Trên địa bàn tỉnh, rác thải nhựa hiện nay chỉ có thể xử lý bằng hai cách là chôn lấp và đốt tại các đơn vị chuyên môn. Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, phải mất hàng trăm năm, thậm chí, hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Nếu không được xử lý đúng cách, việc đốt rác nhựa tự phát ngoài môi trường sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Xử lý rác thải nhựa bằng lò đốt chuyên dụng ở xã Đại Đồng (Văn Lâm)
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, lượng rác thải nhựa và túi nilon đang chiếm khoảng 5 - 10% tổng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, ở nhiều khu vực tỷ lệ này lên tới 30%.
Để xử lý rác thải nhựa hiệu quả, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đốt rác thải sinh hoạt bằng lò chuyên dụng là Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 11 (xã Đại Đồng, Văn Lâm) và lò đốt rác tại phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào (thuộc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt chuyên dụng chỉ chiếm khoảng 20 - 25% so với tổng lượng rác thải phát sinh trong toàn tỉnh. Rác thải nhựa lẫn với các loại rác sinh hoạt khác, phần lớn được tập kết tại bãi rác, điểm tập kết rác thải sinh hoạt của các địa phương, bị đốt tự phát gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe người dân.
Để phòng, chống rác thải nhựa, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng nhựa dùng một lần; túi nilon khó phân hủy; ngày 6.10.2020, UBND tỉnh có Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngày 14.4.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 858/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán Đề án Nói không với rác thải nhựa và túi nilon tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Hoạt động nổi bật ở các địa phương trong tỉnh hiện nay là các mô hình tự phân loại rác thải nhựa, tái chế rác thải nhựa để giảm phát thải ra môi trường. Trong tỉnh đã thành lập được 24 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” và 141 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, mỗi câu lạc bộ thu hút từ 50 đến 70 thành viên tham gia.
Thực tế tại phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên), nơi mới thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”, chỉ sau vài tháng ra mắt, câu lạc bộ đã thu được kết quả tích cực. 50 thành viên của câu lạc bộ đều hăng hái thực hành hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, đời sống. Hoạt động từ tháng 5.2022, mỗi tháng, câu lạc bộ thu gom được hàng chục kg rác nhựa có thể tái chế, số tiền bán rác nhựa được dùng để giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn trong phường.
Tại Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên, 100% công nhân thu gom rác có túi đựng rác tái chế mỗi khi đi thu gom rác thải sinh hoạt. Các loại rác nhựa, vỏ lon, đồ nhựa cũ hỏng… đều được thu gom riêng để tái chế. Theo ước tính của công ty, mỗi ngày, các công nhân loại bớt được hàng chục kg rác nhựa, giảm phát sinh ra bãi rác của thành phố. Cùng với đó, công ty đang duy trì hiệu quả tổ nhặt rác ở các dải phân cách nội thành bằng xe đạp, có sọt chuyên dụng để nhặt rác. Rác thải nhựa có thể tái chế đều được để riêng, chuyển đến cho các đầu mối thu gom tái chế, chỉ những loại không thể tái chế mới đưa ra bãi rác.
Được biết, trên địa bàn tỉnh có trên 60 cơ quan, đơn vị đã ký cam kết tham gia phong trào chống rác thải nhựa. Nhiều cơ quan, hội, đoàn thể đã triển khai hiệu quả các hoạt động cụ thể như: Nói không với túi ni lon và sản phẩm nhựa dùng một lần; phát túi vải, làn đi chợ cho đoàn viên, hội viên; thu gom phế liệu nhựa để tái chế…
Để chung tay phòng, chống rác thải nhựa, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, mỗi người dân cần xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy; hạn chế tối đa sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng các sản phẩm ít bao bì hoặc bao bì có thể tái chế; không vứt rác nhựa bừa bãi hoặc đốt rác nhựa tự phát; hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nguồn…
Hành động nhỏ của mỗi cá nhân, gia đình sẽ mang lại lợi ích to lớn, bền vững cho môi trường và cộng đồng.
Nguồn: https://baohungyen.vn