Cùng về công tác tại Đoàn Chèo Hưng Yên (nay là Nhà hát chèo) từ khi tái lập tỉnh Hưng Yên (1997), chàng trai Dương Mạnh Đáng diễn viên chèo đã bén duyên cô gái đất Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hạnh có tài chơi đàn tam thập lục điệu nghệ, có giọng hát xứ Nghệ ngọt ngào đằm thắm. Năm 2001, anh chị xây tổ ấm và rồi 2 con một trai, một gái lần lượt ra đời. Từ đó đến nay, gia đình anh chị lúc nào cũng rộn rã tiếng hát, tiếng đàn và ngập tràn hạnh phúc.
Tôi hẹn gặp anh chị vào một buổi sáng cuối tuần tại nhà riêng, khi bước vào nhà ấn tượng đầu tiên của tôi là sự say sưa nhập tâm của cậu con trai Dương Tiến Lâm bên chiếc trống chầu. Lâm ngồi xem các đĩa hát chèo, ca trù và đánh trống chầu một cách say sưa, mặc cho bố mẹ cậu vẫn ngồi tiếp chuyện tôi nói cười rôm rả. Đôi bàn tay của cậu bé như đang múa trên mặt trống. Dưới bàn tay ấy, chiếc dùi trống như có phép lạ, từng chuỗi âm thanh tuôn trào. Tôi lắng nghe những hồi trống, có lúc khoan thai, có lúc dồn dập công thành, có cả niềm vui như vỡ òa hiện hữu lên bằng âm thanh…
Sinh năm 2009, hiện đang là học sinh lớp 5A1 trường Mầm non 19/5 thành phố Hưng Yên, Dương Tiến Lâm sở hữu một gương mặt lanh lợi, đôi mắt sáng dưới vầng trán thông minh có chút láu lỉnh. Lên 3 tuổi Lâm đã thích trống và mê các làn điệu hát chèo, ca trù. Biết được sở thích của con trai nên anh chị đã lặn lội sang tận làng trống Đọi Tam (Duy Tiên-Hà Nam) để sắm cho em bộ trống chầu.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (mẹ Lâm) cho biết: Trống chầu trở thành một trong những thứ âm thanh tao nhã, bác học và không kém phần trang trọng của nghệ thuật ca trù nói chung và nghệ thuật hát cửa đình nói riêng. Tiếng trống chầu trong ca trù không chỉ có chức năng điều hành canh hát mà còn góp phần quan trọng tạo nên nét thanh nhã, cao sang của mĩ nhạc ca trù, là thứ không thể thiếu để đưa lời ca vút bay.
Xác định tầm quan trọng của tiếng trống như thế cho nên thấy con trai có năng khiếu về trống, phản ứng nhanh nhạy, có chân tay dẻo dai và có độ cảm thụ giọng hát tinh tường, nắm bắt được từng cách thức, quy luật của một canh chầu nên anh chị đã tạo mọi điều kiện để con được phát triển tự nhiên. Bởi học hát có khi còn không khó bằng việc học đánh trống chầu, chính vì thế mà người theo học đánh trống chầu rất ít. Chỉ những ai thực sự đam mê và thực sự có tài năng thì mới đánh được trống chầu.
Chưa qua một trường lớp nào, nhưng ngay từ nhỏ Lâm đã sớm bộc lộ năng khiếu. Tiếng trống chầu như có sức kích thích, gây niềm háo hức, phấn chấn cho em niềm đam mê. Giữ vai trò cầm chầu, Lâm đã biết điểm tiếng trống của mình đúng lúc, đúng chỗ và đánh rất chuẩn. Tiếng trống không được lấn dàn nhạc, hoặc át lời hát của ca nương. Tiếng trống chầu của nghệ sỹ nhí đã thu hút khán giả chú ý theo dõi, thưởng thức.
Tháng 7 năm 2014 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên tổ chức Liên hoan hát chèo, ca trù và trống quân tỉnh Hưng Yên lần thứ 2, tất cả mọi khán giả đến tham dự Liên hoan đã hết sức ngạc nhiên với kỹ thuật cầm chầu biểu diễn chững chạc của nghệ sĩ nhí Dương Tiến Lâm 5 tuổi trong tiết mục “Chuông vàng chùa Chuông” cùng với ca nương Nguyễn Thị Hạnh và kép đàn Xuân Thể. Tiết mục này đã được Ban tổ chức trao giải xuất sắc. Ngay sau đó, tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 do Viện Âm nhạc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có di sản ca trù tổ chức tại Viện Âm nhạc Hà Nội tiết mục ca trù Ả phiền 36 giọng của Ca nương Nguyễn Thị Hạnh, trống chầu Dương Tiến Lâm, kép đàn Xuân thể của Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng Hưng Yên đã đạt giải ba (HCĐ) và Dương Tiến Lâm được trao giải thành viên nhỏ tuổi nhất.
Điều đặc biệt là, tiết mục biểu diễn của Lâm khiến khán giả thán phục vỗ tay dàn dạt. Tiến sỹ Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc đã lên sân khấu tặng hoa cho Lâm và có những nhận xét thật xúc động: Với sự phong phú về thể cách, làn điệu, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, lâu nay, ca trù được coi là nghệ thuật diễn xướng cổ truyền vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học. Ca trù không phải loại hình âm nhạc cứ biết là thích, cứ nghe là hiểu. Ca trù kén người nghe và càng kén người hát. Hát đã khó, đánh trống còn khó hơn. Qua nhiều lần tổ chức các cuộc Liên hoan, lần đầu tiên tôi thấy có một tài năng nhỏ tuổi, một năng khiếu hiếm có. Mặc dù tiết mục ca trù Ả phiền 36 giọng là một bài thể cách rất khó, trống chầu không chỉ điểm trống theo khổ đàn mà người đánh trống còn phải thể hiện nhiều cách đánh như nhịp một, hát văn, trống quân thay đổi liên tục chứ không đơn giản. Vậy mà em đã thành công ngoài sự mong đợi của giới chuyên môn chúng tôi.
Tiếp sau đó, tháng 3/2015, Tiến Lâm tiếp tục tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ VI-2015 khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ tổ chức tại Bắc Ninh, tiết mục ca trù "Tỳ bà hành" do ca nương Đỗ Thị Thanh Nhàn, trống chầu Dương Tiến Lâm, kép đàn Xuân Thể đã được lọt vào vòng chung kết, những tiết mục đặc sắc nhất được lựa chọn sẽ tham dự vòng Chung kết diễn ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Qua các cuộc thi, liên hoan, chúng ta tin rằng thành tích của Lâm sẽ được nối dài hơn nữa.
Trong câu chuyện anh Đáng giãi bày tâm sự: Trót theo nghiệp đàn hát, vợ chồng tôi đã xác định “sinh nghề tử nghiệp”. Do hoàn cảnh gia đình không có người trông nom con cái, nên cả hai con đã phải theo bố mẹ đi tập luyện, biểu diễn từ khi mới lọt lòng. Được ảnh hưởng bởi âm nhạc từ khi còn nằm trong bào thai, các cháu sinh ra và lớn lên trong môi trường nghệ thuật nên âm nhạc ngấm vào tâm hồn các cháu tự lúc nào không hay.
Cô con gái đầu lòng Dương Hà Linh sinh năm 2002, hiện đang là học sinh lớp 7 trường THCS Lê Lợi, thành phố Hưng Yên. Suốt từ năm học lớp 1 đến nay, Linh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Từ khi mới học nói em đã biết hát chèo. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, Hà Linh còn theo học lớp sân khấu học đường và có duyên với nhiều giải thưởng văn nghệ do các cấp tổ chức: Giải xuất sắc nhất tại Liên hoan giai điệu tuổi hồng ngành giáo dục tổ chức; giải giọng hát triển vọng nhất tại Liên hoan ca múa nhạc hoa phượng đỏ và thiếu nhi kể chuyện hè năm 2013; Giải xuất sắc tại Liên hoan giai điệu tuổi hồng và thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên năm 2014; Giải xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi khu vực phía Bắc tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên… Đặc biệt, năm 2013, Hà Linh được lọt vào "mắt xanh" của phòng Văn nghệ Đài PTTH tỉnh và em được chọn làm dẫn chương trình với tên gọi MC Thỏ Hà Linh kể chuyện thiếu nhi chuyên mục "Ếch xanh kể chuyện". Mỗi tuần em đi ghi hình cho Đài từ 1 đến 2 lần.
Là diễn viên-nghệ sỹ chèo tham gia nhiều vai diễn qua các vở diễn, giữ cương vị là Phụ trách Đoàn nghệ thuật I của Nhà hát, qua nhiều năm cống hiến anh Dương Mạnh Đáng đã có được những thành công nhất định cho việc bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống. Còn vợ anh, chị Nguyễn Thị Hạnh, tuy là nhạc công nhưng có giọng hát chèo, hát ca trù, hát dân ca rất ngọt ngào, mượt mà. Năm 2003, chị đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Liên hoan tiếng hát truyền hình tỉnh Hưng Yên lần thứ 3. Đặc biệt, chị còn là một ca nương sáng giá của Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng.
Hiểu được đam mê của con cái và để chăm lo cho các con, vợ chồng anh Đáng, chị Hạnh đã không ngừng tạo cho con môi trường sinh hoạt nghệ thuật tốt. Hiện nay, cả gia đình anh chị đều tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng, góp phần bảo tồn vốn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Đây cũng là môi trường tốt để cả nhà anh có dịp cọ sát và nâng cao năng khiếu của mình.
Năm 2014, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC14 đã về gia đình anh chị để làm chương trình gương điển hình với chủ đề “Tìm về với dân ca”. Nội dung chương trình ghi lại quá trình truyền dạy hát chèo, ca trù của chị Hạnh cho các con, về niềm đam mê luyện trống chầu của Tiến Lâm, về năng khiếu kể chuyện “trời cho” của Hà Linh và sự miệt mài tập luyện hát ca trù của gia đình anh chị tại CLB ca trù Đào Đặng ở đền Bà Đào Nương (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên). Chương trình phát sóng đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ khán giả cả nước, có tác động mạnh mẽ trong việc giáo dục bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống – một loại di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tâm hồn anh chị vẫn luôn trẻ trung, bầu nhiệt huyết vẫn còn nóng bỏng, lòng yêu nghệ thuật truyền thống ngày càng sâu sắc theo thời gian. Một gia đình mà cả vợ, chồng, con cái đều yêu nghệ thuật, góp phần lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh nhà như vậy thật đáng trân trọng biết bao.
Mai Diên