KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/03/2020 - Lượt xem: 55
Bảo đảm an toàn cho nhân dân là yêu cầu cao nhất

Chiều 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ bàn về ứng phó dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp có trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh (PCDB) của Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Kinh tế có thể khó khăn, có thể tìm biện pháp hỗ trợ nhưng tính mạng người dân không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân. Đây là yêu cầu cao nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các cấp, ngành, địa phương. Chúng ta chuẩn bị nhiều biện pháp để cách ly tại chỗ, cách ly tại địa phương; huy động nhiều lực lượng tham gia công tác tổ chức cách ly. Những công việc này phải được đẩy với tốc độ cao hơn.
Thủ tướng yêu cầu những khu cách ly tập trung phải phòng ngừa lây nhiễm chéo; có trung tâm kết nối thông tin hiện đại, bổ sung trang bị, hạn chế di chuyển bệnh nhân, chỉ đạo chữa trị bệnh từ xa; tạo niềm tin cho người dân an tâm khi có bệnh nặng sẽ được chữa trị, xử lý kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cơ quan liên quan; các cơ quan truyền thông thông tin bà con từ vùng dịch hạn chế về Việt Nam; người đến Việt Nam từ vùng dịch phải được cách ly. Phương châm chống dịch của Chính phủ là khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan; thông tin đến người dân và quốc tế minh bạch, chính xác, công khai, kịp thời. Tinh thần chống dịch cũng phải như tinh thần ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng, đoàn kết trên dưới một lòng. Tinh thần này cần phải được quán triệt từ trên xuống dưới.
Thủ tướng khẳng định, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là các cơ quan chức năng cần phát huy mạnh mẽ những nhiệm vụ được giao, dựa vào cộng đồng, người dân trong PCDB; cần có hướng dẫn cụ thể người dân chủ động trong PCBD. Ngành Y tế và truyền thông phải làm tốt, hiệu quả việc này; từng người dân, địa phương, tổ chức, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất bằng những biện pháp thông thường như giữ ấm người, rửa tay, không tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết… Một tinh thần là các tổ chức, cá nhân liên quan cần lăn xả vào công việc, cùng góp sức, không ngồi chờ, không có cơ chế “xin cho”. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương phải chủ động quyết định công việc; phối hợp xử lý những vấn đề cấp bách. Ban Chỉ đạo phải quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đề cập một số công việc cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay gần 70 nước, vùng lãnh thổ có dịch bệnh và phải áp dụng biện pháp mạnh, vì thế, chúng ta tiếp tục biện pháp cách ly và giao việc này cho Quân đội đảm nhiệm; cần làm tốt việc cách ly hơn theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia; tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng để đảm nhiệm nhiệm vụ trong thời gian tới. Thủ tướng đề cập sự chủ động đối với khách quốc tế, và đồng bào ta ở nước ngoài về với tinh thần văn minh, chu đáo. Ngành du lịch và hàng không thiệt hại lớn nhất nhưng phải chấp nhận trong lúc này. Chúng ta không được chần chừ, hoặc thỏa mãn, mà phải quyết liệt, không được chủ quan bởi nếu do dự sẽ vấp phải những sai lầm nghiêm trọng.
Thủ tướng yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại các nước thông tin về nguy cơ dịch bệnh, hạn chế sự đi lại của Việt kiều, các khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao áp dụng đúng quy định pháp luật, phù hợp về chế độ visa trên tinh thần hạn chế tối đa người nước ngoài ở vùng dịch vào Việt Nam. Thủ tướng lưu ý, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo nguy cơ cao dịch bệnh lây lan trên toàn cầu, do đó chúng ta có quyền áp dụng một số biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh, không thể chủ quan.
Về một số biện pháp hạn chế tác động của dịch bệnh tới kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh về việc phát huy nội lực của gần 100 triệu dân; có giải pháp chống đứt gẫy chuỗi phân phối, nhất là về nguyên vật liệu; một số biện pháp chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư; có biện pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa như hoãn, giãn một số khoản thu để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm ăn; chuyển từ thu hút khách du lịch quốc tế sang tăng cường thu hút khách du lịch nội địa; đẩy mạnh giao dịch điện tử…; bố trí ngân sách kịp thời cho công tác PCDB nhưng bảo đảm được quản lý chặt chẽ; Bộ Công thương nỗ lực bảo đảm việc các doanh nghiệp trong ngành sản xuất khẩu trang phòng dịch; ngành hàng không phải có biện pháp hạn chế các chuyến bay đến các vùng dịch để giảm số người đến Việt Nam trong lúc này; ưu tiên các đối tượng cần thiết trong PCDB…
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan