KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 08/05/2025 - Lượt xem: 6
Cân bằng mục tiêu, lợi ích trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội sẽ thông qua nhiều dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước, trong đó Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng sẽ được đưa ra thảo luận lần cuối để các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Dây chuyền sản xuất bia lon của một doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT).

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính đề xuất đã đưa ra hai phương án tăng thuế đối với sản phẩm bia. Tuy nhiên, đề xuất này thời gian qua đang gây ra nhiều tranh luận từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm nay và hai con số những năm tiếp theo.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều thống nhất rằng, việc lựa chọn phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh gây “sốc” cho thị trường.

Hài hòa mục tiêu, lợi ích

Ngành bia Việt Nam là một ngành kinh tế kỹ thuật lâu đời, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, không chỉ nộp ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với mục tiêu kiểm soát tiêu thụ rượu bia và tăng nguồn thu, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đưa ra hai phương án tăng thuế đối với bia trong giai đoạn 2026-2030.

Phương án 1: Từ năm 2026, tăng thuế từ 65% lên 70%, sau đó tăng 5% mỗi năm, đạt 90% vào năm 2030. Phương án 2: Tăng "sốc" từ 65% lên 80% ngay năm 2026, rồi tiếp tục tăng 5% mỗi năm, đạt 100% vào năm 2030.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế sẽ giúp nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tác hại của lạm dụng rượu bia, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư công.

Theo tính toán, dự kiến giá bán lẻ bia sẽ tăng 10% theo phương án 1 và 20% theo phương án 2 vào năm 2026, với mức tăng 2-3% mỗi năm sau đó để phù hợp với lạm phát và thu nhập người dân.

Tuy nhiên, lộ trình tăng thuế này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều do các doanh nghiệp ngành bia lo ngại, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng quá mạnh, đặc biệt theo phương án 2 sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, làm giảm sức cầu và đẩy giá bán lẻ tăng cao. Khi đó, người tiêu dùng sẽ phải chịu toàn bộ gánh nặng chi phí, chưa kể Nhà nước có nguy cơ mất nguồn thu dài hạn nếu ngành bia suy giảm.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra cảnh báo, môi trường kinh doanh hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng quá nhanh, sức cầu tiêu dùng sẽ suy giảm, kéo theo tác động tiêu cực đến giá trị tăng thêm của ngành bia và các ngành liên quan như nông nghiệp, logistics, và bán lẻ. Một chính sách thuế không cân nhắc kỹ sẽ làm xói mòn nguồn thu ngân sách thay vì nuôi dưỡng nó.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, ngành bia-rượu-nước giải khát là ngành có sự gắn bó lâu đời với đời sống người dân, đóng góp cho ngân sách khoảng 2% GDP; nộp ngân sách hằng năm hơn 60 nghìn tỷ đồng. Ngành này giải quyết vấn đề lao động, thu hút vài triệu lao động gián tiếp.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Với những thách thức mà ngành bia đang đối mặt thời gian qua từ tác động của đại dịch Covid-19, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm nồng độ cồn đến chi phí đầu vào tăng cao, nay tiếp tục đối mặt với việc tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt, chắc chắn các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Do đó, để bảo đảm cả 3 mục tiêu: Sức khỏe, tăng thu ngân sách, mục tiêu kinh tế-xã hội khác, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam mong muốn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV này, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu những kiến nghị trước đó của các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp, lùi thời điểm tăng thuế đến năm 2028, lựa chọn áp dụng phương án 1 với mức tăng 5% mỗi năm để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng và chuyển đổi mô hình sản xuất.

Đây cũng là phương án tối ưu nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, ngoài mục tiêu “tăng trưởng kinh tế” cần phải quan tâm tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu. Thực tế, các doanh nghiệp trong ngành đều mong muốn được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất với kịch bản tăng trưởng kinh tế hơn 8% và hai con số trong những năm tiếp theo đã được đặt ra.

Cần một lộ trình hợp lý

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là bài toán cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng, lợi ích kinh tế và an sinh xã hội. Một lộ trình tăng thuế chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành bia có thể lao đao, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm sản xuất, dẫn đến mất việc làm và suy giảm đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, giá bia tăng sẽ làm tăng chi phí tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm khách hàng nhạy cảm về giá. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của bia không chính thống, hay còn gọi là "bia cỏ" tại các "lò" nấu tự phát, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người dùng do có hàm lượng methanol cao.

Ảnh minh họa.

Đại diện Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phan Minh Thủy cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia ngay trong năm 2026 với mức tăng "sốc" như tại phương án 2 chưa chắc giúp đạt được mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng nếu thiếu các bằng chứng khoa học xác đáng.

Thậm chí theo bà Thủy, điều này có thể làm gia tăng tiêu thụ hàng lậu, hàng không chính thống, gây rủi ro cho sức khỏe người dân và ảnh hưởng nguồn thu lâu dài. Do đó, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, nguy cơ suy giảm nguồn thu ngân sách về lâu dài bởi sức cầu giảm mạnh, doanh thu doanh nghiệp sụt giảm sẽ kéo theo giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương phối hợp CIEM dự báo phương án 2 trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2026-2030, gây tổn thất dài hạn.

Trước những thách thức này, nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng thuận cho rằng rằng, phương án 1 với mức tăng thuế từ 65% lên 90% trong giai đoạn 2026-2030 đối với sản phẩm bia là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng nên cân nhắc có thể lùi đến năm 2028 mới áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tránh biến động mạnh cho thị trường.

Một lộ trình tăng thuế bắt đầu từ năm 2028 có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích khi doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc, người tiêu dùng tránh được cú sốc giá, và Nhà nước duy trì nguồn thu ổn định từ ngành bia. Quan trọng hơn, điều này thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ, Quốc hội đối với doanh nghiệp và người dân, hướng tới một chính sách thuế công bằng và bền vững trong tương lai.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan