỡ triền miên. Hưng Yên, hôm nay đi lên bằng phát triển làng nghề, chuyển đổi cây trồng, dựng khu công nghiệp, xây làng văn hóa mới.

Bởi đất lành nên phồn hoa lại đến
Lòng người nhân hậu phúc cháu con
Sẽ rạng rỡ cả một vùng Phố Hiến
Tiểu Tràng An xưa vẫn như còn.
(
Hưng Yên – một khúc sử ca, Nguyễn Khắc Hào)

Đứng trên mảnh đất Hưng Yên trong ngày kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, có người Hưng Yên nào không phấn khởi, tự hào với những kết quả to lớn đạt được trong chặng đường đã qua và càng thêm quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năng động, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Đại hội XI đề ra chiến lược
Hưng Yên cùng với cả nước
Bằng nhiều giải pháp, nắm chắc mục tiêu
Toàn dân phấn đấu lập nhiều chiến công

(Bài ca Hưng Yên – Hoàng Thế Dân)

Trung Nghĩa

Tin liên quan