Chủ tịch Hồ Chí Minh không là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nhưng nhờ sẵn có trong mình phẩm chất thi nhân, khi gặp trăng rằm tháng Giêng trong hoàn cảnh đặc biệt vẫn có niềm cảm hứng dạt dào để lại bài thơ chữ Hán tuyệt tác:
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Công bằng mà xét, bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy tuy có sáng tạo, bay bổng nhưng không theo kịp tính cô đúc, hàm ẩn mang đậm chất Đường thi, phản ánh năng lực thẩm thấu và biến cải văn hóa của tác giả trong nguyên tác:
Rằm tháng Giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Âm hưởng bản dịch không còn vẻ đẹp chắc nịch mà vang ngân do sự phối hợp đắp đổi thanh điệu trong từng câu thơ và cách hiệp vần (vần iên) ở các tiếng cuối câu trong nguyên tác. Đọc thơ chữ Hán của Bác Hồ (và của ai cũng vậy), nếu đọc từ nguyên tác mới cảm thấu hết cái hay của nó.
Tên bài thơ gồm hai chữ “Nguyên tiêu” nghĩa là “Rằm tháng Giêng”. Tết Nguyên tiêu là ngày lễ trọng trong năm theo phong tục Á Đông. Đêm Rằm tháng giêng trăng thường rất sáng, viên mãn, mang vẻ đẹp riêng. Bài thơ của Bác ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: Rằm tháng Giêng năm 1947 là thời điểm cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp vừa bắt đầu với bộn bề khó khăn, gian khổ. Đêm đó, Bác cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương lênh đênh trên thuyền ở một dòng sông giữa núi rừng Việt Bắc để bàn việc quân sự đánh Pháp. Nửa đêm trở về, trước cảnh trời nước bao la, ánh trăng chan chứa, cảm hứng thơ trong Bác nảy sinh, Người liền ứng tác bài thơ đọc cho các đồng chí nghe, sau đó được đồng chí Xuân Thủy - người cùng có mặt trên thuyền - dịch ra tiếng Việt. Đi sâu phân tích câu chữ của bài thơ, ta tìm thấy biết bao cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong đó.
Như nhiều bài thơ Đường nổi tiếng, câu thơ mở đầu thật dung dị: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” (Nguyên tiêu đêm nay, trăng thật tròn). Câu này gợi nhớ cách vào đề của “thi tiên” Lý Bạch trong bài thơ “Tĩnh dạ tư” (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh): “Sàng tiền minh nguyệt quang”, dịch là “Trước giường ánh trăng sáng”. Năng lượng thơ như được nén, đúc lại qua một thông báo ngỡ bình thường. Đến câu thứ hai tả ít gợi nhiều: “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”. Ba chữ “xuân” trong những tổ hợp với “giang - thủy - thiên” kề nhau, gợi cảnh tượng mùa xuân tràn ngập và thấm đẫm bốn bề trời nước. Sông xuân, nước xuân, tiếp nối trời xuân, ranh giới đất trời như bị xóa nhòa, mở ra không gian mênh mông, bát ngát, vô tận và tràn trề sức sống. Câu thơ này gợi liên tưởng đến câu thơ của Vương Bột trong bài “Đằng vương các” (Gác Đằng vương):
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
(Ráng chiều với cánh cò cô độc cùng bay/Nước thu cùng trời thu một màu)
Đọc hai câu mở đầu bài “Nguyên tiêu”, ta như đang được chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc với trời mây sông nước mùa xuân của một tao nhân mặc khách trên đường thư nhàn vãn cảnh. Tâm hồn thi sĩ của Bác nhạy cảm và luôn rộng mở, sẵn sàng rung lên trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đến câu thơ thứ ba: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”, hoàn cảnh cụ thể xuất hiện. Thì ra, không phải là người đang thảnh thơi du ngoạn mà là đang bàn việc quân cơ bí mật giữa nơi thâm sơn cùng cốc. Cụm từ “yên ba thâm xứ” gợi hình ảnh trong câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng hạc lâu”: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Cùng ở nơi “khói, sóng trên sông”, nhưng con người khác biệt. Một đằng là tìm về u tịch để ẩn dật, lánh đời, một đằng là để nhập thế cứu đời. Ba chữ “đàm quân sự” chắc nịch, rắn rỏi, mạnh mẽ thể hiện chính xác hoạt động và tâm thế tự tin của Bác, người đang lãnh sứ mệnh cao cả cùng đồng chí, đồng bào chung sức, chung lòng cứu nước.
Câu thơ kết vừa đóng lại vừa mở ra ý thơ “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Đóng lại thời gian và hoạt động: “Dạ bán quy lai” - Nửa đêm trở về (khi việc quân đã bàn xong). Mở ra cảnh tượng lung linh: Ánh trăng đầy ắp khoang thuyền. Con thuyền bỗng chốc trở thành con thuyền thơ và mộng. Đóng và mở ở câu thơ kết mang đậm phong cách thơ tứ tuyệt luật Đường, chứng tỏ tác giả là một cây bút cao thâm. Một lần nữa lại gợi nhớ đến lời thơ của Trương Kế trong bài “Phong Kiều dạ bạc” (Đêm ở bến Phong Kiều): “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Tiếng chuông chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô, nửa đêm rơi xuống khoang thuyền khách). Câu thơ người xưa gợi vẻ u tịch tuyệt đối của cảnh vật tương thích với lòng người miên man trong nỗi u sầu. Còn câu thơ của Bác ấm áp tình người chan hòa với vạn vật, chứa chan tinh thần lạc quan. Dù không hé lộ kết quả của cuộc “đàm quân sự” ra sao, nhưng căn cứ vào tâm thế nhẹ nhàng thơ thới của người trong cuộc, đủ thấy việc quân đang đà thuận lợi; suy rộng ra, cuộc kháng chiến ở buổi đầu trứng nước tuy còn nhiều gian nan nhưng triển vọng đã vô cùng tươi sáng. “Ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) - một trong những tiêu chuẩn thẩm mỹ của thơ Đường luật bộc lộ rõ nhất ở câu thơ kết này.
Cũng như trong nhiều bài thơ chữ Hán của Bác, bài “Nguyên tiêu” có một sức chứa lớn lao, một sự kế thừa văn hóa chứng tỏ tầm uyên bác của Người. Thơ Bác tiềm ẩn bao nhiêu “điển tích, điển cố”. Giống như Truyện Kiều của Nguyễn Du, chứa một kho điển tích, điển cố mà vẫn thanh thoát, thấm sâu vào lòng người. Sự giàu có ấy khiến cho thơ Bác luôn mang chiều sâu trí tuệ. Đọc câu thơ Bác mà tưởng như đang tiếp xúc với cả một chân trời văn hóa đồng thời là một yếu tố nâng tầm tri thức cho bạn đọc đông đảo. Nhưng mặt khác, tiếp thu luôn song hành với sáng tạo. Sự biến hóa linh hoạt trong hình tượng và cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh và tâm thế cụ thể khiến thơ chữ Hán của Bác là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại, vừa khơi gợi tiềm thức văn hóa vừa đem đến nhận thức và tình cảm mới lạ trước con người và cuộc sống.
Với bài “Nguyên tiêu”, Bác đã bổ sung vào kho tàng thi ca Việt Nam một áng thơ hoàn mỹ. Do đó, từ năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn Rằm tháng Giêng - ngày chào đời bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác làm “Ngày thơ Việt Nam”, một ngày hội hàng năm của những người yêu thơ cả nước nhằm tôn vinh thơ ca - sản phẩm tuyệt vời của nền văn hóa nước nhà.
Nguồn: https://baohungyen.vn