KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 12/02/2018 - Lượt xem: 177
Chó đá- từ hiện thực đến thăng hoa

  Thuở còn nhỏ, tôi vẫn thường cùng bọ trẻ trong xóm chạy nhảy trong sân đình- lúc đó được dùng làm sân kho phơi lúa của hợp tác xã. Trẻ con thường quậy phá, nhưng bọn tôi vẫn ít khi bị rầy la. Chỉ đến khi tôi cưỡi lên đôi chó đá trước nghi môn bị bà tôi bắt gặp, thì mới ăn vụt vài roi. Tối ấy, dường như để an ủi trận đòn, bà tôi đã kể cho tôi nghe chuyện về đôi chó đá và anh học trò nghèo… Thuở còn nhỏ, tôi vẫn thường cùng bọ trẻ trong xóm chạy nhảy trong sân đình- lúc đó được dùng làm sân kho phơi lúa của hợp tác xã. Trẻ con thường quậy phá, nhưng bọn tôi vẫn ít khi bị rầy la. Chỉ đến khi tôi cưỡi lên đôi chó đá trước nghi môn bị bà tôi bắt gặp, thì mới ăn vụt vài roi. Tối ấy, dường như để an ủi trận đòn, bà tôi đã kể cho tôi nghe chuyện về đôi chó đá và anh học trò nghèo…

  1. Chó đá bình dân…
Câu chuyện ngụ ngôn như một sự răn dạy người đời đức tính khiêm tốn. Đại loại, anh học trò nọ một hôm đi qua cổng đình bỗng thấy đôi chó đá nhổm dậy quẫy đuôi mừng rỡ. Hỏi thì đôi chó đá tiết lộ, khoa thi này anh sẽ đỗ rất cao. Khi bố mẹ anh học trò biết được, bèn huênh hoang dọa nạt xóm làng. Hôm sau, anh đi qua, đôi chó đá không vẫy đuôi nữa. Lấy làm lạ, anh học trò lại hỏi, chó đá bèn nói do cha anh hách dịch, Thiên Tào đã gạch tên, không phù cho anh thi đỗ nữa nên nó không phải mừng. Khóa ấy, anh thi hỏng thật. Nhưng nhờ vào sự quyết tâm và cả gia đình tu nhân tích đức, trước lần thi sau, anh đi qua đôi chó đá, lại thấy chúng nhỏm dậy, vẫy đuôi mừng. Quả nhiên, khóa này anh học trò ấy đỗ đại khoa
Từ khi nghe được câu chuyện ấy, ngày nào đi học tôi cũng thử nhìn xem đôi chó đá có biểu hiện gì không… Rồi trẻ con chóng quên, bẵng đi một dạo, tôi cũng chẳng để ý đôi chó đá cùng với nghi môn bề thế của đình làng tôi đã biến mất lúc nào. Sau này lớn lên, với công việc nghiên cứu của mình, tôi lại có dịp tìm hiểu về những chú chó đá và hình tượng con chó trong trong mỹ thuật của người Việt cổ…
Trái với sự xuất hiện dày đặc trong ngữ văn, ở mảng mỹ thuật, con chó lại khá ẩn dật. Trong số 12 con giáp, chú chó- Tuất- ít được thể hiện như một đồ án trang trí cổ truyền. Chú chó đầu tiên xuất hiện trong lịch sử mỹ thuật của người Việt từ thời sơ sử. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, trên thân trống đồng Ngọc Lũ I có hai hình chó đang đứng trên thuyền rước lớn. Ở các rìu xéo thuộc các di chỉ Việt Trì, Quốc Oai, Đông Sơn và Làng Cả, đều có hình khắc chó đang săn đuổi thú cho chủ. Tuy nhiên, đến su này thì hình tượng chó trên các tác phẩm mỹ thuật lại đứt đoạn. Dằng dặc cho đến mãi sau này, khi các loài khác được đi vào tranh vào tượng như những biểu tượng của sự no ấm, đầy đủ, thành đạt… thì các chú chó trung thành vẫn như một kẻ ngoài lề, hiếm hoi được “trình làng” một cách sang trọng.
Dù thế, nhưng những chú chó lại xuất hiện trong mỹ thuật theo đúng phong cách gần gũi dung dị của những “nguyên mẫu” là những chú chó thật, đó là làm chức năng canh giữ không cho kẻ lạ thâm nhập. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, thì “người Việt xưa tin rằng “chó sủa ma”, có thể xua đuổi được tà ma. Vì vậy ngày trước, ở cổng làng, cổng ngõ xóm mỗi làng Việt đều có tượng chó đá. Cả ở nhiều mộ táng cổ cũng vậy”[1]. Không chỉ ở cổng làng, cổng xóm hay mộ táng, trước đây các hộ gia đình đặt đôi chó đá trước cổng như một vật trấn yểm trừ tà. Nhà khá giả thì thuê thợ, người không có điều kiện mà lại được trời phú chút “hoa tay” thì tự tạc lấy. Ở biệt phủ (còn gọi là Việt Phủ ở Sóc Sơn, Hà Nội) của mình, họa sĩ Thành Chương đã sưu tầm vài chục đôi chó đá cổ với các hình dáng, kích cỡ khác nhau, đôi thì cầu kỳ, đôi thì thô mộc muôn hình muôn vẻ. Em gái và em trai ông, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức mỗi người cũng sưu tập được hàng trăm đôi chó đá. Nguyên những chú chó đá này đều là “vật nuôi” trước cổng nhà của các gia đình khắp dân gian các tỉnh Bắc Bộ, xã hội thay đổi, niềm tin tâm linh trước đây không còn nữa, việc nuôi chó đá trước cổng không còn cần thiết, họ mới thanh lý  chúng. Nhưng đó vẫn là những chú chó đá “may mắn” sót lại. Có một dạo, cùng với việc bài trừ mê tín dị đoan, người ta đã thẳng tay vứt bỏ chó đá xuống giếng, xuống sông, thậm chí là đem nung vôi.
Tuy bị “ruồng rẫy”như thế, nhưng những con chó đá dường như vẫn “quấn quýt” vào tâm thức người Việt đồng bằng Bắc Bộ. Thẳm sâu trong ký ức, dân gian vẫn nhớ về những con chó đá thân thuộc trước cổng nhà hay trong xóm, trong làng. Có người làng An Xá (Kim Động) kể rằng, có đêm đi đánh cá về, thấy hàng đàn chó đá bơi qua khúc sông ngày xưa người ta đem vứt chúng. Ở làng Phục Lễ (Lương Tài, Văn Lâm), có đôi chó đá đặt ở cổng làng. Qua tháng năm, đôi chó đá đã chứng kiến bao sinh hoạt của con người qua lại. Và, “vật bất cổ bất linh, nhân bất cổ bất danh”, vật để lâu đâm ra linh thiêng, đôi chó đá thành ra như có linh ứng, được dân làng tôn kính gọi là “thạch khuyển”. Để đến khi đôi “thạch khuyển” bị kẻ gian lấy mất, dân làng phải đặt mua một đôi khác thay thế vào chỗ cũ như một di vật gắn liền với đời sống của làng. Cửa chùa Hương Kiệu (chùa Kẹo), thôn Đại (xã Phụng Công, Văn Giang) trước đây đặt đôi chó đá. Sau chiến tranh, chùa bị phá, chuyển mục đích khác, nhưng ngày tuần ngày rằm vẫn có người thắp hương trước đôi chó đá. Giờ chùa được trùng tu khá to đẹp, đôi chó đá lại về oai vệ ngồi trước cửa, như linh vật canh giữ cõi Phật. Cụ bà thủ nhang chùa Hương Kiệu khi giới thiệu về đôi chó đá không gọi là chú, là con chó mà với giọng kính cẩn là “ông chó đá”: “Ông thiêng lắm, trước đây có người mang về đặt ở cổng, mà gia đình lắm chuyện không hay, không dám giữ, phải mang trả về đấy”.
Từ chỗ đứng ở cổng, ở cửa, có những chú chó đã đường bệ bước vào thần điện của một số làng Việt. Người dân làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) lập một bệ thờ chó đá ngay sau chùa, kính cẩn gọi là Quan lớn Hoàng Thạch. Quan lớn Hoàng Thạch có một huyền tích khá ly kì, dù thân oan khuất nhưng vẫn bảo trợ cho làng dân khang, vật thịnh, may mắn tốt lành. Cách đó một thôi đường, vẫn trong huyện Đan Phượng, làng Trung Hiền (xã Thượng Mỗ), lại có tượng thờ “Quan Hoàng Thạch” ở sân đình, tuy tượng “quan” nhỏ hơn ở làng Địch Vĩ, nhưng không vì thế mà sự sùng bài của dân làng giảm bớt. Bệ thờ ngài vẫn được dân làng quanh năm khói hương thờ phụng. 
Tuy được gắn cho sự uy linh là thế, nhưng những bức tượng chó đá ở các làng ở trên lại tương đối thô mộc với cách đục chạm và đường nét tạo hình đơn giản, mang đậm phong cách dân gian. Chỉ đến khi, giới quý tộc sử dụng ý nghĩa tâm linh của chó đá vào việc canh giữ các sinh từ, mộ táng của gia đình, dòng họ thì việc tạo tác hình tượng chúng mới được tạo tác một cách cẩn trọng hơn. Và lúc ấy, đã hình thành nên một “đẳng cấp” mới trong thế giới chó đá, đó là những con chó đá quý tộc.
  1. Chó đá quý tộc
Ở cổng chợ Ghênh (chợ Như Quỳnh, Văn lâm) có đôi chó đá đồ sộ cao gần bằng đầu người. Nhiều người cho rằng, đôi chó đá này được đặt ở đây từ xa xưa. Nhưng thực ra, chợ Ghênh trước đây lại nằm trong thôn Lê Xá, gần đền Ghênh, mai sau này mới chuyển ra sau chùa Lá, là vị trí hiện tại. Cụ Lê Minh Hợi, nguyên là nhà giáo, một người am hiểu tường tận về lịch sử làng Như Quỳnh cho rằng, đôi chó đá trước cổng chợ Ghênh này nguyên ủy là vật trấn giữ của phủ Chí Nguyên trong làng, là “anh em sinh đôi” với đôi chó đá ở Từ vũ họ Trương…
Từ vũ họ Trương là khu lăng mộ và nhà thờ do Thái phi Trương Thị Ngọc Chử (mẹ chúa Trịnh Cương) hưng công xây dựng để thờ cụ Trương Dự và con cháu nội tộc họ Trương. Ngoài Từ vũ, trong làng Như Quỳnh còn có phủ Chí Nguyên, là dinh thự chúa Trịnh Cương xây cho mẹ mình dưỡng già. Cho đến bây giờ, ở Từ vũ và rải rác trong làng Như Quỳnh vẫn còn những hiện vật bằng đá rất giá trị về mặt điêu khắc như rồng đá, sấu đá… Đôi chó đá đặt ngay lối vào Từ vũ họ Trương làm nhiệm vụ xua đuổi tà ma và các linh hồn không “chính chủ” của Từ vũ. Đồng thời, nó giữ cho nơi thờ này sự tôn nghiêm về mặt tâm linh. Về mặt nghệ thuật điêu khắc, các con chó đá được thể hiện theo lối tả thực. Tuy người thợ điêu khắc đá đã giản lược rất nhiều chi tiết nhỏ, nhưng những đặc điểm nhận biết của loài chó vẫn rõ ràng trong các khối lớn. Nhìn tổng thể, chú chó có dáng ngồi, hai chân trước thẳng. Trong toàn bộ hệ thống tượng tròn và phù điêu bằng đá của Từ vũ họ Trương và cung Chí Nguyên, chỉ có phần chân trước của chó đá được chạm lộng, nét đục đứt hẳn làm cho khối chân rõ ràng hơn. Miệng chó rộng, để lộ cặp răng nanh sắc nhọn. Tai chó vểnh lên trên nhưng để tránh bị sứt, gãy, các nghệ nhân đã điêu khắc nó liền khối với đầu, không nhiều phần nhô ra khỏi khối lớn. Cổ chó đeo vòng đai rộng gắn 3 chiếc lục lạc, các chân đều có 5 móng. 
“Tam đẳng nhân, tam đẳng vật”, nếu như ở loài chó thật, dân gian xếp loại “nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”, thì chó đá cũng được phân chia thành đẳng cấp bình dân và quý tộc. Đẳng cấp ấy được thể hiện trên những chiếc lục lạc đeo cổ chúng. Cụ Lê Minh Hợi đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về chó đá phát hiện ra rằng: chó nhà thường dân không có lục lạc; nhà phú hộ, hương lý, kỳ hào muc hoặc tạc chó đá hay có thêm 1 lục lạc; chó đá nhà quan lại được đeo 2 lục lạc và chó đá đặt trước phủ quý tộc vương tôn, trọng quan của triều đình được phép có 3 lục lạc. Và, rõ ràng là, Từ vũ là nơi thờ tự của một dòng họ “quý thích”. Đôi chó đá đeo 3 lục lạc ngoài các ý nghĩa khác, còn có ý nghĩa tôn vinh thêm danh phận cho những người được nó bảo vệ.
Trên địa bàn Hưng Yên, còn một đôi chó đá nữa cũng được có thân phận “hiển hách” như đôi chó đá ở Từ vũ họ Trương và cổng chợ Như Quỳnh. Đó là đôi chó canh trước khu lăng mộ quan Tư đồ Nguyễn Bá Khanh. Tuy về vóc dáng và tạo hình, đôi chó đá có phần nhỏ nhắn hơn, nhưng vẫn được chạm khắc một cách cẩn trọng và tả thực tốt hơn nhiều so với các chú chó “bình dân” trong dân gian. Ở đôi chó đá này, cổ chúng cũng đeo 3 chiếc lục lạc. Lần theo dấu vết chủ nhân lăng mộ, ta thấy rằng, Nguyễn Bá Khanh tuy là quan thị, nhưng ông đã làm tới chức Tổng nội giám, Đô đốc phủ, Tả tướng quân, Thái tể đại tư đồ, Tước trực trung hầu của nhà Lê. Về vai vế, ông có thể kém chút ít so với các nhân vật nhà họ Trương ở Như Quỳnh, nhưng phẩm ngạch trong triều nhà Lê, lại có phần nhỉnh hơn.
Ngoài ra, có thể ghi nhận vài đôi chó đá “quý tộc” khác nữa như đôi chó đá trước nghi môn đền Vũ Tiên Công (Hiệp Cường, Kim Động), lăng Vũ Hồng Lượng (Phù Ủng, Ân Thi)…
3- Và những sự thăng hoa của những con chó đá
 Trừ một vài trường hợp cá biệt, tất cả các con chó đá của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đều có một hình dáng chung, đó là được tạo tác trong tư thế ngồi, hai chân trước chống thẳng, đầu hơi nhô ra phía trước. Điều đó dễ hiểu, bởi với trình độ điêu khắc dân gian và chất liệu đá, càng hạn chế các chi tiết nhô ra, càng dễ thể hiện và càng ít gãy, vỡ. Tuy nhiên, để cạnh tranh với nhau, các tốp thợ đá phải luôn sáng tạo trên sản phẩm của mình. Đó cũng là nguyên nhân các tác phẩm điêu khắc dân gian tuy hạn chế về đề tài, về cách thể hiện nhưng lại luôn sinh động và ẩn giấu tâm hồn người thợ tạc.
Từ những chú đá thô mộc ngồi canh cổng, để tạo ra dấu ấn riêng của mình, người thợ đá tài hoa đã dần cách điệu những chi tiết như tai, mắt, miệng và lông của nó. Đôi chó đá trước cửa chùa Hương Kiệu là một ví dụ. Vẫn mang hình dạng chó đá với dáng ngồi truyền thống, nhưng ở đây, các chòm lông cổ lông chân đã được cách điệu thành hình hoa văn bán nguyệt xếp liền nhau. Đặc biệt ở vai “ông chó” được tạo tác thêm hình hoa văn đao lửa bay về phía sau. Qua mỗi một lần tạo tác, qua mỗi đôi chó đá, sự cách điệu lại ngày một cao hơn, và đến độ, hình tượng ấy không còn mang dáng dấp nguyên gốc nữa, mà hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Lúc này, con chó đá đã được thăng hoa thành một con vật khác…
Dù vẫn truyền miệng trong dân gian “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, có nghĩa là chó là con vật mang đến sự may mắn, nhưng thật tiếc, chưa bao giờ con chó được coi là linh vật cát tường. Bởi thế, khi con chó được người thợ điêu khắc cách điệu tột đỉnh, cho thăng hoa bởi những bờm, những u, những chòm lông vặn xoắn thì nó vẫn mang thân phận của kẻ bên lề, canh cửa. Để những con chó đá thực sự thăng hoa, thoát thai hoàn toàn, những người thợ dân gian đã đồng hóa nó với một loài trong truyền thuyết nhà Phật- một trong chín đứa con của rồng, là con nghê[2]. Sau này, con nghê còn được “lai tạo” thêm với con sư tử, con lân để thêm sừng, thêm vảy, nhưng tư thế của nó vẫn luôn giữ dáng vẻ ban đầu, tư thế con chó đá. Đôi nghê ở phủ Chí Nguyên (Như Quỳnh, Văn Lâm) chính là sự thăng hoa như thế. Đôi nghê này có mũi to, trán dô, miệng rộng nhe nanh như dáng dấp miệng rồng, tai hình dẻ quạt, có gân, bờm xoã xuống lưng, có dáng ngồi với chân trước thẳng. Phía dưới bụng, cũng có hai lớp lông dài xoắn vân mây rồi đến hàng vẩy bụng rắn chạy dài ra phía đuôi. Chân nghê không có vảy, được trang trí bằng các lớp đao lửa bay về phía sau. Tưởng tượng bay bổng một chút, ta thấy rằng, đó chính là đôi chó đá ở Từ vũ họ Trương được “khoác” trên người “bộ nhung phục” khác mà thôi.
           *
           Có thể thấy rằng, dù trên thực tế, có thể bị coi rẻ, nhưng trong tâm thức dân gian, con chó vẫn được coi trọng. Từ việc được khắc họa vào các linh khí như trống đồng, rìu đồng đến được tạc tượng, cách điệu thành nghê… con chó trung thành tuy không trực tiếp là một biểu tượng cát tường, nhưng nó đã trở thành linh vật thân thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt. Và hơn thế, bằng sự thăng hoa của người nghệ sĩ dân gian, con chó đã dần đi sâu vào thần điện, được “đồng hóa” với con thứ tám của rồng là toan nghê như một sự tri ân của con người với loại vật thân thiết, gắn bó và trung thành.
           PHẠM MINH HOÀNG
 

[1] Trần Quốc Vượng (2003), Văn hoá Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.346.
[2] Con nghê có nguồn gốc từ con chó đá đã được Bùi Ngọc Tuấn đặt ra trong bài “Con nghê- linh vật thuần Việt” (http://vanhien.vn/news/Con-Nghe-linh-vat-thuan-Viet-22790) nhưng chưa lý giải được vì sao có sự biến đổi này. Trong bài này, trên cơ sở một số chứng cứ, chúng tôi thử lý giải nguyên nhân của sự biến đổi từ con chó đá thành con nghê.

 

Tin liên quan