KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 23/04/2024 - Lượt xem: 429
“Biết ơn chị Võ Thị Sáu” – Ca khúc còn mãi với thời gian

Năm 1958, khi đang sưu tầm thông tin, tư liệu để có cảm hứng tham gia cuộc thi sáng tác với đề tài về người con gái miền Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã đọc được câu chuyện về Võ Thị Sáu trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán. Một chi tiết vô cùng đắt giá với nhạc sĩ chính là thời thơ bé, chị Sáu rất thích chơi hoa lê ki ma.

Mặc dù cho đến thời điểm đó, Nguyễn Đức Toàn chưa biết cây lê ki ma là cây gì, cũng chưa từng được ra viếng mộ chị Võ Thị Sáu, nhưng với tấm lòng biết ơn vô hạn người nữ anh hùng, trong dòng cảm xúc trào dâng, người nhạc sĩ tài hoa đất Hà Thành đã có được một ca khúc để đời:
“Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở. Đời sau vẫn còn nhắc nhở, sông núi đất nước ơn người anh hùng đã chết cho đời sau.
Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước. Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi.
Dù hoa lê ki ma nở, mồ xanh vẫn còn nức nở, khi đất nước vẫn chia làm hai miền, đêm đến bao giờ sáng cho hoa kia nở. Mùa xuân lan tràn xứ sở, tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu, người nữ anh hùng”.
Tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” không quá dài, chưa tới 150 chữ, được chia làm 3 phần với bố cục nội dung và cấu trúc chặt chẽ, khúc triết. Ở phần thứ nhất, bài hát được mở đầu bằng một đường nét giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, mang tính tự sự: "Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở". Với cách mở đầu êm đềm ấy, kết hợp cùng những ca từ đầy gần gũi, bình dị: “mùa hoa”, “quê ta, “miền đất”, “thôn xóm”, tác giả đã sớm chiếm được đồng cảm của người nghe để cùng bước vào một vùng quê đất đỏ Nam Bộ bình dị, hiền hòa. Câu hai của phần thứ nhất "Sông núi, đất nước ơn người anh hùng đã chết cho đời sau" nhắc lại giai điệu của câu một nhưng ca từ đã được đẩy lên những cung bậc cảm xúc trải rộng, khái quát, bao la hơn với “sông núi”, “đất nước”, từ “người anh hùng đã chết cho hoa lê ki ma nở” đã được nâng lên thành “người anh hùng đã chết cho đời sau”. Đây không chỉ là lời khẳng định, tôn vinh anh hùng Võ Thị Sáu mà còn thể hiện sự tài tình của tác giả khi phát triển tiếp ý nhạc đầu tiên một cách tự nhiên, đương nhiên đến thế.
Từ điểm tựa là những lời kể mang tính tự sự, bài hát bước sang phần hai với nốt cao sáng hơn khiến âm điệu bắt tai và lôi cuốn hơn: "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước”. Mạch cảm xúc được phát triển trong trường liên tưởng từ loài hoa lê ki ma, tượng trưng cho mùa xuân đất trời đến người thiếu nữ tượng trưng cho mùa xuân của tuổi trẻ. Và sức trẻ ấy là để dâng hiến cho núi sông, đất nước với niềm tin cháy bỏng, lòng dũng cảm không lùi “dù chết vẫn không lùi bước”. Từ giai điệu trong sáng, mạnh mẽ, tính bi tráng, ngợi ca bộc lộ rõ nét khi câu thứ hai vang lên như dòng điệp khúc “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi”. Qua lời hát, hình tượng chị Sáu trẻ trung, hiên ngang như tạc khắc vào trái tim người còn sống một tấm gương dũng cảm “dù chết vẫn không lùi bước”, cổ vũ, thúc giục lòng người ý chí, quyết tâm “đi lên không lùi bước”. Vẫn là giai điệu âm nhạc của câu thứ nhất, nhưng ca từ, âm điệu của câu tiếp theo mạnh mẽ, quả quyết hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kết lại toàn bộ phần cao trào của tác phẩm.
Đoạn kết của bài hát đưa ta trở lại nhịp điệu tâm tình, thủ thỉ “Dù hoa lê ki ma nở, mồ xanh vẫn còn nức nở, khi đất nước vẫn chia làm hai miền, đêm đến bao giờ sáng cho hoa kia nở”. Hình ảnh mang tính đối lập nhau giữa “hoa lê ki ma nở” và “mồ xanh” cùng cách luyến láy, điệp từ “nở” giữa đầu câu, cuối câu với âm thanh “nức nở” giữa câu như nối dài mãi liên tưởng về sự tiếc thương kìm nén, không dám bật thành lời của tác giả cũng như người nghe về sự ra đi của người nữ anh hùng khi tóc vẫn còn xanh. Điều đáng quý là dù thật buồn nhưng bài hát không đem đến sự bi thương, tuyệt vọng mà kết lại bằng những ca từ, ý niệm tràn đầy niềm tin tưởng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước “Mùa xuân lan tràn xứ sở, tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu, người nữ anh hùng”. Sự hy sinh của chị Sáu không bao giờ vô nghĩa, chị hy sinh để đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, chị hy sinh để hoa thơm trái ngọt nở mãi không thôi, để lòng người luôn thức dậy ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, để câu hát nối dài trên môi người yêu tự do, yêu lẽ phải!
“Biết ơn chị Võ Thị Sáu” là bài hát về câu chuyện lịch sử bi hùng mà nhân vật trung tâm là nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Vượt qua được lối kể chuyện thiên về ủy mị hay đao to, búa lớn, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã thành công khi khéo léo khắc họa và đánh giá nhân vật bằng những ngôn ngữ dung dị, nhịp điệu nhẹ nhàng, tha thiết, truyền tải cảm xúc đến người nghe, khơi gợi lòng tự hào, biết ơn người nữ anh hùng. Giữa tuổi xuân phơi phới, đẹp đẽ, đầy mộng mơ, lãng mạn, chị đã tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương và ngã xuống ngay trên mảnh đất ruột thịt của mình. Dù đã hy sinh nhưng tấm gương của chị sẽ mãi mãi bất tử trong trái tim người đang sống, chị đã hóa thân vào từng cánh hoa, vào mùa xuân xứ sở. Để rồi mỗi độ xuân về, hoa lê ki ma nở lại khiến người người bâng khuâng, xúc động, nhớ về chị -  người nữ anh hùng.
Là sự kết tinh điển hình, mẫu mực, hoàn hảo về nghệ thuật khai thác đề tài lịch sử, cảm xúc chân thực và tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ - chiến sĩ, ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” đã làm lay động trái tim hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng ca khúc vẫn luôn được đông đảo công chúng yêu mến và vững vàng xếp hạng những nhạc phẩm đỉnh cao của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Nhiều ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư nhờ hát bài hát này mà xây dựng được tên tuổi, thành công nhất có lẽ phải kể đến NSƯT Thanh Thúy. Bài hát từng giúp Thanh Thúy đoạt giải tại Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 1994, đồng thời còn được đạo diễn Lê Dân mời đóng vai nhân vật Võ Thị Sáu trong phim "Người con gái đất đỏ" vào năm 1995. Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho chùm 6 tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan