KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 09/06/2022 - Lượt xem: 856
CỎ DẠI (truyện ngắn)

Tôi ngồi ôm đứa con gái bé nhỏ vào lòng mà hai hàng nước mắt chực tuôn. Đôi vai rung lên khe khẽ cũng đủ khiến cô con gái bé nhỏ ngơ ngác nhìn.
- Mẹ, mẹ làm sao vậy? Vì sao mẹ khóc?
Ôm con thật chặt vào lòng, những ký ức buồn tủi của một thời thiếu nữ mới đó mà ùa về ngập đầy tâm trí. 
Đã ngót 6 năm trôi qua, hình ảnh cô con gái mới lớn ngày nào dám cả gan bỏ nhà đi vì uất ức hiển hiện rõ trước mắt tôi. Tiếng cha quát tháo văng vẳng bên tai: “Cút, mày cút ra khỏi nhà tao ngay!”. Đôi chân của đứa con gái 17 tuổi là tôi chạy như bay trên những gốc rơm, luống cày. Tôi cắm đầu chạy, chạy không màng trời, màng đất, chạy mà còn hoảng hốt vì vẫn thấy tiếng bước chân huỳnh huỵch của cha phía sau, tiếng roi nghe kêu vun vút theo tiếng gió. Cỡ phải hàng tiếng đồng hồ chạy rã rời chân, tôi nằm vật trên triền đê và thiếp đi trên bờ cỏ xanh. Tôi nằm đó, mơ màng thấy mình đang ở một nơi xa lắm, không tiếng ruồi, muỗi vo ve, không tiếng khạc nhổ khắp ba gian nhà tre ọp ẹp và cũng không lời nguyền rủa của cha sau mỗi bữa cơm no rượu say. Cũng không còn thấy hình ảnh người đàn bà bất hạnh - mẹ tôi len lén giấu đi những giọt nước mắt ướt hoen bờ mi vì sợ chị em tôi bắt gặp...
Cái se lạnh đầu đông cùng với cơn mưa nhẹ hạt như phá vỡ giấc mơ ấy. Tôi bỗng choàng tỉnh bởi một bàn tay to và ấm lay mạnh trên bờ vai. Đôi bàn chân lạnh ngắt, cứng đờ vẫn loang lổ vết máu khô lại tự bao giờ. Người đàn ông mặc chiếc áo choàng màu ghi xám, đôi mắt tinh sáng, đang hốt hoảng khi thấy một cô bé là tôi nằm đó.
- Cô gái! sao cô lại nằm ở đây? Để tôi giúp cô dậy! 
Tôi hoảng hốt bật dậy, vằng tay xô người đàn ông đó loạng choạng: 
- Không, ông kệ tôi. Đây là đâu? Ông là ai ? Đừng động vào người tôi!
Tôi đứng phắt dậy, lao thẳng về phía đường, đôi chân tê cứng nhưng vẫn cố lết từng đoạn. Rồi tôi lại thấy cơ thể mình lâng lâng, đôi mắt lại nhắm nghiền và rồi thêm một lần chìm trong giấc ngủ say.
Đứa con gái 17 tuổi chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng, chưa một ngày rời xa căn nhà nhỏ đơn sơ và dột nát của mình. Ấy vậy mà ngày hôm đó, tôi đã cả gan chạy trốn khỏi cái vùng quê nghèo, người cha nát rượu và người mẹ hiền lành đến nhu nhược. Tự nhiên tôi không kìm được cảm xúc mà òa lên nức nở; khóc cho mình, thương cho cậu em bé nhỏ, thương người phụ nữ đã sinh ra mình phải chịu những trận đòn vô cớ từ chính người cha, người chồng yêu thương kính trọng. Có lẽ cuộc đời là vậy, chẳng ai sinh ra mà chọn được cho mình một số phận, một cuộc sống hoàn hảo. Đúng là không có gì chiều theo ý muốn của lòng mình.
Khi từng sợi nắng lấp lánh tưới xuyên qua ô cửa kính chiếu rọi vào mặt và trùm lên người tôi cái thứ ánh nắng cuối mùa rất êm dịu, tôi mới tỉnh dậy và tự hỏi:
“Chuyện gì thế này? Sao mình lại ở đâu đây! nhà mình đâu rồi, phải làm sao...” Tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh hòng nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc của mẹ, của thằng em bé loắt choắt, đen nhẻm nhưng không thấy. Một nỗi sợ hãi và cô đơn đổ ập lên cơ thể đang run run vì đói... loay hoay trong mớ hỗn độn suy nghĩ ấy, tôi bất giác run lên bởi một giọng nói: “Cô bé này!”. Người đàn ông tiến đến cạnh chỗ tôi nằm, ôn tồn. Ông ta phá tan bầu không khí ảm đạm này bằng một loạt những câu nói giải thích: “Cô bé, cô bị thương nhiều ở chân, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi một vài hôm là ổn thôi. Hãy cứ ở đây đến khi nào khỏe lại. Cô không cần phải lo lắng gì cả, ở đây rất an toàn và đầy đủ tiện nghi. Giờ thì cô hãy uống một chút sữa nóng và nằm nghỉ một lúc đi, tôi trông cô có vẻ khá mệt mỏi rồi đó, cô gái!”.
Bóng người đàn ông khuất dần khỏi căn phòng, tôi lại trở về với một đống suy nghĩ, một đống những câu hỏi “Ông ta là ai? Tại sao ông ta lại tốt với mình? Sao ông ấy không để mình chết quách đi nhỉ?..” Chẳng thể hiểu nổi, tôi cứ ngồi đó, vật lộn với đống suy nghĩ.
Vài ngày sau, khi sức khỏe đã tốt hơn, tôi cảm thấy muốn rời khỏi ngôi nhà đó để tìm một cuộc sống mới và tôi nhận ra rằng ở đó đầy những thách thức và nghiệt ngã. Với cái lối suy nghĩ bồng bột của đứa con gái mới lớn, ăn còn chưa no, lo còn chưa tới, tôi bỗng quyết định nhanh chóng là rời khỏi căn nhà càng sớm càng tốt. Mảnh giấy kèm lời cảm ơn tôi đặt ở bàn ăn, chắc hẳn người đàn ông đó sẽ không quên đọc. Lẳng lặng rời đi và rồi điều may mắn cũng mỉm cười với tôi. Tôi đã tự kiếm tìm cho mình một công việc phù hợp, đó là rửa bát thuê cho một tiệm ăn nhỏ. Công việc không quá vất vả cùng với số tiền nhận được không nhiều nhưng tôi cũng có thể đủ trang trải và nuôi sống bản thân qua ngày.
Một hôm tôi được lên phố lấy hàng giúp quán ăn nơi tôi đang làm, tôi lượn lờ phố xá và đang ngơ ngác thì bất giác tôi nhìn thấy La, cô bạn hồi lớp 10 ngày nào đang ngồi ôm eo một gã đàn ông mà nhìn hắn tôi thấy trạc tuổi cha mình. Hai người ôm ấp, trêu ghẹo nhau rồi rẽ nhanh vào một khách sạn sang trọng bên kia đường. Nhìn thấy La, tôi lại nhớ ngày nào hai đứa cùng làng học cùng trường, cùng đi về một con ngõ nhỏ. Nhà La giàu có nhất nhì trong xóm, được cưng chiều nên cô bạn yêu từ khi mới vào lớp 8. Nét quê của cô bạn hồi nào nay lột xác như một chú thiên nga trắng cùng với chiếc váy ngắn, đôi guốc cao và khuôn mặt được trang điểm nhìn xinh đến lạ. Không tin vào mắt mình, bỗng tôi cảm thấy như đang ghen tỵ với nó vậy và thèm muốn được như La dù chỉ một lần... Một thoáng suy nghĩ, tôi muốn bản thân phải tìm bằng được cái La để hỏi chuyện, một phần để muốn thay đổi bản thân mình. Và rồi sau đó, tôi cũng tìm gặp được địa chỉ của cô bạn. Thấy tôi, La vui vẻ ra mặt hỏi chuyện, tôi tâm sự với nó về chuyện gia đình bản thân mình như vậy và mong La có thể giúp đỡ giới thiệu việc làm ổn định cho tôi. Thấy vậy, cô bạn tỏ ra chia sẻ, vui vẻ đón tôi bằng cái nhìn thân. 
Được thừa hưởng nét đẹp từ mẹ cũng như vóc dáng mảnh khảnh của cha, tôi nhanh chóng được nhiều vị khách lựa chọn để mua vui. Tiền kiếm được từ công việc này gấp nhiều lần công việc rửa bát, tôi được chủ nhà nghỉ thuê cho một căn hộ nhỏ tiện nghi cùng rất nhiều trang sức, quần áo đẹp mà cả đời tôi chưa từng một lần nhìn thấy. Đổi lại, mỗi ngày tôi phải chiều chuộng hàng chục khách từ trẻ cho tới già, có những người đáng tuổi cha chú mình. Mỗi ngày qua đi thấy sợ một ngày mới vì những gã si tình ham của lạ. Nhưng rồi tôi thấy công việc nhơ nhớp này và đồng tiền khiến con người trở lên nhỏ bé quá. Tiền ư? lại không khiến tôi thèm muốn nữa cũng không cần cuộc sống nhung lụa. Lúc này đây thèm được về nhà, được tiếp tục đi học và theo mẹ tần tảo ruộng đồng hoặc buổi tối ngồi phụ bà khâu vá. Nỗi chán nản đến tuyệt vọng khi lời đề nghị được rời khỏi nơi đây không được bà chủ chấp thuận. Họ nói tôi còn nợ họ nhiều tiền thuê nhà, tiền mua sắm đồ và vì thế phải ở lại đây tiếp tục làm cho tới khi trả hết nợ. Tôi tìm cách thoát khỏi nơi nhơ nhớp này được vài ngày thì những trận đòn nhừ tử của của cái nơi mà tôi tưởng thiên đường. “Mày muốn sống hay muốn chết? Nếu muốn sống thì ngoan ngoãn chiều khách, bằng không thì cố tìm cách mà chuộc lại những gì chúng tao có cho mày”. Nói rồi mụ tú bà nhìn tôi một cách cay độc. Tiếp tục trở lại với công việc nhơ nhớp, mỗi ngày tôi phải chiều chuộng nhiều khách hơn nữa, chúng đổi tôi như một món hàng. Tôi cảm thấy ghê sợ chính bản thân mình. 
Sự vô tình ngẫu nhiên trên đường từ căn phòng trọ tới nhà nghỉ, tôi bắt gặp người đàn ông đã cưu mang tôi ngày trước. Tôi ngượng ngùng cúi mặt đi thật nhanh. Ông ấy dường như đã kịp nhận ra nhưng lại rẽ sang một hướng khác. Tôi không còn mặt mũi nào để gặp lại ông ấy vì biết mình đã phụ lòng tốt của ông. Sáng hôm sau, bà chủ gọi tôi lên và nói: “Thu dọn đồ đạc của mày ở đây đi, có người đang đợi ở ngoài cổng, tiền nợ của mày coi như xong, liệu mà về phục vụ báo đáp ông ấy cả đời đi con ranh.” Rồi bà nói như cho chính bà nghe, “Mày sa vào đó như chuột sa chĩnh gạo rồi con ơi”
Tôi chẳng hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa, nhưng chắc chắn là người ta đã tha cho tôi rồi, tôi đã thoát. Vội vàng không chút nấn ná, tôi chạy nhanh ra ngoài để tìm gặp người đã cứu mạng tôi. Thì ra không ai khác chính là người đàn ông năm xưa. Không nói không rằng, ông mở cửa xe ngỏ ý bảo tôi lên. Tôi theo ông một cách ngoan ngoãn, trong lòng trào dâng một niềm vui sướng và xúc động. Tôi trộm nghĩ, cơn gió nào đã đưa tôi ngặp ông để rồi lúc tủi nhục lại dang tay cứu giúp, tôi nhận ra có ngày mình lại may mắn đến thế.
Về đến nhà, ông chỉ cho tôi căn phòng nhỏ trên gác và bảo tôi sẽ nghỉ ở đó. Đến bữa ăn, ông ôn tồn: “Từ nay cô không phải đi đâu cả, hàng ngày cắt tỉa, chăm sóc vườn cây cảnh cho tôi. Việc làm này sạch sẽ hơn nhiều và tôi sẽ trả lương cho cô”. Sự ngơ ngác xen lẫn biết ơn, tôi nghe lời,  thầm cảm ơn ông sau từng ấy biến cố. 
Ở tuổi 65 không còn trẻ nhưng ông khá phong độ. “Sao ông giàu có mà không có lấy mụn con nào và vợ của ông đâu?”. Tôi đã từng hỏi ông như vậy đến cả chục lần nhưng ông không trả lời. Ngày ngày trôi qua, tôi chăm chút vườn cây, nhổ từng cọng cỏ, uốn từng thân cây non. Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy mình yêu cuộc sống hơn và rồi hai con người, hai số phận đã bù đắp khiến trái tim cô gái mới lớn như tôi thổn thức khát khao được yêu thương, che chở. 
Tiếng mưa phùn rả rích của sắc xuân còn sót lại khiến tôi và ông không còn giữ được khoảng cách nữa. Đám cỏ dại trong vườn mọc lên như nấm. Ông cười hiền mãn nguyện và bảo: “Em thấy đấy, cỏ từ bàn tay người cắt tỉa uốn từ nhỏ chúng trông sinh động và có ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Cuộc đời có khắc nghiệt bao nhiêu chúng vẫn vươn mình tươi tốt...”. Có lẽ là vậy, cỏ dại...
Sáu năm xa quê, tôi về lại ngôi nhà cũ, có điều mừng là bố không còn say nữa vì nỗi đau mất đứa con gái khiến ông tỉnh ngộ. Bố nhìn tôi sau nhiều năm xa cách tỏ ra ân hận nhưng thấy bố vui hẳn lên, cậu em đen nhẻm ngày nào giờ trông sáng sủa. Mẹ vẫn tảo tần chăm lo cho gia đình và chờ đợi ngày tôi trở về. Bên cạnh tôi, đứa con gái bé nhỏ luôn miệng hỏi: “Mẹ ơi, bố con đâu?”. Tôi chỉ biết ôm con thật chặt. Sau cơn đau tim đã khiến ông rời xa tôi một cách đột ngột. Tôi mất thăng bằng trong ngôi nhà nơi ông và tôi đã sống, là nơi đã sinh ra tôi lần nữa. Và giờ, không có ông bên cạnh nhưng tôi sẽ phải tiếp tục sống, thay ông chăm lo cho cô con gái mà chính ông cũng không biết rằng đã để lại giọt máu của mình. 
Nơi đây, cỏ dại được uốn thành những lùm cây mang đầy sắc thái của cuộc sống này.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan