KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 02/02/2022 - Lượt xem: 296
Hương nhãn

Mưa bụi lây phây như rắc từng chùm bột trắng xuống rặng nhãn cổ ven bờ đầm Dạ Trạch. Chỉ còn hai ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo. Dân gian vẫn bảo cữ này ông cưỡi cá chép lên thiên đình bẩm tấu việc dương gian. Còn như việc âm phần là để dành cho người còn sống.
Bà Cúc năm nay đã tròn tám mươi mà tóc vẫn đen nhóng nhánh, thật là một sự lạ kỳ. Tóc bà cứ đen một mạch từ tấm bé đến tận bây giờ, dài gần chấm đất. Người đời vẫn truyền nhau đàn bà tóc đen dài sóng sánh thảy đều cô quả. Với bà Cúc là mười phần rồi. Kể từ ngày chị Cúc trẻ trung nhận tấm bằng liệt sĩ ố vàng lấm tấm sau Tết Mậu Thân đến nay đã già nửa thế kỷ còn gì.
Mà tóc bà Cúc tại sao đến giờ vẫn nhóng nhánh như mun?

*
*   *

Cái đêm ấy thế mà đã mấy chục năm rồi.
Cả làng Tiểu Trạch ngày đó ai cũng mừng cho cụ đồ Phan có được người dâu đẹp người đẹp nết, vốn dòng dõi Phùng tướng công triều Nguyễn. Khi Tây Sơn đánh ra Bắc Hà, cụ Phùng từ quan nhưng cũng không cộng tác với Tây Sơn. Nghe đâu mấy lần, đích thân Ngô Thì Nhậm thay mặt vua Quang Trung gửi thư mời ngài, đều nhận về một phong thư trắng. Vốn tiết tháo và nghĩa khí, Phùng công quyết ở lại vườn nhãn làng Tiểu Trạch cùng một gia đồng và nàng thiếp mới chớm đôi mươi. Bà Cúc tóc mun đen chính là cháu nội của Phùng tướng công, chỗ bạn tâm giao với gia tộc họ Phan cho đến khi làm dâu Phan tộc. Hai tộc Phan - Phùng cùng là hai dòng họ lớn của Tiểu Trạch cho đến tận hôm nay.
Đêm hôm đó, sau vài tuần trăng mật, nàng dâu họ Phan đã thấy người khang khác. Thẹn thùng nép vào vòng ngực thanh tú nét thư sinh của chồng, nàng khe khẽ nói:
“Mình ạ! Có lẽ em đậu rồi. Mình thử nói xem, con trai hay con gái?”
Phan Thành xúc động đến lặng người. Nước mắt họ Phan khẽ rịn ra.
“Mình! Thế là Phan tộc có người nối dõi rồi. Trai, gái có gì quan trọng. Chẳng phải mình cũng là con gái độc nhất của Phùng gia đó sao? Gái hay trai đều đặt tên là Phan Phùng Thủy.”
Người vợ rúc rúc vào nách chồng nói nhỏ:
“Mình! Chắc chắn là con trai. Em linh cảm không sai đâu.”
Người chồng khe khẽ quay sang ôm xiết vợ. Trong bóng tối, những giọt nước mắt sóng lên.

*
*   *

Hai tháng sau, người chồng vào chiến trường.
Hai năm sau, cụ đồ Phan Lương nhận về giấy báo tử cậu con trai độc nhất.
Người dâu họ Phan cứ thế ở vậy một mạch cho đến tận bây giờ.
Tấm bằng Tổ quốc ghi công xã đón về cho bảy gia đình liệt sĩ đều mang hai họ Phan, Phùng. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau những trai trẻ, có người còn chưa biết đến vị nụ hôn, hy sinh vì Tổ quốc? Cả vùng Dạ Trạch, cả làng Tiểu Trạch như chìm đi trong tang tóc, đau thương.
Nhưng cũng lạ thường thay, sau khi mãn tang chồng ba năm, chính cô Cúc mới là người cứng rắn đến lạnh lùng sắt đá.
Từ hôm nhận về tấm bằng ghi công liệt sĩ, thầy đồ Phan Lương như gục hẳn. Ông cứ thẫn thờ trong vườn nhãn giáp ranh với vườn nhãn Phùng gia. Lão Phùng Hiếu thông gia thương người bạn già nhưng cũng chỉ biết nén tiếng thở dài. May còn giọt máu đang lẫm chẫm tập đi, cười nói như không hề biết mình đã mồ côi cha từ năm hai tuổi.
Dưới làn hương nhãn cuối xuân đậm đặc, hai bóng người cha Phan, Phùng như sọm lại trên chiếc bàn đá cổ ở gò đất nghe đâu chính là nơi tụ nghĩa của cụ Tám Thuật khi xưa.
Cụ Phùng thong thả nói nhỏ nhưng rành rẽ:
“Phan huynh! Hôm trước, cháu Cúc đã nói rõ ý mình rồi, nó không chịu về bên Phùng tộc tôi đâu. Mong huynh đừng ép nó.”
Cụ Phan đờ đẫn nói:
“Không thể bắt nó lẻ bóng cả đời được. Nó hiếu thuận nhưng mới hai mươi tuổi. Gia đình tôi có tội với Phùng gia!”
Cụ Phùng lại nói:
“Tội tình gì! Có mẹ có con bằng người còn thiệt lợi gì. Cụ nói tội là không đúng. Bậc cha mẹ chúng ta phải nghĩ khác cụ ạ”.
Cụ đồ Phan đôi mắt càng mờ mịt không nói thêm câu nào nữa.

*
*   *

Tin nữ Trung đội trưởng dân quân Phùng Bạch Cúc bắt sống giặc lái Mỹ khiến dân chúng trong vùng xôn xao cả tháng trời. Lạ cho tên phi công, ai đời lại trốn vào mấy mô rạ giữa trời giá rét. Nó lại cẩn thận ấp vài ôm rạ lớn che khuất chiếc dù. Nửa đêm hôm trước, vô vàn máy bay Mỹ đánh vào Hà Nội. Kho xăng Đức Giang cháy đỏ cả góc trời. Máy bay rơi mấy chiếc bên kia sông Cái.
Nghe đài thông báo có giặc lái nhảy dù đang lẩn lút trốn tránh dọc triền sông, Trung đội trưởng dân quân Phùng Bạch Cúc dẫn tổ chị em lùng sục suốt đêm. Đến tảng sáng, phát hiện ra vạt ruộng sát bờ đầm có cái gì là lạ. Thì ra ông kễnh trốn vào đống rạ. Tên phi công mắt mèo xanh biếc cứ trố ra trước khuôn mặt trắng hồng và mái tóc dài đen nhánh ôm lấy tấm lưng ong. Hắn giơ hai tay lên trời mà mắt không chớp một lần trước người đẹp và bảy cô gái đang quây lại.
Khi bộ đội đến giải tên giặc lái đi, có một anh Trung úy đại đội trưởng cứ nhìn theo Cúc mãi. Cái nhìn như ao ước điều gì.

*
*   *

Không thể nào ngờ anh bộ đội lại kiên gan đến vậy. Như là thi gan với người con dâu hiếu thuận họ Phan. Mười bảy năm, anh qua lại theo đuổi nữ đội trưởng dân quân. Hòa bình, anh đem hoa đến dâng lên bàn thờ liệt sĩ đầu tiên. Rồi anh lên biên giới với lá thư tỏ tình nồng nàn hương nhãn. Rồi anh Trung đoàn trưởng bị thương mất một cánh tay trở về ngôi làng bên kia sông Cái, tuần nào cũng theo đò sang làng Tiểu Trạch. Vậy mà vẫn không thể nào lay động được cô Cúc bấy giờ cũng đã sắp bốn mươi.
Hai cụ Phan, Phùng đã về tiên tổ từ bảy năm về trước.
Cậu bé Phan Phùng Thủy bây giờ đã là chàng trai mười tám tuổi.
Hôm chàng thanh niên họ Phan nhập ngũ, đích thân người Thượng tá thương binh trao chiếc ba lô đã bạc sờn, góc trái còn thủng một vết đạn găm.
Chàng tân binh ứa nước mắt nói:
“Chú ở nhà chăm sóc mẹ cháu nhé!”
Hai người lớn không nói gì, chỉ lặng lẽ rịn ra những giọt nước mắt.

*
*   *

Thời gian chầm chậm thoi đưa.
Như mái tóc nhung huyền sóng sánh thuở ngày xưa, tính tình cô Cúc, tiếp đó là bà Cúc vẫn không hề thay đổi. Dầu đã đi qua bao sương gió, thăng trầm, bà vẫn luôn nồng hậu như hương nhãn thảo thơm.
Bây giờ, sang bên kia sông Cái đã có thêm mấy cây cầu. Con đò của Thượng tá thương binh cũng đã vắng bóng từ lâu. Mỗi năm, ông chỉ đến làng Tiểu Trạch một lần dịp sát Tết, để thắp hương cho người liệt sĩ họ Phan.
Ngôi nhà ngày nào vắng vẻ dần theo thời gian đã tràn ngập tiếng nói, tiếng cười. Đám cưới của Trung úy Phan Phùng Thủy với cô giáo Thùy Hương xinh đẹp cả làng đều đến chúc phúc. Đứa con trai đầu lòng của họ cũng mang trong mình dòng máu của hai họ Phan - Phùng. Còn hai nàng công chúa song sinh thì giống bà nội như hai giọt nước. Càng lớn, tóc hai thiếu nữ càng nhóng nhánh xanh đen.
Khu vườn nhãn giờ đây đã mọc lên căn nhà hai tầng khang trang. Hai bên cổng là hai dãy nhãn tỏa bóng xanh mươn mướt. Từ xa, chiếc xe biển đỏ bấm còi pim pim như tín hiệu mùa xuân đang rộn ràng trên khắp nẻo quê hương.
Trong bộ áo dài gấm màu mận chín, đón người khách cũ thường niên, bà Cúc trông như trẻ ra đến hàng chục tuổi.
Trên xe bước xuống hai người Thượng tá, một già, một trẻ. Tiến sĩ Phan Phùng Thủy từ xa đã nhìn thấy mẹ, song anh đã ở cái tuổi tự biết tiết chế cảm xúc, không vồn vã chạy đến mà chỉ rảo bước thật nhanh.
Như là ở đâu đây, hương nhãn dâng lên.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan