Thượng úy sỹ quan dự bị Lê Văn Hoàn tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế
Thượng úy sỹ quan dự bị Lê Văn Hoàn, Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 126, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh được cử đi học lớp Sỹ quan dự bị và được biên chế trợ lý chính trị Trung đoàn 126, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên. Vừa tham gia công tác xã hội, vừa tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, bản thân anh quyết định đi học nghề tại Trường Trung học thiết kế thời trang Hà Nội và hoàn thiện lớp Cao đẳng kế toán quản trị kinh doanh, anh thành lập xưởng may, với diện tích hơn 100m2.
Thượng úy Sỹ quan dự bị Lê Văn Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 126, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên
phát biểu tại hội nghị giao ban Trung đoàn
Thời gian đầu lập nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý nên anh Lê Văn Hoàn làm ăn thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Song với bản lĩnh của người đảng viên, sự kiên trì và phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ với quyết tâm "thắng không kiêu, bại không nản", anh Hoàn đã không bỏ cuộc. Từ một xưởng may nhỏ ban đầu, đến nay tổng vốn đầu tư xưởng may của anh Hoàn đã đạt trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động và gần 200 lao động của các xưởng gia công khác, bảo đảm thu nhập ổn định với mức lương từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh Lê Văn Hoàn đã trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính cho 3 quân nhân xuất ngũ tạo lập xưởng may tại nhà với thu nhập ổn định. Trên cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn dự bị động viên anh luôn sắp xếp công việc, bám nắm cơ sở, tìm hiểu tâm tư tình cảm chiến sỹ dự bị động viên để từ đó có những tham mưu đề xuất kịp thời với cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2015 anh Lê Văn Hoàn được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen “Thanh niên làm kinh tế giỏi”; UBND huyện Ân Thi tặng Giấy khen. Năm 2018, anh vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên. Năm 2019, anh là một trong những điển hình tiên tiến được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ .
Bí thư Đoàn xã Dạ Trạch tích cực hiến máu cứu người
Với suy nghĩ: “Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”, nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tích cực tham gia hiến máu cứu người.
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ “Trái Tim tình nguyện”- câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của huyện Khoái Châu, anh Nguyễn Văn Tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác hiến máu tình nguyện. Tính đến nay, anh đã 25 lần tham gia hiến máu, trong đó nhiều lần hiến máu trực tiếp cấp cứu cho người bệnh. Bên cạnh đó, anh Nguyễn Văn Tỉnh đã cùng với cán bộ Đoàn tại địa phương, các thành viên trong Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện huyện Khoái Châu tích cực tuyên truyền, tư vấn cho nhiều đoàn viên, thanh niên, người dân hiểu được ý nghĩa của việc chia sẻ giọt máu hồng. Nhờ đó, phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương ngày càng thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, trung bình mỗi năm có khoảng 30 - 40 lượt người tham gia hiến máu.
Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHTN xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu,
(mặc áo trắng) tham gia hiến máu tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương
Không chỉ tích cực trong vận động, tham gia hiến máu cứu người, anh Nguyễn Văn Tỉnh còn say mê với công tác Đoàn. Anh đã cùng các đoàn viên thanh niên trong xã vận động xã hội hóa để phục vụ các hoạt động như: xây dựng tuyến đường thắp sáng, chương trình tiếp sức mùa thi, các hoạt động thiện nguyện…
Với những kết quả đạt được, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Tỉnh được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Năm 2019, anh là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu của cả nước được tôn vinh và vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; Năm 2020, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ghi danh đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng 5 năm (2015-2020); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người đảng viên, cán bộ công đoàn hết lòng vì người lao động
Đồng chí Trịnh Phi Nhíp, công nhân kỹ thuật, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên được biết đến là một người thân thiện, năng động và luôn hết lòng vì người lao động.
Đồng chí Trịnh Phi Nhíp, công nhân kỹ thuật, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam, huyện Văn Lâm, (người thứ 6 từ trái sang, hàng đầu) nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Ngày hội CNVCLĐ tỉnh Hưng Yên năm 2019
Hơn 15 năm gắn bó với công ty, từ một nữ công nhân trẻ mới chập chững vào nghề, đến nay đồng chí Trịnh Phi Nhíp đã trở thành một công nhân kĩ thuật lành nghề với nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật và 11 năm làm công tác Công đoàn với một bề dày thành tích. Với sự nhiệt tình, tâm huyết của người cán bộ làm công tác Công đoàn đồng chí Nhíp đã chủ động tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp cùng Ban Giám đốc Công ty thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và triển khai, phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong cán bộ, công nhân viên. Nhờ sự tận tâm, sâu sát của đồng chí Trịnh Phi Nhíp, tinh thần sáng tạo trong Công ty được đẩy lên cao, nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng ra đời. Riêng năm 2019, có khoảng 12.000 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng, trong đó có gần 1.000 sáng kiến tiêu biểu được Ban giám đốc đánh giá cao.
Với sáng kiến “Tái sử dụng Sleeve (vòng ngang) từ Cylinder (xi lanh xe máy) bị hỏng” đem lại hiệu quả kinh tế hơn 2 tỉ 350 triệu đồng/năm cho công ty và những cống hiến của mình, đồng chí Trịnh Phi Nhíp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”. Năm 2019, đồng chí vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương tại Ngày hội công nhân, viên chức, lao động tỉnh Hưng Yên.
Đoàn viên Vũ Duy Hào với sáng chế “sông trong ao”
Anh Vũ Duy Hào, đoàn viên Chi đoàn Vân Dương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với sáng chế “dòng sông nhân tạo” nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Vũ Duy Hào, đoàn viên Chi đoàn thôn Vân Dương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào thu hoạch cá
Ý tưởng sáng chế “dòng sông nhân tạo” được hình thành từ câu chuyện và ít tài liệu bằng tiếng Anh được mẹ anh Vũ Duy Hào mang về từ cuộc hội thảo của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Mỹ. Được mẹ kể lại việc chuyên gia nước ngoài kể chuyện về mô hình làm sông nhân tạo nuôi cá của nước họ cùng với tập tài liệu bằng tiếng Anh có vài hình ảnh minh hoạ, anh Hào đã nảy ra ý tưởng làm “dòng sông nhân tạo” trong ao để nuôi cá. Sau nhiều ngày tìm tòi, nghiên cứu, Hào đã tạo được “dòng sông nhân tạo”với đầu vào là hệ thống bơm sục khí tạo dòng chảy ngầm qua một bức vòm cong, đầu ra là hệ thống hút chất thải.
Tuy nhiên, để hoàn thiện sáng kiến của mình Hào đã phải trải qua không ít khó khăn, thậm chí phải làm đi làm lại nhiều lần. Những ngày đầu áp dụng mô hình “dòng sông nhân tạo” vào sản xuất, anh gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế. Cá nuôi vẫn chậm lớn, chất lượng thịt cá thấp, thậm chí khi gặp sự cố, dịch bệnh khiến cá chết rất nhiều.
Không nản lòng, bằng tâm huyết và sự kiên trì, và quyết tâm mô hình dòng sông nhân tạo của anh Hào đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nuôi cá. Hiện nay, với 15 “dòng sông nhân tạo” được lắp đặt trong ao của hợp tác xã Hòa Phong do anh phụ trách kỹ thuật đã cho những kết quả vượt trội về năng suất và chất lượng thịt cá. Mật độ cá thả có thể dày lên mức 40 con/m2, trong khi thả ao bình thường chỉ mức 2 con/m2. Cá nhanh lớn, thịt săn chắc vì thường xuyên phải vận động, háu đói nên ăn tới 4 lần/ngày. Thịt cá không còn hôi tanh mùi bùn so với cá thả ao tĩnh. Ngoài ra, “dòng sông nhân tạo” còn cung cấp nguồn nước nhiều dưỡng chất có thể phục vụ trồng rau sạch bằng công nghệ thuỷ sinh trong nhà lưới.
Với sáng chế và áp dụng thành công mô hình “dòng sông nhân tạo” góp phần đưa Hợp tác xã Hòa Phong phát triển, anh Vũ Duy Hào đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen; Tỉnh đoàn Hưng Yên tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2016-2018 và là đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
NL