KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 25/12/2018 - Lượt xem: 378
Chọn đất đặt mộ, nhìn từ trường hợp Từ vũ họ Trương

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khá nhiều ngôi mộ cổ. Nhưng trải qua những biến cố lịch sử và phong hóa thời gian, nhiều ngôi mộ đã bị chìm lấp vào lòng đất, chìm lấp trong ký ức. Tuy vậy, nhiều ngôi mộ, khu lăng của một cá nhân hay dòng họ vẫn trường tồn với thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt. “Sống” cùng với các ngôi mộ, khu lăng ấy, là cả kho tàng ký ức dân gian, tri thức bản địa và những kinh điển hàn lâm. Để đến khi cẩn thận tìm hiểu về nó,  ta như lần giở được những tầng nấc văn hóa của cha ông. Từ vũ họ Trương ở Như Quỳnh là một trường hợp như thế…

I- Từ vũ họ Trương
Từ vũ họ Trương là khu thờ của dòng họ Trương trâm anh thế phiệt thời Lê- Trịnh. Hiện tại, Từ vũ có tổng diện tích trên 450m2, được bao bọc bởi dãy tường bao trang trí hoa chanh, chữ Thọ lồng trong các ô tròn (mới xây dựng lại từ năm 2001, bằng nguồn kinh phí của dòng họ Trương và một phần công đức của bà con nhân dân Như Quỳnh). Ngoài khu thờ chính, Từ vũ có nhiều hiện vật bằng đá sắp xếp đăng đối qua trục thần đạo từ cổng vào đến đền thờ.
Từ lối đi ngoài khuôn viên tiến vào, người ta bắt gặp hai cột đá hình chữ nhật có kích thước 0,3m x 0,4m, cao 4m. Cột được tạo tác từ đá xanh, để trơn không chạm trổ hoa văn, hai cột cách nhau 3m. Đây được coi như hai cột trụ của Nghi môn trước khi vào Từ Vũ.
Cách hai cột đá một khoảng là hai con Chó đá. Chó được tạc to khỏe, há mồm nhìn nhau hung dữ. Mỗi con cao 0,86m, dài 1,2 m. Chó ngồi trên bệ đá rộng 0,8m; dài 1,4m. Hai chó đá như đang trong tư thế canh giữ, bảo vệ cho di tích. Tiếp đến là đôi rồng đá, có kích thước dài 1,2m; rộng 0,4 m. Rồng được chạm khắc các vân mây và sóng nước, các đường chạm nông xoáy trôn ốc.
Liền kề đôi rồng đá là hai đẳng thờ bằng đá. Ngoài các đường viền thẳng, có dấu khoá kỷ hà ở các góc cạnh, không chạm khắc thêm loại hoa văn nào. Kế tiếp là hai pho tượng Phỗng cũng được tạo tác từ chất liệu đá. Phỗng được tạo trong tư thế quỳ và quay đầu vào nhau. Tượng đầu trọc, mồm rộng, ngực ưỡn ra phía trước, mông cong. Tượng cao 0,95m. Theo đánh giá đã được ghi thành văn bản của một cán bộ Ban quản lý di tích tỉnh Hưng Yên thì “Phỗng được ví như những tù binh bị bắt làm nô lệ phải canh giữ cho Từ Vũ”.
Tiếp nối với hai pho Phỗng đá là hai tấm bia lớn được đặt hai bên trục thần đạo theo tính chất đăng đối như các hiện vật trước. Việc dựng bia trong các công trình lăng mộ, từ vũ “vốn không phải lễ chế đời xưa” mà được bắt đầu từ thời Lê sơ, “làm thêm văn vẻ, là có ý muốn phô trương công lớn để lưu truyền vĩnh viễn”[1]. Tấm bia bên phải “Chương huệ hiển đức chi bi nhị Trương công tòng tự bi ký”[2] có niên đại Cảnh Hưng thứ 3 (1741). Bia cao 1,8m; rộng 0,69 m. Hai mặt bia đều ghi chữ Hán. Nội dung bia lược trích về thân thế của bà Trương Thị Ngọc Chử như sau: Bà là một người con gái xinh đẹp, con nhà gia thế. Đồng thời, bà cũng là người hay thơ văn và có giọng hát hay. Bà đã hội ngộ và xe duyên cùng chúa Trịnh Bính. Khi trở thành cung phi, bà đã đem tiền của về xây dựng đền, miếu, chùa ở quê nhà. Hai mặt còn lại là đôi câu đối:
Báo đức, cảm nhân tâm, tứ thời hưởng hinh hương phong khiết
Tích thiện, bồi thế trạch, nhất môn sâm hiếu hữu trung hiền[3]
Đã được dịch là:
Báo điều đức, cảm động khắp long người, bốn mùa hưởng khói hương tinh khiết.
Tích điều thiện, ân trạch bồi đắp mãi mãi, một nhà hiếu đễ, trung quân, hiền tài.
Toàn bộ bia ký và câu đối do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, Hình bộ Tả thị lang, Hành lễ bộ Tả thị lang, Nghĩa Phương hầu Nguyễn Vĩ nhuận sắc; Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Bồi tụng, Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử, Hành binh bộ Hữu thị lang Nguyễn Kiều soạn.
Tấm bia đối diện là “Lưu ân di ái chi bi”[4], được làm năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Bia có kích thước cao 1,8 m; rộng 0,6 m. Mặt trước bia có nội dung ca ngợi ân đức của cụ Trương Dự và gia đình họ Trương, mặt sau ghi lại những người đã góp công, góp của để tu bổ Từ Vũ. Đôi câu đối trên hai mặt còn lại của bia là:
Dương huy gia ư vạn đại, vân lai trường lý dư hương
Hưởng báo bảo ư tứ thời, lễ lạc thịnh trần dị số[5]
Đã được dịch là:
Nêu việc tốt đẹp cho vạn đời, con cháu muôn sau nhờ tiếng tốt
Hưởng đền đáp trọng vọng bốn mùa, lễ lớn nêu công đức lạ
Bia do Các đại thần trong triều lúc bấy giờ là Tiến sĩ khoá Canh Tuất, Tá lý công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Trung khuông quân doanh đô đốc phủ, Tả đô đốc, Trí sĩ quốc lão, Thái tể, Ứng quạn công Đặng Đình Tướng; Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Bồi tụng Lễ bộ thượng thư, Nhân quận ông Nguyễn Đương Bao; Tiến sĩ khoa Canh Thìn, Đô ngự sử, Sóc quận công Nguyễn Hãng cùng nhau soạn.
 Cả hai tấm bia đều có dáng hình hộp chữ nhật, các đường viền đều được chạm khắc hoa văn, hình hoa cúc dây, vân mây… rất tinh tế. Trang trí trên chân bia là các lá đề, hoa cúc xoắn, chạm long mã, lân. Các nét chạm cầu kỳ và tinh xảo, chữ khắc trên bia đẹp, thanh thoát.
Bước lên một bậc ở chính giữa là một đẳng đá cao 1,6m; dài 2,2m; rộng 1m. Tiếp phía sau là 6 bệ đá được chia thành hai hàng đối xứng nhau. Các bệ đều có chiều cao 1,6m; dài 2,2m, rộng 1,4 m. Toàn bộ các bệ đều để trơn, mặt phẳng.
Phía sau cùng của Từ Vũ là khu đền gồm ba gian. Do khu đền này mới được phục dựng, không có khuôn mẫu từ trước nên được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Giữa đường bờ nóc có đôi rồng đắp nổi theo lối lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu kìm ngậm đầu bờ nóc. Các đầu đao được uốn cong hình đầu rồng. Cuối đường bờ dải là đôi cột đồng trụ, đỉnh cột đắp đôi nghê chầu như muốn kiểm soát tâm hồn người hành hương trước khi vào đền.
Các bộ vì trong khu đền được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn, kiến trúc bê tông giả cổ. Tại gian giữa có treo bức đại tự chữ Hán “Tiền thùy hậu”. Phía trước các gian có treo ba bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm khắc các đề tài rồng, phượng, hoa cúc, hoa dây…gian giữa đền thờ là một ban thờ, trên ban thờ đặt cỗ ngai thờ cụ tổ Trương Lục, là ông nội bà chúa (Bà Trương Thị Ngọc Chử). Đồng thời ông là một người có công với dân làng nên được phối thờ tại đền. Hai bên ngai thờ ông Trương Lục là bài vị của Quý Công Trương Dự (bố bà chúa) và trưởng tộc Trương Lộc (Bác ruột bà Chử). Có thể nói đây là ban thờ cụ tổ và những người trong dòng họ Trương.
Gian bên phải đền thờ là ban thờ cộng đồng nhà Chúa. Trên ban thờ bài trí nhiều đồ thờ tự như: Bát hương, lục bình, chân đèn, chân nến… Gian bên trái là ban thờ bà Chúa, trên ban thờ đặt tượng bà. Tượng trong tư thế ngồi, có khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, mặc áo choàng. Ngoài ra, bên phải khu thờ chính là ba gian nhà khách. Tòa nhà này mới được xây dựng nên phong cách kiến trúc không thuần nhất. Nơi đây dùng để sắp lễ trước khi vào lễ ở khu thờ chính và cũng là nơi đón tiếp khách đến tham quan vào những ngày lễ tế thông thường cũng như dịp lễ hội.
Trong sách “Từ điển văn hóa Hưng Yên” (Nxb Văn hóa dân tộc, 2018), nhà nghiên cứu Vũ Tiến Kỳ đã có nhiều mục từ giải thích các thực hành văn hóa trong việc chọn đất để xây dựng các công trình như nhà ở, đình chùa…. Đặc biệt, mục từ “Chọn đất đặt mộ”, tác giả đã cho rằng: “theo quan niệm dân gian, ngôi âm phần dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ có ảnh hưởng tới sự tồn vong, hưng thịnh của con cháu, dòng họ”. Vậy thì, trong thời gian mà thuật phong thủy đang khá cường thịnh như thời Lê- Trịnh, trong không gian của vùng đất liên quan mật thiết đến nhà Chúa, Từ vũ họ Trương được xây dựng theo các nguyên tắc phong thủy nào, việc vận dụng các nguyên tắc ấy trên thực địa ra sao? Với thực tế là, không hề có tài liệu nào ghi chép việc xây Từ vũ, các câu chuyện truyền ngôn trực tiếp về khu này lại rất thưa thớt, phong thanh, trả lời các câu hỏi trên, chỉ có thể bằng quan sát thực tế, khảo tả cộng với sự tư biện mà thôi…
 
II- Phong thủy dân gian
Do nằm ở vùng đất sầm uất, trên bến dưới thuyền, trong khu vực đồng bằng màu mỡ, dân cư đông đúc, nên Từ vũ tương đối nhỏ hẹp. Tuy nhiên, không vì thế, nó mất đi dáng vẻ hoành tráng và uy nghiêm của những công trình mang tính chất và quy mô vương giả.
Theo các tài liệu, Từ vũ là một công trình do người của phủ Chúa chỉ đạo xây dựng. Vì vậy, những các lý thuyết về phong thuỷ, kiến trúc và mỹ thuật đương thời được áp dụng triệt để trong các khâu chuẩn bị, xây cất. Dân gian có câu rằng: “người ta sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”, nên việc chọn địa thế, tìm huyệt đất theo long mạch để xây dựng lăng mộ, từ vũ được làm rất cẩn thận. Vào thời Trần, Trần Minh Tông khi làm lễ an tang cho mẹ, đã làm gương dẹp bỏ sự rườm rà của lệ xem ngày giờ, địa thế. Đến nỗi sử thần Ngô Sĩ Liên phải thốt lên thán phục: Cùng là ngũ hành mà nhà nọ nhà kia không giống nhau, cùng một hướng núi mà khi thì tốt khi thì xấu; thậm chí lại đặt ra những thuyết có huyệt thì sát cả nhà, có huyệt phải đắp như núi, có huyệt thì chết con trưởng, để cho người đời sợ, kẻ ngu tin. Cho nên có kẻ hoãn việc tang cha mẹ lại đến hàng năm, bỏ chỗ đất tốt để tìm phương hướng. Đất chia lắm kiểu, kiêng kỵ càng nhiều. Quên cha mẹ lo lợi mình, bỏ cả lễ để cầu phúc. Nhưng mà hợp lộ, hợp mã, tam kỳ, tam bạch, tử vi, loan giá, bắc thần, hành nha, nhan nhản những quẻ tốt đó mà chưa bao giờ cho kẻ bất hiếu được hưởng phúc. Việc câu nệ lý số, Minh Tông cho là vô lý bác đi, mà quyết ý làm lễ an táng mẹ. Mấy câu hỏi vặn về hướng cũng đủ phá tan điều mê muội của người xem quẻ. Đế vương còn thế, huống chi người thường”[6]. Tuy nhiên, đến thời Lê, tính chuyên chế của một triều đình phong kiến được xác lập một cách rõ ràng nên việc xây cất lăng mộ, đền, phủ thờ cũng được quy định nghiêm nhặt, việc phong thuỷ, vì thế, lại trỗi dậy mạnh mẽ. Theo Nguyễn Quân- Phan Cẩm Thượng, quy chế về xây cất lăng mộ có các đặc điểm:
1. Cân nhắc phẩm hàm của người quá cố để dự chi cho việc xây cất lăng mộ.
2. Thầy tướng, thầy địa lý qua ngày sinh, ngày mất, tính toán chọn giờ tốt để đưa ma, hướng lăng và cảnh quan địa lý. Các nguyên tắc cơ bản là: “Vạn niên cát địa”- đất tốt vạn năm, “tiền án hậu chẩm”- núi án phía trước, núi gối phía sau, “chi lưu huyền thuỷ”- nước chảy lặng lẽ, quanh co hình chữ chi.
3. Dựng cấu trúc lăng, tính tỉ mỉ bao nhiêu hạng mục công trình, nơi thờ, bia, mộ phần với kích thước chi tiết.
4. Tượng người và thú từng đôi sẽ được đặt hai bên thần đạo làm mô hình tiểu triều đình như khi vua còn sống, bản thân những tượng đó cũng là thần xua đuổi tà ma, chiến đấu cho người chết được an nghỉ.
5. Đông kinh phía mặt trời mọc là nơi đô hội khi vua trị vì đất nước, Tây kinh phía mặt trời lặn là nơi vĩnh hằng của các bậc đế vương[7].
Như thế, cũng như để dựng bất kỳ một kiến trúc nào khác, trong dựng lăng mộ, việc chọn lựa đất tốt là điều bắt buộc. Sau thời Lê Sơ, việc xây cất lăng mộ không còn là độc quyền của vua chúa nữa, mà nó bắt đầu lan sang các tầng lớp quý tộc khác, như các đại thần, thái giám… Dù rằng, về quy mô lăng mộ, sinh từ, từ vũ của các quý tộc không thể nào sánh được với vua chúa, nhưng không vì thế mà người chủ định xây cất các công trình này bỏ qua quá trình chọn đất táng, đất xây cất. Việc chọn lựa đất, tìm huyệt đất phù hợp phong thuỷ, nói thì ra vẻ cao siêu, nhưng thực tế chỉ là tìm cách “thuận theo tự nhiên” mà thôi. Theo các “kỳ thư” lý thuyết về phong thuỷ, việc tìm đất hợp phong thuỷ được gọi là “tầm long”. “Phép tầm long trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm đến huyệt. Huyệt trường là thế đất có án che phía trước (gọi là tiền án, có khi là một quả đồi), chẩm là chỗ dựa phía sau (gọi là hậu chẩm, có khi là một trái núi) , bên tay trái có tay long, bên tay phải có tay hổ (gọi là tả thanh long, hữu bạch hổ). Tay long tay hổ có thể là đồi núi, bờ ruộng… dưới dạng hai vành móng ngựa lồng vào nhau; tay long (bên trái, phương Đông) phải lồng ra ngoài tay hổ (bên phải, phương Tây). Huyệt còn phải có chỗ trũng nước tụ lại phía trước (Minh đường) và chỗ trũng ở phía sau (Não đường)”. Vẫn theo cái lý “thuận theo tự nhiên” đã nói ở trên, những “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” chẳng qua là một địa hình có sông hồ, gò bãi đăng đối (vừa chống được hạn, vừa tiện tránh lũ). Đồng thời, nó cũng là nơi có sự chuyển động của nước và của gió, không tĩnh lặng quá mà cũng không mãnh liệt quá.
Từ vũ họ Trương toạ lạc trên gò Kỳ Ngộ. Theo cụ Phạm Như Tiên, 96 tuổi, nguyên lãnh đạo Sở địa chính Hưng Yên, người đã có một thời gian dài làm về địa bạ tại Văn Lâm trong chính quyền bảo hộ thời Pháp thuộc (trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945), gò Kỳ Ngộ nằm trong thế đất quần phong phía bắc của đền Ghênh, bắt đầu từ gò Đồn, gò Rạng, gò Đa, gò Khánh Tán... Tuy nhiên, theo hồi cố của các bô lão về hình thế huyệt đất và quan sát của chúng tôi, gò Kỳ Ngộ nằm trên thửa đất dân gian gọi là “khum khum gọng vó, chẳng nó thì ai, thè lè lưỡi trai, chẳng sai được nó” là nơi bồi tụ của dòng Nguyệt Đức. Về mặt lý thuyết kinh điển phong thuỷ, gò có hình cái trống (cổ hình), trước mặt là khúc sông Nguyệt Đức thế tam giao thuỷ hội (thuỷ khẩu có thế 3 dòng nước cuồn cuộn xoáy tròn rồi toả đi 3 phía) là minh đường. Bên cạnh đó, các gò Đồn, gò Rạng, gò Đa, gò Khánh Tán hội tụ thành thế quần ngư vọng nguyệt (đàn cá nhìn trăng). Xa xa, gò Con Cóc nhìn vào gò Từ vũ tạo thành thế “thiềm thừ vọng cổ” (con cóc nhìn cái trống). Mạch đất đi từ đây, qua các gò Mả Quan, Mả Giang, Tầm Xuân, Cây Gạo, Cây Nhội chầu vào khu đất mà phủ Chí Nguyên toạ lạc… Nhìn vào những mạch đất ấy, soi chiếu vào ccacs lý thuyết hàn lâm bộ môn phong thủy và tri thức dân gian về việc chọn đất đặt mộ, có thể thấy răng, ngôi Từ vũ họ Trương đã đạt đến tiêu chuẩn "tụ khí tàng long".
*
Trải qua hơn 300 năm mưa gió, qua nhiều giai đoạn lịch sử, lại ở vào vùng đất loạn lạc binh đao vào thời kỳ nhà Lê suy vận, nhưng Từ vũ họ Trương vẫn tồn tại vững bền, ngoài những lý do khách quan, có lẽ một phần cũng vì yếu tố “phong thủy”. Nhưng quan trọng hơn cả, để đạt đến sự “trường tồn” như thế, Từ vũ họ Trương- mà chính xác phải nói là chủ nhân của Từ vũ họ Trương, đã “đặt đất” theo đúng “phong thủy” trong chính lòng dân. Đó là chữ “đức”- thứ mà bất kỳ sách phong thủy nào cũng bàn đến (đức năng thắng số). Điều đó thể hiện không chỉ ở các văn bia, mà còn lưu truyền trong dân gian vùng Như Quỳnh rất rõ. Sách xưa có nói: Hành hiệp đạo nghĩa, bất bốc tự cát/ Hành bội đạo nghĩa, túng bốc diệc hung/ Nhân đương tự bốc, bất tất bốc thần (Làm theo đạo nghĩa, không bói toán cũng được cát/ Làm ngược đạo nghĩa, không bói toán cũng gặp hung/ Muốn hỏi cát hung, hãy hỏi chính mình, đừng hỏi thần linh) thật đúng lắm thay.
Tiểu Phong
 
 
 

[1] Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, (bản dịch Viện Sử học, file PDF), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.814.
[2] Số thác bản 5542 tại Viện Hán Nôm
[3] Số thác bản 5544 và 5545 tại Viện Hán Nôm
[4] Số thác bản 5539 tại Viện Hán Nôm
[5] Số thác bản 5540 tại Viện Hán Nôm (các bản dịch đều của ông Nguyễn Hữu Mùi, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
[6] Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr.819
[7] Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, tr.126.
 

 

Tin liên quan