KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 05/05/2016 - Lượt xem: 171
Buồn vui đi chiến dịch

         -Truyện ký-
 
Đại đội Thanh niên xung phong 381 chúng tôi đang khẩn trương gia cố con đường Bắc Sơn- Đình Cả- Thái Nguyên, con đường 8 thước đầu tiên của an toàn khu Việt Bắc. Đêm đêm từng đoàn xe dài, chùm bạt kín mít, cành lá nguỵ trang loà xoà, kìn kìn nối đuôi nhau vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Xe và hàng từ bên kia biên giới chạy về mỗi đêm một nhiều thêm. Đường mới hoàn thành bị sụt lở và xuống cấp liên tục, chúng tôi phải đảm nhiệm trên đoạn đường dài hàng chục cây số không được để xe có sự cố. Thấy xe đi nhiều, chúng tôi đoán mò là chiến trường đang đánh lớn nên ai cũng phấn khởi, thi đua lao động và ngong ngóng sẽ được đi chiến dịch .
Ngày 13/3/1953, ta đánh Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cán bộ đi họp về truyền đạt lại tin tức chiến trường, anh em vừa háo hức vừa thắc mắc:
-  Ban Chỉ huy trước đây nói, làm xong đường thì giao cho dân công duy tu bảo dưỡng, còn TNXP có thể đi phục vụ chiến dịch. Mặt trận Điện Biên Phủ mở rồi, sao đơn vị ta vẫn chưa được đi? Làm đường mãi chán lắm! 
Có anh  bật dậy phát biểu:
-Tôi tưởng đi TNXP là được đi chiến đấu giết giặc, chứ biết đi làm đường mãi thế này thì tôi không đi.
Ban Chỉ huy lại ra công giải thích :
- Nhiệm vụ nào cũng là kháng chiến giết giặc. Ta làm đường để chi viện cho bộ đội  trực tiếp đánh giặc ngoài tiền tuyến cũng rất  quan trọng, sao lại tách bạch làm việc này hơn làm việc khác? Làm con đường này cũng chính là để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên này đấy.
- Nhưng cầm súng thích hơn cầm xẻng. Chiến đấu lập công vẫn thích hơn.
Lúc ấy lớp thanh niên chúng tôi hầu như đều có tâm trạng như  nhau: Chưa đủ đủ điều kiện đi bộ đội thì đi TNXP để được tham gia cầm súng giết giặc lập công.
 *
Một tối hạ tuần tháng 4/1954, đơn vị tôi được triệu tập họp khẩn cấp. Đại đội trưởng nói vắn tắt :
- Ngày mai,  đơn vị được nghỉ việc 1 ngày để chuẩn bị cấp tốc lên đường bổ xung cho quân đội ngoài mặt  trận...
Chỉ  huy chưa nói dứt lời, cả đơn vị đã bật dậy vỗ tay reo hò: "Hoan hô ! Hoan hô ! Được đi chiến dịch rồi" vang động cả  một góc rừng .
Thủ trưởng phải khoát tay yêu cầu trật tự để nói tiếp:
-  ... Dụng cụ lao động các tiểu đội tập trung để bàn giao cho công Trường. Các đồng chí đội viên đang ốm được ở lại, ai có nguyện vọng tiếp tục làm đường được chuyển hết sang công trường. Đi bổ sung cho quân đội lần này phải là những người tự nguyện xung phong không sợ hy sinh, không ép buộc ai cả. Vậy ai xung phong thì giơ tay .
Cả đơn vị nhất loạt giơ tay. Mấy cậu đang sốt rét nằm trong lán nghe phải ở lại cũng chống gậy lần ra:
-  Em không ở lại đâu. Đề nghị cho em  được đi cùng đơn vị.
 Thủ trưởng lại phải giải thích, rồi phân ngay cán bộ xuống họp cùng các tiểu đội, lập danh sách và lấy ý kiến từng người. Cuối cùng vẫn phải nói nước đôi :
- Chúng tôi cứ ghi tên đồng chí, nhưng khi cấp trên quyết định thế nào thì đồng chí phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nên nhớ Bác Hồ đã dạy: TNXP  phải xung phong trong bất kỳ mọi việc...
Cả đêm  ấy, nhiều anh hồi hộp thao thức, ai cũng sợ mình phải ở lại tiếp tục làm đường. Ngày sau các cuộc họp được liên tục triệu tập để đánh thông tư tưởng cho những người phải ở lại.
Vì, một phần ba đơn vị phải ở lại tiếp tục làm đường.
*
Lúc chia tay kẻ đi người ở thật quyến luyến. Cánh phải ở lại nhiều anh khóc nức nở, nhiều anh xung phong mà không được đi thì nói dằn dỗi và oán trách ban chỉ huy cảm tình anh này, anh khác .
Hơn 200 cán bộ, đội viên TNXP phấn chấn hăm hở lên đường. Hành trang cá nhân có chiếc ba lô, chiếc chăn đơn, chiếc chiếu cỏ tự đan. Ngoài ra, mỗi người còn khoác ngang ngực là chiếc bao tải căng phồng chứa gần chục cân gạo, quanh thắt lưng là dụng cụ ăn uống: chiếc rá con đựng cơm  chia hàng bữa, cái máng tre đựng canh và cái cốc tự tạo. Lỉnh kỉnh nhưng nhẹ nhàng nên mọi người vừa đi vừa hò hát, rồi bàn nhau chuyện vào bộ đội. Chỉ riêng bộ phận anh nuôi là quang gánh cồng kềnh. Có anh phát bực: "Ra mặt trận là xin khẩu súng đi đánh nhau sốt sột. Tớ quyết không làm cái nghề quanh năm gạo củi, bốn mùa chảo xoong này nữa!" 
Một hôm, Ban Chỉ huy thông báo: "Hành quân qua Thái Nguyên sang Tuyên Quang sẽ được phát quân trang, quân dụng mới. Qua bên đó, ngày luyện tập quân sự, đêm hành quân, rồi sẽ đi bằng xe tải Liên Xô ra đến mặt  trận là bổ xung ngay vào các đại đội bộ đội đang thiếu quân số và được vào chiến đấu ngay”.
Anh em lại ran ran bàn chuyện :
- Thế thì quẳng bớt những dụng cụ ăn uống thời tiền sử này đi cho nhẹ thôi.
Tưởng anh em vứt thật, cán bộ vội hét toáng lên :
- Vứt hết, chiều nay chia cơm  không có cái  chứa, rồi ăn bốc với nhau cả à? Quần áo chăn màn nếu được phát mới là phải thu lại làm giẻ lau vũ khí.
Mỗi lần gặp cán bộ đại đội là anh em lại nhao nhao hỏi nóng:
- Bao giờ được phát súng đạn? Bao giờ được phát quân trang đấy Thủ trưởng ơi!
Cứ mường tượng ra cảnh diện quân trang mới toanh, đầu đội mũ đính sao  bọc lưới xanh rờn lá nguỵ trang, mình khoác mảnh vải dù, tay cầm súng,  thắt lưng đeo lựu đạn ai cũng thấy hãnh diện đến run người.
Nhiều anh lại mường tượng ra cảnh chiến trận nói ra làm mọi người râm ran bàn tán. Vừa hành quân vừa tán tếu cười ran nên đường trường như ngắn lại, hơn trăm cây số mà chúng tôi đi chỉ có hai đêm. Ban ngày lại phân tán để tránh máy bay giặc đang ầm ì, từng tốp bay tít trên cao  vùn vụt lao về hướng  trời tây.
Qua Đèo Khế sang đất Tuyên Quang, chúng tôi được lệnh đóng quân chờ cán bộ đi họp về nhận lệnh mới. Lại bao nhiêu phán đoán, bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước mơ chiến đấu được bàn tán râm ran khắp chỗ. Thông tin duy nhất là nghe cán bộ đi họp về truyền đạt lại tình hình. Cụ thể thế nào không ai biết rõ, chỉ nghe rằng đánh nhau ác liệt lắm, ta đang đà chiến thắng…
Đêm đêm  gặp những đơn vị bộ đội, những  toán dân công gồng gánh, hò hát, cười đùa rậm rịch nối nhau đi trên đường như chẩy hội mà mỗi anh lại phán đoán chiến trận theo suy tưởng của mình. Anh nào anh ấy nôn nóng  mong ngóng chóng được đến Điện Biên ngay, nhưng Điện Biên thế nào thì chẳng ai biết rõ, chỉ biết ở nơi ấy ta và giặc ngày dêm quần nhau ác liệt ...
*
Chiều 8 tháng 5, cán bộ chỉ huy được triệu tập đi họp  gấp. Sớm sau anh quay về với vẻ mặt thiếu ngủ vì thức trắng đêm nhưng lại hồ hởi phấn khởi vô cùng. Đơn vị lại được triệu tập họp ngay:
- Xin thông báo các đồng chí một tin vui: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị quân ta hạ gục. Tướng chỉ huy bị quân ta bắt sống cùng toàn bộ sậu…
Chỉ huy chưa nói hết, cả đơn vị đã bật dậy reo hò hoan hô tưởng tung lồng ngực .
Nhiều người lại tiếc rẻ :
-  Thế là đơn vị mình không được vào trận rồi.
- Tại chúng mình chậm chân, Ban Chỉ huy không khẩn trương tìm xe cho anh em  ngay. Tiếc quá! Tiếc quá ....
- Thôi đành đi nhanh ra trận đẻ ta thu dọn chiến trường vậy. May ra vớt  vát được ít súng cho đơn vị .
Đợi cho  sự lạc quan tếu táo  dịu lại, đồng chí cán bộ Chỉ huy  nói tiếp:
- Không đi chiến dịch này thì  đi chiến dịch khác. Còn thằng Tây, thằng nguỵ thì ta còn phải đánh. Đánh xong giặc, ta còn phải lo xây dựng đất nước.
Như sực nhớ chưa đi vào vấn đề chính của cuộc họp, anh vội kết luận:
- .... Trên có lệnh cho đơn vị ta phải yên tâm tư tưởng, quay  trở lại  củng cố và bảo vệ con đường 8 thước. Có thể tới đây địch sẽ trút bom  trả thù xuống con đường nhận chi viện quốc tế chủ yếu này của chúng ta.
Nghe phải quay lại, ý kiến lại nhao nhao:
- Lại làm đường, chán quá.
- Nó mới chỉ thua ở Điện Biên, còn đóng khắp vùng trung du, đồng bằng kia kìa, đề  nghị trên cho chúng ta đi đánh tiếp...
Đồng chí chỉ huy phải nghiêm mặt:
- Ta phải chấp hành mệnh lệnh của trên. Mọi công việc lúc này đều là góp phần vào cuộc kháng chiến cả, không có việc gì là vinh dự hay kém cỏi cả, các đồng chí rõ chưa!
 *
Ngày sau chúng tôi hành quân quay lại Thái Nguyên với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì quân chiến thắng lớn quá, buồn vì chẳng toại nguyện trực tiếp ra chiến trường để trực tiếp nhìn cảnh thảm bại của kẻ thù. Trong đoàn quân tuy vẫn hò hát, tán chuyện khôi hài nhưng khí thế kém lúc ra đi nhiều lắm .
Chỉ hơn 2 tháng sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, hoà bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, quân đội Pháp được cho là hùng mạnh nhất nhì thế giới phải xuống tầu cuốn gói vào Nam, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, mở ra trang sử mới của toàn dân tộc.
Và chúng tôi lại bước vào trận địa mới: Trận địa xây dựng miền Bắc  XHCN vững mạnh để chi viện miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đông Trang

 

Tin liên quan